Không để doanh nghiệp 'chết' mới hỗ trợ
Một trong những quy định không dễ thực hiện là doanh nghiệp (DN) được tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất trong 12 tháng nếu 50% số lao động thuộc diện đóng bảo hiểm xã hội nghỉ việc hoặc thiệt hại 50% tổng số giá trị tài sản do dịch bệnh Covid-19. Bởi theo các DN, khi đã rơi vào tình trạng như trên thì xem như DN đã ở trong tình trạng gần kiệt quệ hoặc rơi vào tình thế “chết lâm sàng”, khó có thể cứu vãn.
Có ý kiến cho rằng, trong khó khăn mà DN vẫn cố gắng giữ lực lượng lao động là cần được khuyến khích hơn là đẩy người lao động vào tình trạng thất nghiệp. Do đó, quy định đưa ra để được hỗ trợ cần phải hợp lý hơn. Chính sách này vô tình khiến DN phải sa thải người lao động thất nghiệp nhiều hơn thì mới đạt chỉ tiêu để có cơ hội nhận hỗ trợ.
Trong khi đó, theo các DN việc chứng minh thiệt hại 50% như quy định cũng vô cùng phức tạp vì chưa có một tiêu chí hay thước đo cụ thể. Hơn nữa dấu hiệu thiệt hại đều ở tương lai (vì hàng tồn kho, hợp đồng, doanh thu, tạm ngừng...đều là dấu hiệu suy giảm trong tương lai). Việc chứng minh thiệt hại đó có thể kéo dài hàng năm.
Ở một góc nhìn khác, khi đợi DN cắt giảm 50% lao động thì có lẽ không còn DN để hỗ trợ và khi đó gánh nặng sẽ đè lên các quỹ bảo hiểm xã hôi, bảo hiểm thất nghiệp còn nặng hơn, chưa kể thiệt hại tới cả nền kinh tế.
Cũng theo phản ánh từ phía DN, thực tế những hỗ trợ của Nhà nước khi đến với DN thì họ đã quá khó khăn, họ không đủ điều kiện vay vốn nữa. Vì vậy, những chính sách hỗ trợ khác như giãn nợ, giảm nợ, hỗ trợ lãi vay... rất khó phát huy hiệu quả.
Nói như ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa (VINASME) thì để chính sách tiếp cận gần hơn với DN, các cơ quan quản lý nhà nước cần chủ động hơn trong việc hướng dẫn, hỗ trợ DN. “Trong thời buổi khó khăn chồng chất do dịch bệnh Covid-19, gói 180.000 tỷ đồng sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các DN nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, vì họ vốn rất mong manh, đôi khi chỉ cần hỗ trợ 100-120 triệu đồng tiền thuê mặt bằng đã giúp được họ vượt qua khủng hoảng”- theo ông Nam.
Với thực trạng của phần lớn các DN ở thời điểm này, dễ nhận thấy nếu chính sách càng chậm trễ thì số DN “chết” càng nhiều. Đừng để DN “chết” thì hỗ trợ mới tới nơi, trong khi những DN sống sót lại không được hỗ trợ.