Xây dựng các hồ chứa nước ngọt quy mô lớn phục vụ sản xuất vùng ĐBSCL
Ngày 7/5, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ có buổi làm việc với Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ và các sở, ban ngành của TP Cần Thơ nhằm tổng hợp kiến nghị của cử tri chuẩn bị trình tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
Quang cảnh buổi làm việc.
Từ tổng hợp của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, từ ngày 17/4 đến ngày 6/5/2020, đã tiếp nhận nhiều văn bản từ các cơ quan, đơn vị và địa phương tổng hợp, phản ánh, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 9.
Cụ thể, cử tri bày tỏ sự lo lắng về diễn biến dịch Covid-19 dự báo còn diễn biến phức tạp và khó lường, ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp giải thể, ngưng hoạt động, ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của người lao động; quan tâm đến vấn đề tiêu cực trong công tác mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch...
Cử tri TP Cần Thơ cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành Trung ương cần chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ lập và công bố quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng; đề xuất đầu tư xây dựng các hồ chứa nước ngọt quy mô lớn phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt cho vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đồng thời, đề xuất Quốc hội, Chính phủ kịp thời sửa đổi ban hành các chủ trương, chính sách về tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, huy động mạnh các nguồn lực ngoài xã hội tham gia cung ứng các dịch vụ công, góp phần giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước...
Ngoài ra, UBND thành phố Cần Thơ kiến nghị Bộ GTVT xem xét tổng hợp vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và ưu tiên đầu tư các dự án do Trung ương đầu tư trên địa bàn thành phố Cần Thơ như: tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tuyến đường sắt thành phố Hồ Chí Minh - Mỹ Tho - Cần Thơ, tuyến nối Quốc lộ 91 với đường Nam sông Hậu, nâng cấp mở rộng Quốc lộ 91 đoạn từ Km0-Km7...
Phát biểu tại buổi họp, ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ cho biết, việc cho và dừng xuất khẩu gạo đột ngột khiến cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo hết sức khó khăn trong tháng 3 và tháng 4/202 và cho đến nay, nhiều doanh nghiệp cũng chưa khắc phục, xử lý xong với các đối tác.
Chính phủ cần chỉ đạo các ngành thống kê thiệt hại do việc tạm ngưng xuất khẩu gạo, đồng thời đề nghị việc điều hành xuất khẩu trong thời gian tới cần phải có lộ trình (từ 30 đến 45 ngày), minh bạch, rõ ràng để doanh nghiệp có đủ thời gian chuẩn bị về thủ tục và nguồn hàng, để tránh thiệt hại về tài chính, công sức và uy tín cho các doanh nghiệp...