Người bán hàng rong tìm kế sinh nhai trong đại dịch Covid-19

Theo TTXVN 07/05/2020 15:43

Những người bán thức ăn dạo trên các tuyến phố ở Đông Nam Á đang tìm nhiều cách thức mới để duy trì kế sinh nhai trong bối cảnh mọi hoạt động đều ngừng trệ vì dịch Covid-19.

Người bán hàng rong tìm kế sinh nhai trong đại dịch Covid-19

Một người bán hàng rong ở Yangon. (Nguồn: Xinhua).

Từ việc thiết lập các nhóm trên Facebook cho đến các dịch vụ giao hàng tận nhà, những người bán thức ăn dạo trên các tuyến phố ở Đông Nam Á đang tìm nhiều cách thức mới để duy trì kế sinh nhai trong bối cảnh mọi hoạt động đều ngừng trệ vì dịch Covid-19.

Ẩm thực đường phố Đông Nam Á nổi tiếng với những món ăn độc đáo, được phục vụ ngay tại những quầy đồ ăn bên lề đường, như xôi xoài hay cà ri cốt dừa đậm vị.

Tuy nhiên, việc chính phủ các nước phải ban hành lệnh hạn chế ra ngoài để ngăn chặn virus lây lan đã khiến những người bán hàng rong không thể ra đường và các thực khách không được rời khỏi nhà. Chính tình trạng này đã khiến các đầu bếp dạo phải đau đầu nghĩ ra giải pháp kinh doanh mới. Dù ở một số nơi lệnh phong tỏa đã được nới lỏng nhưng việc kinh doanh vẫn trì trệ do nhiều người lựa chọn tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội.

Một đầu bếp tại Singapore, nơi có nhiều quầy hàng ở các khu ẩm thực ngoài trời bị bỏ trống do người dân hạn chế ra ngoài ăn uống, đã lập ra một nhóm hoạt động trên Facebook để giúp những người bán thức ăn dạo không rành công nghệ quảng cáo món ăn của mình theo hình thức mua mang về.

Ông Melvin Chew, 42 tuổi, chủ quầy hàng phục vụ mỳ gạo và vịt om, chia sẻ rằng hiện nhóm có hơn 250.000 thành viên, bao gồm cả người bán hàng rong và người mua.

"Có rất nhiều người hỗ trợ chia sẻ thông tin, điều này đã giúp tìm lại niềm đam mê và tình yêu dành cho những món ăn do các đầu bếp dạo chế biến," ông Melvin Chew nói.

Tại thủ đô Bangkok của Thái Lan, một nhà nghỉ nhỏ đã trở thành trung tâm hỗ trợ những người bán hàng rong ở các vùng lân cận. Khách sạn Once Again đã đưa ra dịch vụ giao hàng liên kết người bán với người mua trong cùng khu vực thông qua ứng dụng tin nhắn Line. Phía khách sạn sẽ hưởng 15% tiền hoa hồng, mức phí này được xem là thấp hơn rất nhiều so với các dịch vụ trực tuyến khác.

Sau khi khách hàng đặt đơn, món ăn sẽ được đưa đến khách sạn, và nhân viên khác sạn sẽ xếp hàng lên xe máy và giao đến người mua. Những món ăn đường phố nổi tiếng tại Thái Lan như Pad Thái và mỳ thịt quay được rất nhiều người đặt hàng.

Hay như ở Yangon - thành phố lớn nhất Myanmar, đông đảo người dân đã ủng hộ một chiến dịch quyên góp tiền giúp đỡ những người bán hàng rong. Chiến dịch được triển khai trong bối cảnh vẫn có những người bán hàng rong vì muốn duy trì sinh kế mà bất chấp lệnh hạn chế để ra ngoài bán hàng, chấp nhận rủi ro bị phạt vì vi phạm lệnh hạn chế.

Đại diện nhóm Doh Eain, đơn vị tổ chức chiến dịch, bà Emilie Roell cho biết: "Chúng tôi muốn đảm bảo rằng những người bán hàng rong cũng có cơ hội được ở nhà".

Theo TTXVN