Rục rịch vực du lịch
Sau một thời gian “đóng băng” bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngành du lịch Việt đang dần có những bước khởi động trở lại. Những biện pháp được ngành du lịch tích cực thực hiện như: Tăng cường mở rộng điểm đến trong nước thu hút khách nội địa; nỗ lực tiếp cận lượng khách ngoại trong những tháng cuối năm.
Ngành Du lịch Việt đang dần khởi động trở lại. Ảnh: Quang Vinh.
Thiệt hại nặng
Báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong tháng 4/2020 khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 26,2 nghìn lượt người, giảm 94,2% so với tháng trước và giảm 98,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách đến từ châu Á giảm 97,8%; từ châu Âu giảm 99,5%; từ châu Úc và châu Mỹ cùng giảm 99,8%; và từ châu Phi giảm 97,9%. Hiện có tới trên 90% doanh nghiệp du lịch tạm thời đóng cửa chuyển sang trạng thái “ngủ đông”. Hàng trăm nghìn lao động trong ngành du lịch bị mất việc làm hay bị giảm lương. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp lữ hành cố “vớt vát” bằng các tour du lịch nội địa cũng bị ảnh hưởng bởi yêu cầu giãn cách xã hội. Thậm chí, theo báo của Tổng cục Du lịch cũng chỉ có một số doanh nghiệp lữ hành lớn như Benthanh Tourist, Saigontourist, Vietravel... “khởi động” trở lại với các tour trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 nhưng con số đạt được rất thấp so với cùng kỳ năm trước.
Số liệu của Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết: Trong 4 tháng đầu năm 2020, lượng khách đến Huế ước đạt 940 nghìn lượt, giảm 60% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 2.079 tỷ đồng, giảm 73% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu từ du lịch bị thiệt hại ước tính khoảng 2.250 tỷ đồng. Số liệu của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho thấy, trong 4 ngày nghỉ lễ (từ ngày 30/4 đến ngày 3/5), đã có 22.400 lượt khách đã đến tham quan các di tích thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế. Đa số du khách đến Huế tham quan đợt này chủ yếu từ Hà Nội, Đà Nẵng và một số tỉnh Bắc miền Trung, đi theo nhóm gia đình. Đối với khách nội tỉnh, ngoài xu hướng quay lại các điểm di tích do đang có chính sách mở cửa miễn vé, cũng đến các khu du lịch sinh thái như Bạch Mã Village (Phú Lộc) và các điểm du lịch tắm suối thác khác ở Phú Lộc, A Lưới…
Ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: Dịch Covid-19 xảy ra vào đúng mùa cao điểm đón khách du lịch quốc tế vào Việt Nam và mùa du lịch lễ hội, tâm linh của khách nội địa, đã tác động tiêu cực rất lớn đến toàn ngành. Du lịch Việt Nam sẽ bị thiệt hại nặng nề, chắc chắn không đạt chỉ tiêu đón 20,5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2020 như mục tiêu đặt ra.
Giải pháp kích cầu
Trong khi ngành du lịch trên thế giới vẫn đang chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì một tín hiệu đáng mừng là Việt Nam đang khống chế rất tốt dịch bệnh. Do vậy, việc khai thác các tour nội địa đang được nhiều công ty lữ hành tập trung hướng tới. Đơn cử mới đây, các doanh nghiệp du lịch Thủ đô cũng đã họp bàn và liên kết với nhau để có sản phẩm du lịch nội địa, trong đó tập trung các tour ngắn nội địa để khởi động thị trường. Hiện, nhóm liên kết đang xây dựng sản phẩm du lịch dịp hè Hà Nội - Quảng Ninh - Cô Tô. Từ sản phẩm này, nhóm liên kết sẽ triển khai bán các sản phẩm du lịch nội địa khác.
Tỉnh Quảng Ninh cũng vừa thống nhất tổ chức chương trình Khai mạc du lịch Hè vào ngày 16/5. Theo đó, Tuần Du lịch Hạ Long – Quảng Ninh dự kiến sẽ có nhiều chương trình, sự kiện thu hút người dân và du khách tham gia như Hội chợ OCOP Quảng Ninh, Lễ hội văn hóa ẩm thực Móng Cái hè 2020, Cuộc thi triển lãm cây tùng la hán Cô Tô, chùm sự kiện văn hóa - văn nghệ, ẩm thực tại Uông Bí... Đặc biệt, trong tháng 5/2020, Quảng Ninh sẽ miễn phí vé tham quan vịnh Hạ Long, Khu di tích danh thắng Yên Tử cho nhân dân Quảng Ninh và du khách trong nước đến tỉnh qua Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn.
Ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên – Huế cho hay: Để kích cầu du lịch, thời gian tới ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên – Huế sẽ tổ chức Hội nghị Lữ hành toàn quốc trong tháng 5/2020 hoặc đầu tháng 6/2020 để kết nối với các doanh nghiệp kinh doanh lưu trú và dịch vụ du lịch; tổ chức Lễ hội Huế - Kinh đô ẩm thực; Lễ hội Huế - Kinh đô Áo dài… đặc biệt tập trung vào Festival Huế 2020 sẽ diễn ra vào tháng 8 tới. Ngoài ra, tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng đã lên phương án giảm 50% giá vé tham quan các điểm di tích từ tháng 6 đến cuối tháng 8/2020. Sau thời gian đó, tỉnh này sẽ tính toán lại cho phù hợp. Nếu khách đến Huế chưa ổn định có thể duy trì các gói kích cầu đủ mạnh đến cuối năm 2020. Ngoài ra, địa phương cũng có sự chuyển hướng về sản phẩm du lịch để phù hợp với tình hình mới. Theo đó, ngoài các điểm đến là di sản, ngành du lịch sẽ tập trung khai thác mạnh du lịch hội nghị, hội thảo, cộng đồng, sinh thái để khai thác dòng khách lẻ, đi theo nhóm, hộ gia đình. Ông Trương Thành Minh- Chủ tịch Hội Lữ hành tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: “Hội đã chuẩn bị được 10 bộ sản phẩm, tour tuyến mới để khai thác. Ngay khi dịch bệnh kết thúc, Hội sẽ tiến hành kích cầu bằng cách đến trực tiếp 63 tỉnh, thành trong cả nước để giới thiệu, kết nối. Hội cũng chủ động phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước để có những hỗ trợ về kết nối hiệu quả hơn”.
Du lịch Việt đang dần được phục hồi. Ảnh: Quang Vinh.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ -Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel cho rằng: “Hàng không, ô tô,... hoạt động trở lại tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch. Gói giãn nợ vay ngân hàng, gói hỗ trợ giảm thuế VAT… sẽ khôi phục thị trường nội địa trong các tháng tới”. Bên cạnh những nỗ lực vượt khó của từng tỉnh thành, doanh nghiệp, Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) vừa có thư gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc đề xuất gói hỗ trợ tài chính bằng hình thức vay vốn có bảo lãnh của Chính phủ cho các doanh nghiệp du lịch để vượt qua đại dịch Covid-19. Trong thư này, TAB đề xuất Chính phủ xem xét một chính sách tạo điều kiện và bảo lãnh tín dụng thông qua hệ thống ngân hàng với giá trị lên đến 150 nghìn tỷ đồng, tương đương với khoảng 25% doanh thu năm 2019 của ngành du lịch, nhằm giúp các doanh nghiệp du lịch và lữ hành. Theo chương trình này các doanh nghiệp đăng ký sẽ có thể vay vốn định kỳ hàng quý cho 2 quý tiếp theo, với số tiền tương đương với khoản thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp và đóng góp ngân sách năm 2019, cộng với số tiền doanh nghiệp đã đóng đảm bảo cho các hình thức bảo hiểm xã hội và y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Cấu trúc như vậy sẽ đơn giản để các ngân hàng thực hiện và giúp được các doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp, chuyên nghiệp duy trì hoạt động.
Ông Trần Thế Dũng, Phó Chủ nhiệm Nhóm khuyến mãi kích cầu - Hiệp hội Du lịch TP HCM cho biết: Hiệp hội đã có những chương trình kích cầu du lịch giảm giá khoảng 40% cho khách đoàn, khách lẻ. Trường hợp, được giảm thuế giá trị gia tăng (từ 10% xuống còn 5%), thuế thu nhập doanh nghiệp (từ 20% giảm còn 15-17%) cùng tận dụng giá vé máy bay kích cầu, dịch vụ giảm của các đơn vị chắc chắn giá tour du lịch nội địa sẽ giảm sâu, kích thích khách nội địa…
Với du khách nước ngoài, theo thống kê của ngành du lịch, hiện có 8 nước chiếm 80% lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam. Về lý thuyết, có thể từ tháng 6/2020, khách Trung Quốc có thể sang Việt Nam nhưng khi mở cửa vẫn phải tính toán cho phép khách từ tỉnh nào vào được, tỉnh nào chưa được. Do tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc phân bổ không đồng đều giữa các địa phương. Du khách từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan… cũng sẽ dần được mở cửa thu hút. Đối với khách du lịch từ Mỹ và Nga chưa thể tiếp nhận do hai nước này tình hình dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát tốt. Đánh giá thực tế công tác phòng chống dịch Covid-19 từ các nước châu Âu, khu vực ASEAN, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân dự đoán: Ước tính từ nay đến tháng 12/2020, Việt Nam có thể đón trên 6 triệu du khách nước ngoài từ các thị trường tiềm năng, thay vì đón 18 triệu du khách như năm 2019.