Khi nào tín dụng sẽ 'bật lò xo'?

Thúy Hằng 07/05/2020 08:00

Tín dụng đang tăng trưởng âm khiến ngân hàng lo ngay ngáy. Với những chính sách giảm, hạ lãi suất mà cơ quan quản lý đang rốt ráo thực hiện, liệu có kích nổi cầu tín dụng trong thời  gian tới?

Khi nào tín dụng sẽ 'bật lò xo'?

Hệ thống ngân hàng đang áp dụng nhiều biện pháp để vượt qua giai đoạn khó khăn. Ảnh: Quang Vinh.

Cầu tín dụng đang thấp

Kết thúc quý I/2020, tín dụng tăng trưởng 1,3% so với cùng năm trước. Tuy nhiên đến ngày 16/4, tín dụng toàn ngành chỉ còn tăng 0,78%. Điều này cho thấy cầu tín dụng đang rất thấp.

Đáng nói là, con số 0,78% này còn cách khá xa mục tiêu tăng trưởng tín dụng do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề ra trong năm nay, ước khoảng 14%. Ngành ngân hàng đang có áp lực lớn. Đặc biệt, các chuyên gia nhận định trong những tháng tiếp theo của quý II, do người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp hạn chế vay vốn nên tín dụng chưa thể tăng ngay.

Tại cuộc họp mới đây giữa Thống đốc NHNN và các ngân hàng thương mại, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng nêu nhiệm vụ, ngành ngân hàng thực hiện tối đa việc giảm chi phí đó để hỗ trợ giảm lãi suất cho nền kinh tế, phải xem xét chủ động cân đối nguồn vốn để đầu tư cho những dự án khả thi, phải coi cho vay mới hỗ trợ phục hồi sau dịch là yếu tố then chốt giúp nền kinh tế tăng trưởng trong năm nay. Đây là nhiệm vụ chủ yếu của các tổ chức tín dụng (TCTD) trong thời gian tới.

Thống đốc NHNN yêu cầu các TCTD phải tiếp tục tập trung chỉ đạo đơn giản hóa quy trình thủ tục nội bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng vay vốn nhưng không nới lỏng điều kiện tín dụng để đảm bảo chất lượng an toàn tín dụng, duy trì tính lành mạnh của hoạt động ngân hàng trong những năm tới. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích phù hợp để chi nhánh, phòng giao dịch, cán bộ thực hiện tháo gỡ khó khăn cho khách hàng nhưng cũng phải xử lý với các chi nhánh, các cán bộ thiếu trách nhiệm, gây khó khăn phiền hà, chậm chễ trong việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Theo số liệu của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), tính đến thời điểm này, các ngân hàng đã cho vay cho vay, cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 166.544 khách hàng với dư nợ 62.835 tỷ đồng; đã miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho 14.368 khách hàng với dư nợ 12.319 tỷ đồng; đã hạ lãi suất cho 289.204 khách hàng có dư nợ hiện hữu với tổng dư nợ 948.407 tỷ đồng, số tiền lãi dự kiến hạ cho khách hàng là 3.530 tỷ đồng. Ngoài ra, các ngân hàng cũng cho vay mới lãi suất ưu đãi cho 146.571 khách với dư nợ cho vay mới đạt 511.230 tỷ đồng.

Đứng trước nhiều nỗi lo, hệ thống ngân hàng thương mại (chiếm 75% tín dụng toàn hệ thống) cũng đã nhanh chóng tăng quy mô của các gói tín dụng lãi suất thấp nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Việc hạ lãi suất cho vay sẽ khuyến khích doanh nghiệp và người dân vay vốn mới để tiếp tục và hồi phục hoạt động sản xuất kinh doanh sau dịch.

Ngân hàng lên kịch bản

Tới nay, phần lớn các ngân hàng đã lên các kịch bản ứng phó dịch bệnh để vừa đảm bảo hỗ trợ khách hàng, vừa đảm bảo mục tiêu phát triển như tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng và trích lập dự phòng để đối phó với các kịch bản xấu.

Nếu kịch bản dịch bệnh sẽ kiểm soát được trong quý II/2020, mọi hoạt động trở lại như trước thì khả năng khôi phục sản xuất - kinh doanh thậm chí còn mạnh hơn cả trước khi có dịch, điều này sẽ kéo theo cầu tín dụng tăng.

Tuy nhiên, trong trường hợp xấu, dịch bệnh tiếp tục kéo dài đến hết quý II/2020, một số ngân hàng cho biết trước mắt ưu tiên triển khai các biện pháp khẩn cấp ứng phó đại dịch Covid-19 đảm bảo kinh doanh liên tục, an toàn cho khách hàng, nhân viên và các cơ sở kinh doanh. Cùng với đó, hoàn thiện mô hình kinh doanh ngân hàng số, thu hút khách hàng tăng mới và chuyển đổi khách hàng sang sử dụng kênh số, kênh giao dịch điện tử.

MBBank cho biết trong năm 2020, phương châm của ngân hàng là điều hành củng cố nền tảng, chuyển dịch số, tăng trưởng toàn diện, hiệu quả và bền vững, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng tín dụng tăng theo giới hạn quy định của NHNN, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%, tăng huy động vốn cân đối chi phí vốn phù hợp; quản lý tiết kiệm chi phí và tuân thủ các giới hạn theo quy định.

“Trước mắt, ưu tiên triển khai các biện pháp khẩn cấp ứng phó đại dịch Covid-19 đảm bảo kinh doanh liên tục, an toàn cho khách hàng, nhân viên và các cơ sở kinh doanh. Cùng với đó, hoàn thiện mô hình kinh doanh ngân hàng số, thu hút khách hàng tăng mới và chuyển đổi khách hàng sang sử dụng kênh số, kênh giao dịch điện tử; tiết giảm chi phí và tiết kiệm chi phí hoạt động, các khoản chi chưa cấp thiết”- đại diện MBBank cho biết.

Thúy Hằng