Ngân hàng đương đầu với nợ xấu
Tiền gửi giảm, nợ xấu tăng, lợi nhuận sụt giảm là thực tế không vui mà nhiều ngân hàng đang phải đối diện.
Nợ xấu ăn mòn lợi nhuận
Tới nay, phần lớn các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý 1. Một điểm dễ thấy là khó khăn đang bủa vây ngân hàng khi tín dụng sụt giảm, lợi nhuận thụt lùi, nợ xấu tăng.
Báo cáo tài chính của MB cho thấy chất lượng tín dụng đang suy giảm. Nợ xấu nhóm 4 tính đến 31/3/2020 là 1.734 tỷ đồng, tăng tới 93% so với cùng kỳ năm ngoái. Nợ có nguy cơ mất vốn (nhóm 5) cũng lên tới hơn 900 tỷ đồng, tăng 47%. Tổng nợ xấu tính đến cuối quý là hơn 4.000 tỷ đồng, tăng 38%. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng từ 1.16% đầu năm nay đã tăng lên 1.62% vào cuối quý I/2020.
Nợ xấu tăng mạnh khiến MB phải tăng cường trích lập dự phòng rủi ro. Cụ thể, trong kỳ, MB đã trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tới 2.092 tỷ đồng, tăng 117% so với kỳ trước. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu riêng của ngân hàng hiện là 107%.
Ở một ngân hàng danh tiếng khác, NHTM Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020 công bố, ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 đã tác động mạnh đến tăng trưởng tín dụng và huy động của nhà ngân hàng. Cụ thể, tín dụng và huy động của BIDV tăng trưởng âm lần lượt 1,02% và 1,24%.
Do Ngân hàng này phải tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro lên 16% nên lợi nhuận trước thuế của BIDV chỉ còn vỏn vẹn 1.814 tỷ đồng, bốc hơi 28% so với cùng kỳ.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú trong cuộc họp trung tuần tháng 4 vừa qua đã nói, lợi nhuận riêng của 4 ngân hàng có vốn nhà nước năm nay phải giảm tối thiểu là 40% để đóng góp vào việc giảm lãi suất, hỗ trợ DN.
Dự báo mới nhất của Công ty Chứng khoán VNDirect cũng đưa ra thông tin, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế năm 2020 của các ngân hàng giảm do dịch Covid-19 làm giảm nhu cầu tín dụng, giảm thu nhập lãi cận biên và tăng nợ xấu.
Phát hành trái phiếu để tăng vốn
Chuyên gia kinh tế TS Cấn Văn Lực cho rằng, nền kinh tế đang hấp thụ vốn rất kém. Không chỉ tín dụng mà các lĩnh vực khác như dịch vụ khách hàng cũng bắt đầu giảm nhu cầu sử dụng, khiến thu nhập của ngân hàng sút giảm, trong khi nợ xấu có nguy cơ gia tăng. Trong bối cảnh đó, ngân hàng lại tăng cường trích lập dự phòng, dẫn tới lợi nhuận càng giảm
Nhưng khó khăn bủa vây ngân hàng đâu chỉ có vậy, đâu chỉ ở phần lợi nhuận giảm. Để đáp ứng chuẩn Basel II và những quy định của Ngân hàng Nhà nước về việc siết dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn, cánh nhà băng buộc phải thay đổi cơ cấu nguồn vốn, theo hướng gia tăng vốn trung - dài hạn.
Hội đồng Quản trị (HĐQT) VietinBank vừa ban Nghị quyết về việc phát hành trái phiếu ra công chúng năm 2020 với số lượng khủng: 10.000 tỷ đồng, được chia làm 2 đợt. Trong đó, có 5.000 tỉ đồng là trái phiếu kỳ hạn 10 năm và 5.000 tỉ đồng là trái phiếu kỳ hạn 8 năm.
Trước đó, ngày 15/4 Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) cũng đã phát hành thành công 1.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ.
Giới chuyên gia nhẹ nhàng so sánh, độ trễ của dịch bệnh sẽ còn tác động vào ngân hàng nữa. Làm nhân viên ngân hàng giờ phải đi bán bảo hiểm, bị giảm lương, và không biết lúc nào thì bị nghỉ việc.
Khó khăn đang đè nặng ngân hàng, và cũng có thể vì lẽ đó mà nhiều ngân hàng đã để ngỏ các kế hoạch kinh doanh cũng như lợi nhuận của năm.
Chẳng hạn tại VietinBank, kế hoạch kinh doanh của Ngân hàng này tiếp tục phụ thuộc chủ yếu vào lộ trình tăng vốn đang trình các cơ quan có thẩm quyền. Trong trường hợp VietinBank được giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2017 - 2019 và thực hiện các biện pháp cải thiện tỷ lệ an toàn vốn khác như thoái vốn ở các công ty con, bán danh mục đầu tư…
Đáng chú ý Ngân hàng này đến nay vẫn để trống mục tiêu lợi nhuận trong năm 2020.