Sống tỉnh thức trong đại dịch
Hôm nay là ngày rằm tháng 4, cũng là Đại lễ Phật đản năm 2020 - Phật lịch 2564, trong tâm thức của đồng bào Phật tử và những người ngưỡng mộ đạo Phật. Đây là khoảng thời gian để tưởng niệm và tôn vinh tư tưởng giáo lý và những giá trị đạo đức vượt thời gian được minh chứng bằng chính cuộc đời của Đức Phật từ hàng ngàn năm trước.
Nghi lễ tắm Phật được thực hiện vào nhiều ngày để đảm bảo sự giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19.
Một con người phi thường với phẩm hạnh và trí tuệ vượt trội
Khi Hãng hàng không lớn nhất Ấn Độ - Indigo chính thức mở đường bay thẳng từ Kolkata tới Hà Nội, chúng tôi may mắn có một sự trải nghiệm thú vị theo dấu chân cuộc đời Đức Phật lưu dấu tại Ấn Độ - nơi mà thế giới đã tôn vinh thành Tứ Thánh địa: Lumbini (Lâm Tỳ Ni) - Ðức Phật sinh ra; Bodhgaya (Bồ Ðề Ðạo Tràng) - Ðức Phật thành đạo; Sarnath (Vườn Lộc Uyển) - Ðức Phật giảng bài pháp đầu tiên và Kushinagar (Câu Thi Na) - Ðức Phật đi vào cõi Niết Bàn.
Chạm vào các Thánh tích, chúng tôi càng hiểu hơn đó là Đức Phật - người đã không phải là một huyền thoại mà là một nhân cách sống động. Đó là Đức Phật - một con người phi thường với phẩm hạnh và trí tuệ vượt trội.
Từ hơn 2600 năm trước, Thái tử Siddhattha Gotama (ở một vương quốc cổ xưa thuộc Ấn Độ nay gọi là Nepal) đã giác ngộ thành Phật tại Bồ Đề Đạo Tràng (Ấn Độ). Lịch sử đã ghi nhận rằng, trước khi có Phật giáo, Ấn Độ chưa từng biết đến sự bình đẳng.
Đức Phật đã làm một cuộc cách mạng chống lại những luật lệ xã hội áp bức và lên án hệ thống giai cấp. Ngài còn đi xa hơn nữa khi khẳng định không một ai có thể bị cản trở trên con đường đạt đến sự toàn thiện. Đó là quyền của mỗi người, khả năng bên trong của mỗi người, và sự toàn thiện đó có thể đạt đến do sự cố gắng không ngừng của riêng mỗi người, không do sự giúp đỡ của một tha nhân, thần thánh hay siêu nhiên nào.
Trong những thế kỷ tiếp sau, giáo lý của Đức Phật đã tạo một sức đẩy làm xã hội Ấn Độ tiến lên và những giai cấp thấp khẳng định quyền bình đẳng của họ, nhưng cũng chính vì vậy các tôn giáo khác đã quay lại chống đối Phật giáo, nhấn chìm Phật giáo và đã có lúc làm cho thế giới lãng quên ngay tại nơi Phật giáo được sinh ra.
Cho nên, một trong những người được nhắc đến nhiều nhất tại các Thánh tích Phật giáo là Hoàng đế A Dục - người trị vì đế quốc Maurya từ năm 273 đến 232 trước Công nguyên. Ông đã quy y sau một trận chiến đẫm máu và chính là người đã tìm thấy cũng như để lại những chỉ dụ của mình bên cạnh các di sản Phật giáo nhằm đánh dấu nơi Đức Phật từng lưu trú và giảng pháp. Nhờ thế, phật tử ngày nay được biết chính xác về các Phật tích. Nhờ vậy, thế giới ngày nay mới có những di sản vô cùng quý giá.
Những chỉ dụ của A Dục Vương khắc trên các trụ đá cho thấy sự biến chuyển vĩ đại trong tâm của vị vua này, từ một bạo quân thành một hiền quân, từ một chiến binh tàn sát mọi thứ lại trở thành một con người biết thương xót, nâng niu từng sinh mạng, kể cả loài vật.
Tất cả những câu chuyện này khi được xâu chuỗi lại đều là chân lý trên con đường giác ngộ, sự tỉnh thức trong Đạo Phật.
Tỉnh thức tức là sống theo phẩm hạnh của Ðức Phật. Ðiều này không phải là mơ hồ vì bất cứ ai cũng có thể thực hiện ngay trong đời sống. Chính Đức Phật cũng từng nói rằng “mọi người ai cũng có thể thành Phật” đó là khi con người biết sống tỉnh thức, biết trở về với chính mình, yêu thương mình và yêu thương mọi người.
Mùa Phật đản đặc biệt
Do đại dịch Covid-19, trong mùa Phật đản 2020, phật tử và những người ngưỡng mộ đạo Phật trên toàn thế giới cũng như ở Việt Nam đang có những ngày tưởng niệm Đức Phật rất đặc biệt.
Từ trước đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có văn bản hướng dẫn các cấp, các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước không tổ chức lễ đài tập trung đông người, không tổ chức rước xe hoa, không tổ chức các chương trình nghệ thuật chào mừng cũng như tất cả các hình thức tập trung đông người. Các nơi đều thực hiện theo tinh thần Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với tình hình của từng địa phương, tổ chức lễ tắm Phật vào nhiều ngày.
Để đảm bảo sự giãn cách, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng khuyến khích các chùa tổ chức Lễ Phật đản trực tuyến...
Thượng tọa Thích Đức Thiện- Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho biết, đúng 6 giờ sáng ngày 15/4 Canh Tý (tức 7/5/2020) tất cả trụ sở các Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp và tất cả các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước sẽ đồng loạt cử 3 hồi chuông trống Bát nhã kính mừng Phật đản. Đại lễ Phật đản được tổ chức tại Trụ sở Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng sẽ được tổ chức trực tuyến. Tưởng nhớ Đức Phật, mùa Phật đản 2020 trong bối cảnh đại dịch đã trở thành tuần lễ cầu quốc thái dân an, cầu nạn dịch Covid-19 được tiêu trừ, sớm ổn định, phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.
Đặc biệt, hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, các tăng, ni và đồng bào phật tử đã có rất nhiều hành động thiết thực trong công tác từ thiện xã hội như ủng hộ trang thiết bị y tế; phát miễn phí hàng trăm nghìn khẩu trang; lập nhiều cây ATM gạo tại các chùa; phát miễn phí hàng trăm tấn gạo, chăm lo đời sống cho người gặp khó khăn do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19...với tổng số tiền trên 40 tỷ đồng.
Chống dịch bằng tinh thần đoàn kết và đồng thuận xã hội
Trong Thư chúc mừng gửi tới các chư tôn đức giáo phẩm và toàn thể tăng, ni và đồng bào phật tử nhân mùa Phật đản 2020, ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã biểu dương những đóng góp to lớn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng như đồng bào phật tử trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đã nhắc đến tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam để bày tỏ mong muốn Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các chư tôn đức giáo phẩm và toàn thể tăng, ni và đồng bào phật tử tiếp tục phát huy hơn nữa sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc với tinh thần “hộ quốc, an dân” và lòng từ bi của Phật giáo để cùng nhân dân cả nước vượt qua khó khăn, chiến thắng dịch Covid-19, từ đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và nâng cao vị thế của đất nước. Mong mỏi của người đứng đầu MTTQ Việt Nam Việt Nam cũng tương đồng với Thông điệp Đại lễ Phật đản năm 2020 - Phật lịch 2564 của Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thích Phổ Tuệ. Đức Pháp chủ cho rằng, những lời dạy của Đức Phật về sự đoàn kết, sự đồng thuận xã hội đã được ghi trong Kinh Trường Bộ (Digha Nikaya), phẩm Đại Bát Niết Bàn vẫn còn nguyên giá trị cho chúng ta ngày hôm nay khi nhân loại đang phải đương đầu với đại dịch Covid-19.
Vì vậy, Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ cho rằng, mỗi quốc gia, mỗi công dân đều phải trở về với hành động chính niệm trong sự tỉnh thức, nhìn nhận về văn hóa sinh hoạt, về ý thức đồng thuận trong xã hội.
Và như thế, chống dịch Covid-19 bằng sự đoàn kết, đồng tâm hiệp lực, san sẻ yêu thương cũng chính là một cách để đồng bào phật tử và cả những người ngưỡng mộ đạo Phật sống tỉnh thức theo phẩm hạnh của Đức Phật, tưởng niệm Đức Phật theo một cách chân thực và ý nghĩa nhất.