Thi đua 'Dân vận khéo'
Tại Đồng Tháp, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đang ngày càng lan tỏa, mang lại hiệu ứng tích cực.
Diện mạo nông thôn mới ở Đồng Tháp ngày càng xanh, sạch, đẹp.
Xác định phong trào thi đua “Dân vận khéo” đóng vai trò quan trọng, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, thời gian qua, MTTQ các cấp trong tỉnh phối hợp với Ban Dân vận, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị cùng cấp tích cực tuyên truyền sâu rộng phong trào thi đua và xây dựng mô hình điển hình đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân.
Trên lĩnh vực kinh tế, đó là các mô hình “Dân vận khéo” trong sản xuất, kinh doanh, nhất là ở địa bàn nông thôn, như vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng trang trại, phát triển tiểu, thủ công nghiệp, dịch vụ... nhằm phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, khuyến khích sản xuất, kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng. Kết quả rõ nhất trên lĩnh vực này là tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 là trên 12%, đến nay giảm còn dưới 4,28%; thu nhập bình quân đầu người luôn tăng hàng năm.
Các mô hình “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới có bước chuyển biến tích cực, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, cải thiện cuộc sống người dân; hỗ trợ nhau về kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh; vận động nhân dân phát huy vai trò nòng cốt xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giúp nhau giảm nghèo, xây dựng gia đình văn hóa… theo hướng Nhà nước và nhân dân cùng làm. Từ năm 2009 đến nay, các mô hình “Dân vận khéo” đã vận động các nguồn lực trong và ngoài tỉnh được trên 1.800 tỷ đồng, góp phần cho 70 xã đạt 19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2010-2019.
Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, điển hình là các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Quỹ vì người nghèo”, “Lao động sáng tạo”. Các cuộc vận động đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Kinh tế phát triển, bộ mặt nông thôn được đổi mới, đời sống dân cư ngày càng được cải thiện...
Có thể nói, phong trào “Dân vận khéo” đã tập trung giải quyết các vấn đề vừa cơ bản, vừa bức thiết của địa phương, hướng vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của địa phương ngày càng vững mạnh. Qua phong trào, đội ngũ cán bộ có trách nhiệm hơn trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; phong cách làm việc có chuyển biến theo hướng sâu sát cơ sở, “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”; “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”.