Nồng độ NO2 giảm nhưng bụi mịn vẫn tăng khi khí thải điện than cao
Mặc dù nồng độ NO2 giảm trong thời kỳ bùng phát dịch Covid-19, nhưng bụi mịn PM2.5 tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh vẫn tăng khi khí thải từ điện than và công nghiệp tăng lên.
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: Environmental Justice Australia).
Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA) ngày 8/5 đã công bố nghiên cứu cho thấy việc giãn cách xã hội trong thời kỳ bùng phát dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ và đa dạng đến chất lượng không khí ở Đông Nam Á.
Tại Việt Nam, mặc dù nồng độ Nitơ điôxít (NO2) giảm, nhưng các thành phố như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã chứng kiến sự gia tăng bụi mịn PM2.5 khi khí thải từ điện than và công nghiệp ở các khu vực xung quanh tăng lên.
Còn tại các trung tâm đô thị lớn như Kuala Lumpur, Manila và Bangkok, nồng độ NO2 độc hại đã giảm xuống do sự sụt giảm trong vận tải và sản xuất. Malaysia chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ và bền vững nhất khi nồng độ NO2 ở thủ đô Kuala Lumpur đã giảm khoảng 60% so với năm 2019.
Ở Indonesia, nơi có mức độ ô nhiễm không khí nguy hiểm nhất trong khu vực, nồng độ khí NO2 ở Jakarta đã giảm khoảng 40% so với năm 2019.
Tuy nhiên, nồng độ bụi mịn PM2.5 vẫn không thay đổi so với những năm trước. Điều này giúp khẳng định các nghiên cứu trước đây rằng vấn đề ô nhiễm không khí xung quanh thành phố này chủ yếu bị ảnh hưởng bởi các chất ô nhiễm từ các khu vực xung quanh, nhất là các nhà máy nhiệt điện than.
Điều này cũng diễn ra trên toàn khu vực khi các thành phố nằm gần các nhà máy nhiệt điện than chỉ chứng kiến ô nhiễm không khí giảm ở mức độ nhẹ.
“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy ô nhiễm không khí ở đô thị được tích lũy từ nhiều nguồn khác nhau, từ phương tiện và hoạt động giao thông, các hoạt động công nghiệp cho đến các nhà máy điện than gây ô nhiễm cao. Nói một cách đơn giản, kiểm soát mức độ ô nhiễm từ tất cả các nguồn này sẽ giúp hạn chế ô nhiễm, có nghĩa rằng phổi sẽ khỏe mạnh hơn,” đại diện CREA nhấn mạnh.
Thông tin từ CREA cũng cho biết ô nhiễm không khí xung quanh ở nhiều nước Đông Nam Á thường vượt quá 5 lần giới hạn của Tổ chức Y tế Thế giới trước đại dịch. Điều này làm cho ô nhiễm không khí trở thành nguy cơ môi trường lớn nhất đối với sức khỏe con người, gây ra bệnh hô hấp, tim mạch mãn tính và các bệnh khác, chưa kể khoảng 799.000 ca tử vong trong khu vực hàng năm.
Trong đó, nhiên liệu hóa thạch được cho là nguyên nhân của hơn 150.000 ca tử vong sớm này. Thiệt hại kinh tế của ô nhiễm không khí do nhiên liệu hóa thạch gây ra ước tính khoảng 2,9 nghìn tỷ USD vào năm 2018.