Đón làn sóng chuyển dịch sản xuất mới cho ngành tôm
“Cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn bị điều kiện hạ tầng để đón làn sóng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam...”.
Đây là nhận định của Bộ trưởng Bộ Nông nghệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển ngành tôm nước lợ năm 2020 diễn ra tại Sóc Trăng, ngày 8/5.
Người dân Bạc Liêu thu hoạch tôm công nghệ cao.
Tín hiệu lạc quan
Đến thời điểm này hạn mặn và thời tiết thất thường vẫn diễn ra phức tạp ở khu vực ĐBSCL, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất và xuất khẩu nông nghiệp, những cơn mưa trái mùa gần đây làm cho nhiệt độ và mực nước biến động là nguyên nhân sinh ra các dịch bệnh cho con tôm. Dịch bệnh Covid-19 cũng ảnh hưởng nhiều kim ngạch xuất khẩu.
Theo thông tin từ Tổng cục Thuỷ sản, đến nay 100% các địa phương đã xây dựng lịch thời vụ thả tôm cơ bản đúng với tình hình thực tế của địa phương trong năm 2020. Cụ thể diện tích tôm thả nuôi đạt khoảng 481.534 ha (bằng 84,9% so với cùng kỳ năm 2019 và đạt 71,1% so với kế hoạch năm 2020). Ước sản lượng tôm nước lợ tính đến cuối tháng 4/2020 đạt 168,6 nghìn tấn (bằng 94,4% so với cùng kỳ năm 2019 và đạt 21,7% so với kế hoạch năm 2020). Trong đó, Bạc Liêu là tỉnh có sản lượng thu hoạch nhiều nhất, tiếp đến là Cà Mau, Trà Vinh và Kiên Giang.
Tổng cục Thuỷ sản tính toán, giá tôm nguyên liệu đến hết quý I/2020 giảm khoảng 20% so với cùng kỳ 2019. Từ đầu năm đến nay có hơn 15.950 ha nuôi tôm bị thiệt hại, trong đó hơn 990 ha thiệt hại do bị bệnh, hơn 469 ha thiệt hại do môi trường và gần 14.500 ha thiệt hại chưa rõ nguyên nhân tại 16 tỉnh.
So với cùng kỳ 2019, tổng diện tích thiệt hại tăng 3,3 lần, trong đó diện tích thiệt hại do bị bệnh và thiệt hại do môi trường giảm, trong khi diện tích thiệt hại không xác định được nguyên nhân tăng 5,83% lần, chủ yếu là ở diện tích nuôi quảng canh tại Cà Mau…
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, mặc dù gặp những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng ngành tôm vẫn có những tín hiệu lạc quan. Xuất khẩu thủy sản 4 tháng đầu năm ước đạt khoảng 2,5 tỷ USD, trong đó tôm ước đạt khoảng 1 tỷ USD, tăng so với cùng kỳ 2019. Nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến tháng 8/2020.
Đại diện VASEP kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp thu hút được nguồn lao động (hỗ trợ an sinh cho người lao động, cho doanh nghiệp vay để trả lương); thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh và tăng cường các dịch vụ công trực tuyến (bãi bỏ quy định việc sử dụng mã số mã vạch nước ngoài tại Nghị định 74/2018; xác lập hàng “chế biến” đối với sản phẩm thủy sản khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp; sửa đổi quy định công việc “nặng nhọc độc hại”…).
Về lâu dài, cần có chính sách giúp ngành nuôi tôm cải thiện giá thành và chất lượng; thúc đẩy và hỗ trợ mạnh cho việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của ngành thủy sản…
Cơ hội vươn lên mạnh mẽ sau dịch
Theo nhận định của Tổng cục Thuỷ sản năm 2020 này, ngành tôm của Việt Nam có lợi thế khi thuế chống bán phá giá tôm của chúng ta vào thị trường Mỹ được hưởng mức 0%; bên cạnh đó Hiệp định AVFTA có hiệu lực trong năm 2020 sẽ góp phần giảm mức thuế cơ bản 12 đến 20% xuống còn 0% đối với tôm nguyên liệu (tươi, đông lạnh, ướp lạnh) nhập vào EU; các thị trường quan trọng đối với xuất khẩu tôm của Việt Nam có xu hướng phục hồi tốt sau dịch Covid-19; chuỗi cung ứng vật tư thiết yếu không phụ thuộc vào Trung Quốc nên doanh nghiệp thủy sản tương đối chủ động trong sản xuất.
Trong khi đó, nhu cầu tôm của thị trường thế giới đang quay trở lại đối với các sản phẩm truyền thống hơn là giá trị gia tăng, trong khi Ấn Độ đang bị dịch nên lựa chọn thay thế sẽ là tôm Việt Nam.
Ông Trương Đình Hòe cho biết thêm: Chính phủ Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 so với các quốc gia khác đã tạo cơ hội cho ngành tôm. Cùng với niềm tin của đối tác với thủy sản Việt Nam, việc phục hồi nhanh hơn cho phép ngành tôm nghĩ đến việc thay thế các nguồn cung khác và gia tăng thị phần.
Ngoài ra, hậu Covid-19 có thể tạo nên làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á. Mặt khác, chuỗi cung ứng vật tư thiết yếu không phụ thuộc vào Trung Quốc nên doanh nghiệp thủy sản tương đối chủ động trong sản xuất.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, nếu kiểm soát tốt dịch bệnh, các thị trường trọng điểm như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, EU… khả năng mở cửa lại các nhà hàng, nhu cầu sẽ dần phục hồi; thói quen tiêu dùng thay đổi cũng là lợi thế đối với các sản phẩm tôm chế biến, ăn liền, tiện dụng của Việt Nam sẽ tăng lên.
Để đưa ngành tôm vươn lên phát triển bền vững trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn bị điều kiện hạ tầng để đón làn sóng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Cơ quan chức năng, tiếp tục quan trắc cảnh báo môi trường tại các vùng nuôi tôm nước lợ trên những sông, kênh lớn có nguy cơ xâm nhập mặn vào nội đồng để kịp đưa ra các bản tin cảnh báo và khuyến cáo tới địa phương, cơ sở nuôi để phục vụ sản xuất. Thúc đẩy và hỗ trợ mạnh cho việc ứng dụng công nghệ thông tin và hoạt động của ngành thủy sản, đặc biệt triển khai sàn giao dịch điện tử cho con giống tiến tới có thể phát triển hình thức mua bán tương lai mặt hạn con giống theo mục tiêu quản lý chất lượng và giảm giá thành….
Về phía doanh nghiệp và người nuôi tôm, Bộ Trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cần nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm khâu trung gian để giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, áp dụng các hình thức nuôi có chứng nhận: VietGAP, GlobalGAP, ASC… để nâng cao giá trị sản phẩm. Đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại đối với tiêu thụ nội địa và các thị trường mới…