Mặt bằng cho thuê ế ẩm
Dịch bệnh Covid-19 đã tác động rất lớn đến hoạt động cho thuê bất động sản từ văn phòng, trung tâm thương mại cho đến phân khúc nhà hàng, cửa hàng kinh doanh. Ngoài ra, thói quen mua sắm đang dần dịch chuyển từ truyền thống sang mua bán qua mạng cũng làm ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động kinh doanh cho thuê mặt bằng.
Người đi thuê và các chủ cho thuê mặt bằng đều đang bị mất nguồn thu vì dịch Covid-19.
Hạ nhiệt cơn sốt mặt tiền
Anh Trần Anh Tú, chủ một cửa hàng kinh doanh đồ chay ở phố Nguyễn Lương Bằng vừa kết thúc hợp đồng thuê nhà với chủ nhà trước hạn 2 tháng. Theo anh Tú, tiền thuê nhà là 25 triệu/tháng đang là áp lực với hoạt động kinh doanh hiện nay.
Anh Tú phân tích, bình thường kinh doanh đồ chay khách đông trong 4 ngày (ngày 14, 15, 30, mồng 1) song vẫn cố được nhưng đến khi có dịch Covid-19 thì lượng khách chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nếu không dừng hợp đồng, trả lại mặt bằng thì mỗi tháng thua lỗ đến 60 triệu đồng.
Chủ cửa hàng thời trang xuất khẩu trên phố Lê Thanh Nghị cho biết “mặc dù dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng việc kinh doanh vẫn ế ẩm do người tiêu dùng vẫn còn khó khăn. Tôi đã đóng 6 tháng tiền thuê cửa hàng ngay trước Tết nên hiện đang tính đến việc sang nhượng cửa hàng để cắt lỗ”.
Tình trạng kinh doanh bị hụt nguồn thu do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến cho nhiều hộ kinh doanh cá thể không thể trụ được. Trong khi đó ở chiều ngược lại, phía chủ nhà có mặt bằng cho thuê cũng kêu than: khó tìm được khách cho thuê. Dọc trục đường Võ Thị Sáu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội vốn sầm uất hàng quán là thế mà hơn tháng nay nhiều nhà phải treo biển: cho thuê nhà.
Người kinh doanh trả lại cửa hàng vì thua lỗ, chủ nhà có mặt bằng cho thuê cũng đang bỏ trống nhà vì không tìm được khách thuê. Chủ nhà tại ngõ 90 đường Võ Thị Sáu, quận Hai Bà Trưng cho biết, có 5 khách đến xem mặt bằng rồi hỏi giá xong không trở lại. Có khách đặt một ít tiền rồi cũng không đến.
Tình cảnh chung đang diễn ra là cả người đi thuê và các chủ cho thuê mặt bằng đều đang bị mất nguồn thu vì dịch Covid-19. Ngấm đòn dịch bệnh nhiều chủ nhà giảm giá nhà cho thuê từ 2 – 5 triệu/ đồng tháng nhưng vì áp lực kinh doanh và lo ngại về kết quả kinh doanh thấp, nên người thuê cũng chùn tay trước ký tiếp hợp đồng.
Thực tế, đối với những nhà kinh doanh, doanh nghiệp trường vốn thì việc sụt giảm kinh doanh trong 1-2 tháng sẽ không là vấn đề, nhưng với những nhà kinh doanh mỏng về tài chính thì khác. Điều đáng nói là ngay tại những phố lớn với vị trí đắc địa như phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Lương Văn Can, trước đây được các hộ kinh doanh săn đón để chờ thuê thì lúc này chủ nhà cũng mỏi mắt tìm khách.
Cơ hội cho các kênh thương mại điện tử
Nhiều quan điểm cho rằng mặt bằng cho thuê trong giai đoạn này không đắt khách, do các kênh thương mại điện tử phát triển. Nhiều hộ kinh doanh không chọn thuê mặt bằng phố lớn để mở cửa hàng mà bán hàng online thông qua mạng xã hội facebook, zalo, website. Nhiều người bán hàng còn gọi điện thoại tư vấn cho khách hàng rồi giao cho đơn vị vận chuyển đến tận nhà cho khách.
Một báo cáo chỉ ra rằng, các nhà bán lẻ toàn cầu phải chuẩn bị để bước vào giai đoạn rủi ro cao đối với dòng tiền và tăng chi phí vận hành phát sinh do sự sụt giảm nhu cầu tiêu dùng và gián đoạn chuỗi cung ứng. Bảo vệ dòng tiền vẫn rất quan trọng đối với tất cả các nhà bán lẻ và đặc biệt đối với những nhà đầu tư có biên lợi nhuận mỏng.
Bà Từ Thị Hồng An, Phó Giám đốc Bộ phận cho thuê thương mại của Savills Việt Nam cho biết bán lẻ là một trong những phân khúc chịu ảnh hưởng lớn nhất từ đại dịch Covid-19. Phần lớn người kinh doanh đều thực hiện phương án trả lại mặt bằng. Ở chiều ngược lại, các chủ cho thuê cũng đang cố gắng giảm giá xuống mức thấp nhất có thể.
Giới chuyên gia cũng cho rằng, phải mất thêm một quãng thời gian nữa, thị trường mới có thể lấy lại đà phục hồi. Trong giai đoạn kinh doanh hiện nay cả người kinh doanh lẫn người có mặt bằng cho thuê buộc tìm các phương án đối phó, nhưng từ đây sẽ xuất hiện mô hình kinh doanh mới, thuận lợi hơn để tiết giảm chi phí.