Đẩy mạnh mở rộng thị trường xuất khẩu cá tra tiềm năng mới

Quốc Trung 07/05/2020 18:42

Đây là nhấn mạnh của ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tại hội nghị bàn về tình hình sản xuất, tiêu thụ cá tra trong bối cảnh dịch Covid-19 được tổ chức tại tỉnh An Giang ngày 7/5.

Đẩy mạnh mở rộng thị trường xuất khẩu cá tra tiềm năng mới

Số phận con cá tra vẫn thăng trầm.

Dịch Covd-19 khiến xuất khẩu cá tra giảm 23,6%

Thông tin tại hội nghị, đại diện Hiệp hội cá Tra Việt Nam cho biết, đầu năm 2020, diễn biến của dịch Covid-19 đã tác động đến hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu ngành hàng cá tra Việt Nam 3 tháng đầu năm 2020 đạt 334 triệu USD, giảm 29,3 % so với cùng kỳ năm 2019. Diện tích nuôi mới cá tra cả nước hiện còn là 777 ha, giảm 5,7 % so với cùng kỳ năm 2019; diện tích thu hoạch là 602 ha, giảm 20,8% so với cùng kỳ năm 2019; sản lượng giảm còn 180 ngàn tấn, giảm 23,6 % so với cùng kỳ năm 2019; giá cá tra nguyên liệu ở mức thấp khoảng 18.000 đồng/kg.

Theo Hiệp hội cá Tra Việt Nam, tất cả thị trường lớn xuất khẩu cá tra trong 3 tháng đầu năm 2020 đều giảm so với cùng kỳ năm 2019. Trong chuỗi ngành hàng cá tra từ hộ nuôi đến doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, ngành phụ trợ như thuốc thủy sản, thức ăn thủy sản cũng chịu tác động đang gặp khó khăn trong sản xuất, xuất khẩu, cũng như nhập khẩu nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất ở các nước đang có dịch. Ngoài ra, vấn đề thiệt hại kép do hạn mặn tại một số tỉnh trong vùng ĐBSCL như: Bến Tre, Vĩnh Long, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng cũng tác động đến ngành cá tra xuất khẩu.

Trước khó khăn của xuất khẩu của ngành hàng cá tra Việt Nam thời gian qua, Hiệp hội cá Tra Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ xem xét có chính sách hỗ trợ giảm, giãn nợ, kéo dài thời gian nộp thuế để hỗ trợ doanh nghiệp, chính sách tài chính ngân hàng, đo lường thiệt hại doanh nghiệp để đề xuất ngân hàng nhà nước hỗ trợ vốn vay, lãi suất phù hợp; đề ra các giải pháp hỗ trợ hộ nuôi, doanh nghiệp ngành hàng cá tra Việt Nam trong thời gian có dịch và sau dịch. Mặt khác, có giải pháp hỗ trợ chuyển đổi cho các doanh nghiệp, hộ nuôi trong phát triển thị trường trong nước; xúc tiên thị trường trong nước, khôi phục thị trường nước ngoài.

Còn theo báo cáo của Tổng Cục Thuỷ sản, năm 2019, ngành hàng cá tra đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi sản lượng cá tra nuôi tăng nhanh từ năm 2018 dẫn đến dư nguồn cung, khiến giá cá tra nguyên liệu đã giảm mạnh từ cuối tháng 3 năm 2019, giá xuất khẩu giảm mạnh tại tất cả thị trường; giá nguyên vật liệu, nhiên liệu tăng, thị trường bị biến đông do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng Cục Thuỷ sản cho biết, các tháng đầu năm 2020, dịch Covid 19 đã và đang diễn biến phức tạp, dịch bệnh bùng phát mạnh tại các quốc gia như Trung Quốc, Hoa Kỳ, một số quốc gia thuộc cộng đồng Châu Âu, Hàn Quốc, đây cũng là những thị trường lớn và trọng điểm của xuất khẩu cá tra của Việt Nam, nên ảnh hưởng đến xuất khẩu cá tra của Việt Nam.

Ông Luân cho biết thêm: “Dịch Covid-19 làm cho kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam giảm mạnh so với cùng kỳ. Mặc dù đã rất nỗ lực nhưng ngành hàng cá tra chưa đạt được mục tiêu tăng trưởng về xuất khẩu theo kế hoạch”.

Đẩy mạnh phát triển thị trường tiềm năng mới

Để ngành cá có thể phát triển bền vững và đáp ứng trước những cơ hội, thách thức hiện nay, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội cá Tra Việt Nam khẳng định, việc cải thiện chất lượng, hình ảnh sản phẩm cá tra và xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết. Tập trung vào việc cải thiện chất lượng con giống, chất lượng cá tra nguyên liệu ở khâu nuôi gắn liền với việc cải thiện chất lượng môi trường; tăng cường áp dụng công nghệ mới vào công đoạn ương dưỡng cá giống; khuyến khích các doanh nghiệp có tiềm lực và nguồn lực tham gia chọn tạo, sản xuất cá tra bố mẹ; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường gắn với xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá tra chất lượng cao...

“Chúng ta cần tập trung phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế, củng cố hình ảnh, kênh bán hàng mới; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường gắn với xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá tra chất lượng cao, gắn với thực hiện đề án sản phẩm quốc gia làm lực đẩy cho Nghị định cá tra phát huy tác dụng”, ông Dương Nghĩa Quốc chia sẻ.

Người đứng đầu Hiệp hội cá Tra Việt Nam cũng cho rằng, cần tập trung xây dựng dòng sản phẩm cá tra phi lê chất lượng cao; đa dạng hóa sản phẩm, phát triển dòng sản phẩm giá trị gia tăng; thúc đẩy cạnh tranh và tái cấu trúc trúc ngành hàng cá tra; nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng hình ảnh và thương hiệu cá tra Việt Nam; tập trung phát triển các thị trường có sẵn ở 4 thị trường Mỹ, EU, Trung Quốc, Asean với thị phần chiếm từ 50 - 60 %...

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, Việt Nam tự hào đã thuần hoá cá tra để trở thành ngành kinh tế về cá tra tỷ đô xuất khẩu đi 119 nước. Tuy nhiên, hiện sản phẩm cộng lại các năm chưa tương xứng với tầm vốc vốn có; sự trồi lên xuống liên tục; nhiều doanh nghiệp, người dân giàu có và khánh kiệt vì cá tra.

Theo bộ trưởng Bộ NN&PTNT, nguyên nhân sâu xa từ sản xuất chuỗi, gắn từ nguyên liệu chế biến giá trị đến tổ chức thị trường chưa chặt chẽ; giống là khâu quan trọng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu; tổ chức thị trường còn lỗ hổng, chưa khai phá hết tiềm năng lợi thế của thị trường rộng lớn; các hiệp hội phải là cầu nối giữa doanh nghiệp với nhà nước để đưa ngành hàng cá tra phát triển bền vững đúng với tên tuổi thương hiệu cá tra Việt Nam đã xây dựng.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cảnh báo, dịch Covid-19 sẽ khiến doanh nghiệp mất đơn hàng khiến kho đầy hàng, nguy cơ nợ quá hạn khiến doanh nghiệp khánh kiệt, đe doạ đứt đoạn sản xuất, thiệt hại kinh tế.

Về thời gian tới, ông Cường cho rằng, Hiệp hội cá tra cùng với Bộ NN&PTNT, các địa phương cần tập trung tháo gỡ, đẩy mạnh xuất khẩu cá tra vào các thị trường dịch bệnh Covid-19 bước đầu đã khống chế dịch như: Trung Quốc, Châu Âu, Nhật Bản, ASEAN…

“Về vai trò, trách nhiệm của mình, Bộ Nông nghiệp sẽ phối hợp với Bộ Công thương và các hiệp, hội đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu cá tra vào các thị trường tiềm năng như: thị trường Nga, Braxin…; làm việc với các siêu thị, hệ thống phân phối trong nước đẩy mạnh tiêu thụ cá tra trong nước sẽ không bị lệ thuộc, áp lực vào các thị trường xuất khẩu”, ông Cường nói.

Để phát triển ngành hàng cá tra bền vững, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL không mở rộng diện tích nuôi cá tra và mong muốn các địa phương ủng hộ chủ trương của bộ; đối với cá giống, Bộ trưởng cho rằng phải làm bằng được giống cá tra ba cấp trong đó có sự đồng hành của các doanh nghiệp lớn trong phát triển con giống…

Quốc Trung