Gỡ khó cho trang trại chăn nuôi lợn

Hải Nhi 08/05/2020 08:00

Giá thịt lợn neo ở mức cao suốt thời gian qua là động lực để người chăn nuôi, các trang trại, HTX tăng đàn. Tuy nhiên để tái đàn, hiện nay các trang trại, gia trại, HTX đang chồng chất khó khăn, nhất là nguy cơ dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn…

Gỡ khó cho trang trại chăn nuôi lợn

Cần tạo điều kiện hỗ trợ các HTX, trang trại chăn nuôi lợn trong thời điểm hiện nay.

Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT), tính đến hết tháng 3/2020 cả nước có khoảng 15.800 HTX và 39.000 trang trại nông nghiệp, trong đó số lượng HTX chăn nuôi và trang trại chăn nuôi lợn là 911 HTX và 9.924 trang trại. Tỷ lệ các trang trại chăn nuôi lợn là thành viên các hợp tác xã chăn nuôi lợn chỉ đạt 33,9% số trang trại chăn nuôi lợn cả nước.

“Tác động của một chuỗi các khủng hoảng như: Giảm giá lợn như năm 2017 (giá bán thấp hơn giá thành chăn nuôi); dịch tả lợn châu Phi hoành hành năm 2019; bệnh dịch Covid-19 đầu năm 2020 đã và đang tác động xấu đến tình hình chăn nuôi lợn, khiến số lượng HTX, trang trại chăn nuôi lợn suy giảm đáng kể” - ông Thịnh phân tích.

Tuy nhiên, tại Hội nghị “Thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn” do Bộ NNPTNT vừa tổ chức thì giải pháp thúc đẩy HTX, trang trại, gia trại, nông hộ được Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đặc biệt coi trọng và được xem là giải pháp nòng cốt nhằm kéo giảm giá thịt lợn ngay trong quý III và đầu quý IV/2020.

Nhưng hiện cũng có một thực tế là hàng loạt khó khăn đang bủa vây các trang trại chăn nuôi lợn. Ông Thịnh cho biết: Nguy cơ dịch bệnh còn rất cao, mặc dù theo thống kê đã có 99,3% số xã, phường trên cả nước được cho là đã cơ bản hết dịch tả châu Phi, trong khi các chủ trang trại, HTX cho rằng tình hình diễn biến dịch vẫn còn phức tạp, vẫn còn hiện tượng giấu dịch (do giá thịt lợn rất cao so với mức đền bù của Nhà nước, nguy cơ dịch bệnh còn cao nên người chăn nuôi vẫn giấu và bán ra ngoài khi phát hiện lợn bị bệnh) nên việc tái đàn lúc này thật sự rất rủi ro.

Đáng chú ý, từ 70-80% các trang trại, HTX trải qua các khủng hoảng nên đã cạn kiệt nguồn vốn đầu tư để mua thức ăn, con giống. Bên cạnh đó nợ tín dụng chưa trả được nên không vay mới được ở các ngân hàng. Mặt khác do đàn nái suy giảm nghiêm trọng nên các trang trại hiện thiếu con giống để tái đàn. Nguồn con giống trên thị trường khan hiếm và giá quá cao. Và hiện chưa có nhiều trang trại áp dụng công nghệ cao, các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

Với những khó khăn nêu trên, câu hỏi đặt ra là liệu tất cả các trang trại, HTX đều có khả năng tái đàn và tái đàn có hiệu quả trong thời điểm hiện nay? Theo ông Thịnh, câu trả lời là không.

Nêu giải pháp trước mắt, ông Thịnh cho rằng: Cần tạo điều kiện để các HTX, trang trại thụ hưởng các gói chính sách hỗ trợ vượt qua dịch bệnh của Chính phủ như đã áp dụng cho các tổ chức, cá nhân, DN sản xuất kinh doanh như khoanh nợ, giãn nợ, miễn thuế, tiếp cận tín dụng. Cùng với đó hệ thống chăn nuôi, thú y, khuyến nông và chính quyền cơ sở các địa phương cần thắt chặt kiểm tra và hỗ trợ hệ thống an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh vì đó là biện pháp tái đàn hiệu quả khi nguy cơ dịch bệnh còn khá cao.

Hải Nhi