Xử giám đốc thẩm tử tù Hồ Duy Hải: Cơ quan điều tra từng coi nhân chứng là nghi can

Hải Phong 08/05/2020 08:00

Ngày 7/5, phiên xét xử giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải bị kết án tử hình với cáo buộc giết người và cướp tài sản tại Bưu điện Cầu Voi (ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) tiếp tục làm việc.

Xử giám đốc thẩm tử tù Hồ Duy Hải: Cơ quan điều tra từng coi nhân chứng là nghi can

Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao gồm toàn bộ 17 thẩm phán cao cấp của cả nước. Ảnh: Báo Công Lý.

Đại diện Viện KSND Tối cao đặt vấn đề: Bản kết luận điều tra nêu anh Đinh Vũ Thường đến Bưu điện Cầu Voi gọi điện dịch vụ lúc 19 giờ 39 phút ngày 13/1/2008, có nhìn thấy một thanh niên ngồi trong bưu điện. Cũng theo kết luận điều tra, vào lúc 19 giờ 13 phút, Hồ Duy Hải đang có mặt tại hiệu cầm đồ để làm thủ tục cầm đồ rồi quay về nhà dì ruột của bị án. Tính toán quãng đường và thời gian, đại diện VKS cho rằng, Hải không thể có mặt tại nơi xảy ra án mạng lúc 19 giờ 39 phút như kết luận điều tra.

Theo bút lục lời khai số 20 ngày 31/3/2008, tối 13/1/2008, anh Đinh Vũ Thường đưa bạn gái đi làm, sau đó chạy xe đến Bưu điện Cầu Voi để gọi điện dịch vụ. Khi vào thấy một người phụ nữ ngồi ngoài ghế salon, một thanh niên ngồi giữa ghế salon nhưng chỉ nhìn thoáng qua không nhớ mặt, không thể nhận dạng được. Với việc công bố bút lục trên, Hội đồng thẩm phán đặt câu hỏi: Cơ sở nào tòa sơ thẩm, phúc thẩm vẫn tiến hành xét xử vụ án khi không triệu tập nhân chứng Đinh Vũ Thường? Việc vắng mặt người này tại phiên tòa có ảnh hưởng đến kết quả xét xử không? Về nội dung này, đại diện tòa sơ thẩm lý giải: Khi thẩm tra vụ án có lấy lời khai nhân chứng Đinh Vũ Thường. Nhân chứng này khai phù hợp với lời khai của Hồ Duy Hải và lời khai của các nhân chứng khác về việc tối hôm đó Hồ Duy Hải có mặt tại hiện trường vụ án. “Việc vắng mặt Đinh Vũ Thường không ảnh hưởng đến việc xét xử, vì đã có lời khai trong quá trình điều tra...” – đại diện tòa sơ thẩm nêu quan điểm.

Lập tức đại diện VKS chất vấn: Vậy tại sao không đưa lời khai của nhân chứng Đinh Vũ Thường vào hồ sơ vụ án? Trước câu hỏi khó này, điều tra viên vụ án lý giải: Ngày 19/1/2008, CQĐT lấy lời khai lần đầu với Đinh Vũ Thường. Nhân chứng Thường khai là người xuất hiện tại hiện trường vào tối xảy ra vụ án. Khi đó, CQĐT xác định Đinh Vũ Thường là nghi can trong vụ án nên lưu hồ sơ cùng với các đối tượng tình nghi khác. “CQĐT lưu hồ sơ lời khai của Thường với tư cách là đối tượng tình nghi phạm tội chứ không phải là nhân chứng vụ án...” - đại diện CQĐT trả lời.

Vẫn liên quan đến thời gian Hồ Duy Hải có mặt ở hiện trường (bởi đây là tình tiết quan trọng xác định bị án có phải là hung thủ giết người, cướp tài sản hay không), đại diện Viện KSND Tối cao cho rằng: Các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm, phúc thẩm đưa ra kết luận về thời gian của Hồ Duy Hải có mặt ở nơi xảy ra án mạng đều từ những chứng cứ gián tiếp, không thực sự thuyết phục. Chẳng hạn, việc xác định Hải là người gọi điện thoại tới bưu cục lúc 11 giờ 25 phút trưa ngày 13/1/2008 không chứng minh được gì liên quan trong vụ án. Hay lời khai của nhân chứng Đinh Vũ Thường chỉ nói nhìn thấy có một thanh niên nhưng không thể kết luận đó là Hồ Duy Hải vì nhân chứng không thể nhận dạng. Tình tiết người bán hoa quả gần bưu điện cũng chỉ xác nhận một trong hai nạn nhân đến mua hoa quả, mà không xác định được người đưa tiền là Hồ Duy Hải.

Đại diện Viện KSND Tối cao cho rằng, việc CQĐT giải thích anh Thường là đối tượng tình nghi nên lời khai không đưa vào hồ sơ nhân chứng là chưa thuyết phục. Cơ quan công tố tối cao nhận định, lời khai này là một chứng cứ quan trọng trong vụ án cần phải được xem xét khi xét xử. Để khớp về mặt logic thời gian của Hồ Duy Hải xem bị án có thực sự là hung thủ hay không, đại diện VKS đề nghị cần có thực nghiệm lại hiện trường, tính cả thời gian Hải có mặt ở tiệm cầm đồ, đi trả xe... rồi từ đó đến bưu điện. “Phải có kiểm nghiệm thực tế chứ chúng ta không ngồi đây để suy diễn về khoảng thời gian...” - đại diện cơ quan công tố nhấn mạnh. Theo đó, đại diện VKS đề nghị Hội đồng thẩm phán hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm để xem xét lại.

Hải Phong