Kỷ niệm 66 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ: Chiến thắng năm xưa làm nên đổi mới hôm nay

Nguyễn Phượng (thực hiện) 07/05/2020 08:00

“Tình đoàn kết các dân tộc anh em đã làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu năm xưa được chuyển hóa thành sức mạnh đoàn kết trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng Điện Biên ngày một giàu đẹp. Trong mỗi chặng đường đi lên, luôn có dấu chân của người cán bộ Mặt trận”.

Đó là chia sẻ của ông Lò Văn Mừng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Điện Biên với Đại Đoàn kết nhân dịp Kỷ niệm 66 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2020).

Kỷ niệm 66 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ: Chiến thắng năm xưa làm nên đổi mới hôm nay

Ông Lò Văn Mừng.

PV: Thưa ông, Điện Biên là tỉnh miền núi cao có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, kinh tế-xã hội còn khó khăn. Trong những năm qua MTTQ tỉnh Điện Biên đã có những đóng góp như thế nào để xây dựng đời sống mới?

Ông Lò Văn Mừng: Điện Biên là tỉnh đặc thù, biên giới và miền núi với khó khăn chồng chất. Nhưng từ khi chiến thắng Điện Biên Phủ thắng lợi đến nay đời sống của bà con nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số được cải thiện và nâng lên rõ rệt. Đặc biệt, những năm gần đây Đảng, Chính phủ, Quốc hội đã có nhiều chủ trương, chính sách quan tâm đến đồng bào các dân tộc. Nhận thức được điều đó, hệ thống MTTQ các cấp trong tỉnh đã tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền triển khai nhiều chương trình, dự án; nhất là các chương trình an sinh xã hội, xây nhà Đại đoàn kết, hỗ trợ cây con giống… để đồng bào trực tiếp vươn lên trong cuộc sống.

Có thể nói MTTQ Việt Nam tỉnh Điện Biên trong những năm qua đã làm tốt vai trò tập hợp, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc để cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh - quốc phòng.

Trong thời gian qua, đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều ảnh hưởng nặng nề cho nền kinh tế nước nhà, trong đó có Điện Biên. Dù vậy, Việt Nam vẫn được cộng đồng quốc tế đánh giá là quốc gia khống chế tốt dịch bệnh. Trong thành công đó, ông có thể chia sẻ những đóng góp của đội ngũ cán bộ MTTQ các cấp trên địa bàn?

-Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Điện Biên cũng tích cực phối hợp với các tổ chức trong hệ thống chính trị tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân để chủ động phòng chống dịch. Từ đó người dân nhận thức được mối nguy hại của dịch bệnh nên đã thực hiện tốt chủ trương trong phòng dịch. Với những đối tượng phải cách ly, nhất là những người đi lao động từ Trung Quốc, từ Lào về đều thực hiện đúng tinh thần cách ly y tế. Cho đến thời điểm này, trên địa bàn chưa phát hiện trường hợp nào bị mắc bệnh.

Đặc biệt, MTTQ tỉnh Điện Biên cũng đã nhận được sự ủng hộ về vật chất và tinh thần của nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh để phòng, chống dịch Covid-19. Hơn 2 tỷ đồng là con số chúng tôi nhận được và số tiền này cũng đã được chuyển tới Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 của tỉnh để phục vụ nhu cầu thiết yếu ở các khu cách ly tập trung hay các đầu mối kiểm soát dịch bệnh vùng biên giới, các cửa ngõ ra vào tỉnh.

Hiện nay các địa phương đang tiến hành các bước để giải ngân gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Điện Biên đã triển khai công tác này thế nào để bảo đảm công bằng, minh bạch, thưa ông?

- Hiện MTTQ tỉnh cũng phối hợp với UBND, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội tiến hành rà soát các đối tượng trong diện chi trả đồng thời xây dựng kế hoạch giám sát việc chi trả đó sao cho công bằng, thực chất, không trao nhầm và không để sót đối tượng.

Trong không khí kỷ niệm 66 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, để phát huy hơn nữa truyền thống đoàn kết trên mặt trận kinh tế nhưng cũng vừa làm tốt công tác phòng chống dịch, MTTQ tỉnh đã có kế hoạch như thế nào để cùng với cấp ủy, chính quyền đưa tỉnh Điện Biên phát triển, xứng đáng với truyền thống cách mạng, thưa ông?

- Để tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết cũng như ý nghĩa của ngày chiến thắng Điện Biên Phủ thì vai trò của MTTQ đối với việc tuyên truyền, tập hợp để củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh là một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Trên cơ sở Nghị quyết của Đại hội MTTQ tỉnh, chúng tôi cũng đã có chương trình hành động cho từng năm để phát huy vai trò, vị trí của Mặt trận trong xây dựng kinh tế cũng như để đảm bảo quốc phòng - an ninh; đặc biệt là giữ gìn tinh thần đoàn kết của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh biên giới.

Mong rằng, Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm cũng như có các chính sách đặc thù, đầu tư nguồn lực nhiều hơn nữa để phát triển cơ sở hạ tầng nhất là giao thông, điện, nước cho đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa; xây dựng các trục đường giao thông chính kết nối với các tỉnh, thành để trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh Điện Biên.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Phượng (thực hiện)