Sửa chữa mặt cầu Thăng Long: Quan trọng là chọn được công nghệ chuẩn
Như tin đã đưa, Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT) vừa lựa chọn công nghệ Mỹ cho lần “đại phẫu” mặt cầu Thăng Long. Tuy nhiên, xung quanh việc sửa chữa cây cầu được khởi công xây dựng năm 1974 và thông xe năm 1985, do Liên Xô (cũ) tài trợ còn nhiều ý kiến khác nhau, bởi suốt hơn 10 năm qua đã có hơn 10 lần thực hiện cải tạo mặt cầu Thăng Long nhưng tình trạng hư hỏng vẫn tiếp tục xảy ra…
Cầu Thăng Long đã qua nhiều lần sửa chữa nhưng vẫn không đạt yêu cầu. Ảnh: Quang Vinh.
Theo ông Nguyễn Văn Huyện-Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT) thì lần này mặt cầu sẽ được sửa chữa các bản thép với kết cấu liên hợp siêu nhẹ. Đơn vị thi công sẽ cào bóc sạch lớp bê tông nhựa hiện hữu, làm sạch bản mặt thép. Đơn vị thi công sẽ hàn các đinh neo thép vào bản mặt thép, lắp đặt lưới thép và đổ một lớp bê tông cường độ cao. Sau đó, sẽ thi công lớp phủ bê tông nhựa tạo nhám để đảm bảo êm thuận trong quá trình khai thác. Đồng thời, các khe co giãn trên mặt cầu đã hư hỏng sẽ được thay thế toàn bộ.
Dự kiến dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long trong năm 2020 có quy mô khoảng 270 tỷ đồng, thực hiện từ đầu tháng 7/2020 đến cuối năm 2020 sẽ hoàn thành. Thi công 24/24 giờ với mái che trong suốt quá tình thi công; đồng thời sẽ phân luồng giao thông và cấm hoàn toàn phương tiện qua cầu.
Lần này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã báo cáo Bộ GTVT 3 phương án sửa chữa mặt cầu Thăng Long. Phương án 1 sửa chữa mang tính tổng thể. Phương án 2 sẽ chỉ thí điểm sửa chữa lớp bê tông nhựa mặt cầu nhưng không sửa chữa phần kết cấu thép. Phương án 3 sẽ cho hàn lưới thép trên bản thép mặt cầu, sau đó làm lớp dính bám như phương án 1 và thảm bê tông nhựa (sử dụng loại bê tông nhựa gia cường cốt sợi thủy tinh để cải thiện khả năng chịu kéo của bê tông nhựa).
Cũng cần nhắc lại,trước đó Tổng cục Đường bộ đã triển khai nhiều dư án duy tu, sửa chữa mặt cầu Thăng Long, trong đó có đợt thảm lại toàn bộ mặt cầu với kinh phí hơn 100 tỷ đồng vào năm 2009 và 2012 nhưng sau đó tình trạng lớp bê tông nhựa vẫn bị đùn lên, nứt xẻ rãnh và ổ gà. Từ đó đến nay, mỗi năm Bộ GTVT vẫn phải dùng ngân sách để duy tu, sửa chữa với giá trị được tính toán cao gấp 11 lần kinh phí duy tu trên cùng tuyến đường. Như vậy là trong suốt hơn 10 năm qua đã có hơn 10 lần thực hiện cải tạo mặt cầu Thăng Long nhưng tình trạng hư hỏng vẫn tiếp tục xảy ra gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Theo GS.TS Bùi Xuân Cậy-Trưởng Khoa Công trình, Trường Đại học GTVT Hà Nội thì nguyên nhân dẫn đến việc sửa mặt cầu Thăng Long nhiều lần nhưng vẫn bị hỏng là do các lần sửa chữa không phù hợp với kết cấu, công nghệ làm cầu mà người Nga đã xây dựng.
Nhắc lại bài học đắt giá về việc lựa chọn công nghệ từng xảy ra khi tiến hành sửa chữa chính mặt cầu Thăng Long trước đây, theo Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam Ngô Thịnh Đức- nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT, đó là lần sửa mặt cầu năm 2009, công nghệ được sử dụng cũng đến từ nước Mỹ và thời điểm đó mang đến rất nhiều kỳ vọng. Tuy nhiên, kết quả cho thấy, mặt cầu Thăng Long từ đó đến nay liên tục hư hỏng mà không thể tìm ra giải pháp hữu hiệu nào.
Do đó, ông Thịnh nhấn mạnh, việc lựa chọn và sử dụng công nghệ chuẩn, phù hợp là điều tối quan trọng. Bởi nguyên nhân thất bại của đợt sửa mặt cầu Thăng Long năm 2009 chính là vì áp dụng công nghệ copy, không phải công nghệ gốc nên khi hư hỏng không biết quy trách nhiệm cho ai.
Tuy nhiên, theo GS Nguyễn Xuân Trục, nguyên Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam thì thiết kế, cầu Thăng Long là cầu hỗn hợp, có sự kết hợp giữa thép và bê tông nên có sự rung lắc lớn. Nếu không chờ cho kết cấu mặt cầu ổn định rồi mới đưa vào sử dụng thì lần sửa chữa này có thể đi vào chính vết xe đổ của những lần sửa chữa khác, chỉ một thời gian ngắn là lại hỏng.