Lo giáo viên quá tải
Học sinh (HS), sinh viên ở 63 tỉnh thành đã trở lại trường học. Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ lưu ý các trường, dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường, vì vậy toàn ngành cần tiếp tục nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không lơ là, tích cực triển khai các biện pháp phòng chống, bảo vệ an toàn cho HS, giáo viên. Bên cạnh đó, vẫn còn một số băn khoăn khi thực hiện giãn cách kéo dài, giáo viên liệu có quá tải?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trò chuyện, động viên HS Trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội trong buổi đầu tiên các em quay lại trường học.
Cường độ, thời gian làm việc tăng gấp nhiều lần
Số lượng giáo viên của mỗi trường là cố định nhưng việc tách lớp học làm hai, thậm chí làm ba để đảm bảo giãn cách khiến các thầy cô sẽ phải làm việc gấp đôi, gấp ba so với bình thường. Như Trường THPT Yên Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) có 1.700 HS, nhưng do bố trí hai ca/ngày và mỗi HS học cách nhật nên mỗi buổi, chỉ có ¼ số HS có mặt. Nhưng giáo viên thì sẽ không thể dạy cách nhật. Thậm chí, có những lớp học lên tới sĩ số 50-55 HS/lớp thì để đảm bảo giãn cách theo quy định, cần phải chia 3 ca/lớp. Vậy, giáo viên ở đâu ra để đảm bảo giảng dạy?
Trường THPT Phan Đình Phùng có 2.085 HS với 47 lớp học. Hiện nhà trường đang chia ra làm 94 lớp học, mỗi lớp có sĩ số từ 20-22 HS. Khối lớp 12 được sắp xếp học vào buổi sáng, còn khối lớp 11 và lớp 10 thực hiện học online và kết hợp học trên lớp. Bà Nguyễn Thị Nhâm Huyền- Hiệu trưởng nhà trường cho biết, giáo viên nhà trường đang phải thực hiện các công việc ở mức 200%. Nhà trường cũng huy động tối đa lực lượng giáo viên hợp đồng thực hiện hỗ trợ các công tác giảng dạy và phòng chống dịch bệnh Covid-19. Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, lãnh đạo nhà trường và các thầy cô đều phải cố gắng vượt qua, tuy nhiên thời gian dạy giãn cách HS kéo dài giáo viên sẽ rất vất vả. “Chúng tôi hy vọng dịch bệnh nhanh chóng được đẩy lùi để công tác giảng dạy của nhà trường được trở lại bình thường”- bà Nguyễn Thị Nhâm Huyền chia sẻ.
Cũng gặp khó khăn khi thực hiện giãn cách HS, lãnh đạo Trường dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết hiện số lượng HS đông, cơ sở vật chất và giáo viên không đủ để đáp ứng. Hiện trường có đến 60% giáo viên dạy thỉnh giảng từ các trường công lập nên khi các trường thực hiện giãn cách, những trường ngoài công lập thiếu rất nhiều giáo viên. Tuy nhiên, thuận lợi là theo kế hoạch năm học thì các trường ngoài công lập học trước các trường công lập khoảng 1 tháng nên lãnh đạo nhà trường cũng cho biết ở thời điểm này không quá lắng về việc giảng dạy chậm chương trình so với yêu cầu của Bộ GDĐT.
Trước những vất vả này, đã có ý kiến đề xuất các địa phương hỗ trợ thêm cho giáo viên. Bởi trên thực tế dù HS nghỉ học, các thầy cô vẫn thường xuyên đến trường để tổng vệ sinh trường lớp. Đặc biệt, việc soạn giáo án dạy học online, rồi chấm bài phụ huynh gửi mỗi ngày đều mất rất nhiều công sức và thời gian. Thậm chí, như tâm sự của cô Thu Hằng- giáo viên Trường Tiểu học Hoàng Liệt (Hà Nội), do làm giáo viên chủ nhiệm lớp 1 nên dù là bài mỹ thuật, bài thể dục… phụ huynh cũng chụp ảnh gửi lại cho cô thay vì giáo viên bộ môn. Mỗi ngày, trung bình cô nhận được khoảng hơn 100 bài do phụ huynh gửi.
“Bài các con đã làm, mình nhận được không thể không có phản hồi gì. Có những hôm cao điểm, đến gần 300 bài ở các môn, thức đến 1h sáng để nhận xét bài cho các con là bình thường” – cô Thu Hằng cho biết.
Bảo đảm ăn bán trú
Để đảm bảo an toàn khi quay trở lại trường, Sở GDĐT Hà Nội trước đó đã có hướng dẫn cụ thể. Trong đó, liên quan đến việc ăn bán trú tại trường, Sở GDĐT lưu ý các trường bố trí lệch giờ học, giờ ăn trưa sao cho giữa 2 HS có khoảng cách phù hợp theo hướng dẫn của ngành Y tế.
Trong tuần đầu tiên trở lại trường, khối trường THCS và THPT công lập của thủ đô Hà Nội hầu hết đều không tổ chức ăn bán trú để phòng chống dịch Covid-19. Bà Nguyễn Thị Bích Nga- Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi (Quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, trước khi có dịch, toàn trường có hơn 300/1500 HS ăn bán trú tại trường. Nhưng để bảo đảm an toàn cho HS trong bối cảnh hiện nay, nhà trường tạm thời dừng việc tổ chức bán trú.
Tại TP Hồ Chí Minh, theo kế hoạch tổ chức cho HS đi học trở lại của Sở GDĐT TP, việc tổ chức ăn bán trú hay không tùy thuộc vào quyết định của hiệu trưởng các trường, căn cứ điều kiện cụ thể của từng đơn vị. Cụ thể, với các nhà trường tổ chức bán trú, nội trú cần bố trí chỗ ăn hợp lý, giảm thiểu tối đa việc ăn uống tập trung đông người. Đồ dùng sinh hoạt cá nhân của HS phải được dùng riêng và được giặt sạch bằng xà phòng sau khi dùng.
Tuy nhiên, mới chỉ có khối 9 và khối 12 đi học, học nửa buổi/ngày nên việc ăn bán trú ở các trường công lập hầu hết đều không tổ chức. Một số trường dân lập, tư thục hoặc khối trường quốc tế có tổ chức ăn bán trú cũng lên phương án rất cẩn trọng. Đơn cử như Trường THPT tư thục Thanh Bình (Q.Tân Bình), do HS ở các tỉnh thành khác ngoài TP Hồ Chí Minh nên nhà trường vẫn nhận HS nội trú. Phương án đưa ra là giường ngủ của HS đặt cách nhau 1m, HS nằm giường tầng thì phải nằm quay đầu với nhau. Bàn ăn cũng không được ngồi quá 6 HS/bàn và HS ăn theo khay riêng của mình. Mỗi ngày, nhân viên lao công của trường sẽ tiến hành khử khuẩn hai lần trong toàn trường, đặc biệt là các tay nắm cửa, mặt bàn, ghế, thanh giường nằm...
Không bắt HS làm quá nhiều bài kiểm tra
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý, sau thời gian nghỉ dài với không ít khó khăn, áp lực, mỗi nhà trường cần quan tâm hỗ trợ tâm lý cho HS, giáo viên.
Về việc triển khai kế hoạch năm học, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, 1-2 tuần đầu HS đi học trở lại, các nhà trường cần tập trung rà soát, đánh giá kết quả học trực tuyến, học qua truyền hình trong thời gian nghỉ dịch, từ đó có kế hoạch củng cố lại kiến thức đã học, trang bị kiến thức mới. Ngoài lớp 9, lớp 12, các khối lớp khác có thể xem xét kéo dài nội dung học tới đầu năm học mới nếu cần thiết. Đề kiểm tra, đề thi học kỳ 2 phải có nội dung phù hợp, có thể kết hợp nhiều hình thức kiểm tra đánh giá linh hoạt, không bắt HS phải làm dồn dập quá nhiều bài kiểm tra, dẫn tới căng thẳng không cần thiết.