Tượng đài là để dân vui

Từ Khôi 07/05/2020 07:31

Mục đích của tượng đài ngoài trang trí cho không gian công cộng thêm đẹp, còn mang ý nghĩa để làm biểu tượng. Thế nhưng, đừng vì vội vàng, đừng vì thành tích, đừng vì “cố” mà làm tượng đài cho bằng địa phương khác khiến mục đích cao đẹp bị ảnh hưởng, thậm chí gây phản cảm.

Tượng đài là để dân vui

Tượng đài chiến thắng Khâm Đức đang thực hiện dở dang gây xôn xao dư luận. Ảnh: Tấn Thành.

Mấy ngày nay, dư luận xôn xao lên vì chuyện tưởng như đã cũ… tượng đài. Ngày 5/5, UBND huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa có báo cáo UBND tỉnh, xin chủ trương về việc xây dựng tượng đài Bà Triệu trên địa bàn. Điều đáng nói là trước đó, vào tháng 10/2008, tỉnh Thanh Hóa đã thống nhất thông qua mẫu phác thảo của các nhà điêu khắc Hoàng Nhân và Vũ Ngọc Thành. Đến ngày 29/5/2019, tại giao ban của Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa mẫu phác thảo tượng Bà Triệu cũng đưa ra bàn thảo. Theo kế hoạch, tượng Bà Triệu sẽ được đặt tại Khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Bà Triệu (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc). Quy mô tượng đài cao 22,5m; rộng 15,3m; dày 6,3m được làm bằng đá xanh đen Thanh Hoá. Địa điểm xây dựng tượng đài là trên đỉnh núi Gai.

Vậy đã có kế hoạch dựng tượng đài Bà Triệu ở Khu Di tích quốc gia đặc biệt rồi thì huyện Yên Định có cần thiết dựng tượng đài Bà Triệu nữa không?. Lý do UBND huyện Yên Định đưa ra để xây dựng tượng đài Bà Triệu là Bà Triệu là anh hùng dân tộc, người đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống quân xâm lược nhà Đông Ngô năm 248 ở vùng đất Cửu Chân (nay thuộc làng Quan Yên, hay gọi là Yên Thôn), xã Định Tiến, huyện Yên Định, Thanh Hoá).

Việc xây dựng tượng đài Bà Triệu là thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, đồng thời là biểu tượng giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ mai sau. Chao ôi, với những lý do này thì các huyện khác của tỉnh Thanh Hóa cũng có thể “nại” ra được những lý do tương tự. Vậy thử hỏi tỉnh Thanh Hóa có quy hoạch tượng đài không? Điều đáng bàn hơn là huyện Yên Định gần đây đang “dậy sóng” về chuyện nợ tiền tiếp khách, xây dựng... lên đến 52 tỉ đồng (trong đó Huyện ủy nợ 29 tỉ đồng, UBND huyện nợ 23 tỷ đồng) đến nay chưa được kết luận rõ.

Trong khi đó, số kính phí dự toán dựng tượng Bà Triệu tại khu công viên quảng trường trung tâm huyện (hay Quảng trường Bà Triệu), thị trấn Quán Lào, huyện Yên Định lên tới gần 20 tỷ đồng. Nguồn kính phí từ ngân sách và xã hội hóa. Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2020-2023. Quảng trường Bà Triệu có diện tích 79.616m2, trong đó đất xây dựng tượng là 1.901m2, chiếm tỉ lệ 2,34%, chiều cao tượng khoảng 12-18m. Còn lại là các công trình phụ trợ và khu thể dục thể thao, vui chơi trẻ em...

Trong các hạng mục này, chỉ riêng tượng Bà Triệu chưa được xây dựng, còn các hạng mục khác đã được phê duyệt và đang tiến hành.

Dư luận cũng đang hết sức ngỡ ngàng về huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Tất nhiên chưa có lùm xùm về chuyện “nợ” như huyện Yên Định tỉnh Thanh Hóa nhưng đây là huyện nghèo. Vì thế nên khi huyện sửa sang, dựng tượng đài chiến thắng Khâm Đức với dự toán khoảng 14 tỷ đồng lấy từ nguồn ngân sách đã khiến dư luận dậy sóng.

Và ngay tại thủ đô Hà Nội, dư luận vẫn chưa nguôi ngoai bàn tán về việc Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua việc sẽ dựng tượng Vua Lý Thái Tông là biểu tượng của công lý và hoạt động xét xử. Ba mẫu tượng Vua Lý Thái Tông của nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường được lấy ý kiến trong ngành. Ba mẫu tượng này có trang phục giống tượng Vua Lý Thái Tổ ở vườn hoa Lý Thái Tổ tại khu di tích Quốc gia đặc biệt Hồ Hoàn Kiếm và Đền Ngọc Sơn. Cũng được thôi, vì bố (Lý Thái Tổ) và con (Lý Thái Tông) sống cùng thời đại thì mặc quần áo trang phục vua giống nhau. Tất nhiên, khuôn mặt và dáng điệu của tượng khác nhau.

Trong các sách sử, chưa bao giờ các sử gia đánh giá Vua Lý Thái Tông là người biểu tượng cho công lý và hoạt động xét xử bao trùm lên các thời đại phong kiến. Nhưng có một điều chắc chắn là Vua Lý Thái Tông là vị vua phê duyệt cho bộ Luật Hình Thư ra đời. Đó là bộ luật thành văn đầu tiên của nước ta, thời phong kiến tự chủ. Vì vậy, nếu dựng tượng Vua Lý Thái Tông để ghi mốc xuất hiện bộ luật của nước ta thì được chứ không nên là biểu tượng của công lý hay hoạt động xét xử. Nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường có thể là người nổi tiếng về tạo hình, nhưng về khía cạnh chọn biểu tượng cho công lý và hoạt động xét xử, ông chỉ là người được đặt hàng.

Ngoài việc dự kiến xây dựng 1 bức tượng vua Lý Thái Tông cao 5,3m đặt tại Quảng trường Công lý -Trụ sở mới của Tòa án nhân dân Tối cao, số 43 Hai Bà Trưng (Hà Nội), dự án còn xây dựng 4 bức tượng bán thân các cố Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao gồm các vị: Trần Công Tường (giai đoạn 5/1958-1959), ông Phạm Văn Bạch (giai đoạn 5/1959-5/1981), ông Phạm Hưng (giai đoạn 1979-1997) và ông Trịnh Hồng Dương (giai đoạn 1997-2002). Vậy thì nếu các tòa án cấp tỉnh, cấp huyện cũng vào cuộc dựng tượng đài các chánh án, thẩm phán thì sao? Vì có nhiều vị chánh án tuy chỉ ở tòa tỉnh nhưng đạo đức, và tiếng thơm đâu có thua kém gì.

Ngoài những tượng đài “bé” kể trên, dư luận vẫn chưa quên tượng đài Đinh Tiên Hoàng Đế ở TP Ninh Bình. Dự án được phê duyệt đầu tư xây dựng từ năm 2009. Dự án Quảng trường và tượng đài Đinh Tiên Hoàng Đế là một trong những công trình trọng điểm của tỉnh Ninh Bình. Công trình nằm tại phường Ninh Khánh, TP. Ninh Bình với diện tích quy hoạch 34,23ha, tổng mức đầu tư là 1.543 tỷ đồng từ vốn ngân sách Nhà nước và nguồn huy động hợp pháp khác. Vậy mà đã qua kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt mà công trình dang dở vẫn chưa xong.

Khái niệm tượng đài được Nghị định số 113/2013/NĐ-CP ngày 2/10/2013 viết: “Tượng đài, tranh hoành tráng là tác phẩm mỹ thuật có chất liệu bền vững, kích thước lớn, có tính biểu tượng cao, đặt cố định nơi công cộng”.

Nhìn vào các mẫu tượng đài đã được thực hiện và đang được lấy ý kiến, chúng ta thấy tính biểu tượng thế nào? Đa phần rất khó để người xem thấy ngay được. Còn tính trang trí cho không gian thì tất nhiên là có. Còn để tượng đài phù hợp với không gian cảnh quan, với hiệu quả xã hội thì lại là những điều đáng bàn khác.

Vì vậy, làm tượng đài để người dân vui, để không bị điều tiếng xì xèo về tốn kém, lãng phí, không hiệu quả, phản cảm mới là điều cần thiết.

Từ Khôi