Giới ngân hàng lên tiếng về gói 300.000 tỷ
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng, việc hỗ trợ tín dụng là cần thiết nhưng phải duy trì điều kiện, tiêu chuẩn để đảm bảo an toàn không chỉ cho giai đoạn này mà cho nhiều năm tới đây. Trong khi đó một số doanh nghiệp (DN) cho rằng vẫn khó tiếp cận với gói tín dụng 300.000 tỷ đồng mà giới ngân hàng đang triển khai.
Ngân hàng “mở cửa” nhưng không phải bơm vốn một cách dễ dãi.
Theo chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực, việc đẩy nhanh tiếp cận chương trình tín dụng 300.000 tỷ đồng mà các ngân hàng thương mại đang triển khai đòi hỏi thiện chí của cả người dân và DN. Phía DN cũng phải có thiện chí hợp tác với ngân hàng, chứng minh thiệt hại của mình để ngân hàng có căn cứ hỗ trợ. Các nước trên thế giới đều như vậy, không riêng Việt Nam. Chưa kể, gói hỗ trợ này là tiền túi của ngân hàng, chứ không phải là tiền ngân sách.
Ngân hàng chấp nhận giảm lợi nhuận để hỗ trợ DN, họ phải hỗ trợ đúng đối tượng. Nếu không, sau này, ngân hàng sẽ bị quy trách nhiệm khi thanh, kiểm tra. Chưa kể, ngân hàng huy động tiền gửi của người dân, nên cho vay cũng phải thận trọng để bảo toàn vốn. Ngân hàng không thiếu vốn, tuy nhiên hiện khả năng hấp thụ vốn của DN đang rất yếu. Bằng chứng là tín dụng quý I/2020 chỉ tăng 1,3%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng trưởng ở mức 3,2%.
“Vấn đề hiện nay không phải lãi suất mà là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế rất yếu. Thực tế, ngân hàng đã giảm sâu lãi suất mà tín dụng cũng không tăng được”- ông Lực nhận định.
Trong khi đó, ông Lê Đức Thọ- Chủ tịch VietinBank cho rằng việc hạ thấp chuẩn tín dụng sẽ để lại hệ quả nợ xấu. Tuy nhiên, VietinBank bằng nhiều giải pháp đang nỗ lực cho khách hàng đủ điều kiện, có phương án tốt giải ngân vốn một cách nhanh nhất. “Đối với các lĩnh vực thiết yếu, chúng tôi chỉ đạo rất nghiêm túc giảm ngay lãi suất 2 - 2,5%/năm so với mức thông thường. Các trường hợp còn lại tùy mức độ ảnh hưởng bởi dịch, giảm từ 0,5 - 1,5%/năm”- ông Thọ nói.
Còn ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Vietcombank cho biết, việc ban hành Thông tư mới đã hỗ trợ các DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đây là hành lang pháp lý để ngân hàng cơ cấu lại thời gian trả nợ mà không bị chuyển nhóm nợ. Các ngân hàng có thể tiếp tục cho vay mới với DN bị ảnh hưởng bởi dịch.
Ông Thành chia sẻ thêm, các ngân hàng đang phải vừa thực hiện mục tiêu kép vừa giữ hoạt động ổn định, vừa hỗ trợ tối đa cho DN, người dân và nền kinh tế. “Việc giảm lãi suất, mỗi ngân hàng có năng lực tài chính khác nhau. Vietcombank đã chấp nhận giảm 2.240 tỉ đồng lợi nhuận để chia sẻ với các DN. Chúng tôi giảm đồng loạt trên hệ thống từ nay đến 30/9”- ông Thành thông tin.
Tuy nhiên, lãnh đạo Vietcombank cũng lo lắng bởi ngân hàng đi huy động vốn rồi cho vay lại, trong khi vẫn phải nỗ lực cắt giảm chi phí, giữ hoạt động an toàn. “Điều này lý giải vì sao có một số DN phương án kinh doanh chưa đảm bảo, không có vốn tự có... chưa tiếp cận được vốn. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ lợi nhuận, tăng số hóa để phục vụ nhanh hơn, chứ không thể giảm chuẩn tín dụng, vì trong môi trường này sẽ để lại rất nhiều rủi ro”- ông Thành bày tỏ.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng OCB cho biết, với các ngân hàng bán lẻ, lượng khách hàng rất lớn, đồng nghĩa với hồ sơ xin cơ cấu lại nợ rất nhiều. Để hoàn tất thủ tục cơ cấu 1.000 tỷ đồng dư nợ tín dụng, có khi ngân hàng phải xử lý 2.000 - 3.000 hồ sơ của khách hàng, vì có khách hàng vay 1-2 tỷ đồng, song cũng có khách hàng chỉ vay 200-300 triệu đồng. Số lượng hồ sơ lớn, trong khi theo quy định, chỉ có Ủy ban Cơ cấu nợ của ngân hàng mới được phép phê duyệt hồ sơ được cơ cấu nợ, dẫn tới tình trạng quá tải, hồ sơ ùn ứ.
“Chúng tôi rất thiện chí, hầu hết hồ sơ vay vốn bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đều được cơ cấu lại nợ, gia hạn nợ, giảm lãi tối đa cho khách hàng. Trung bình mỗi ngày, Ủy ban Cơ cấu nợ giải quyết đến 400-500 hồ sơ mà vẫn không xuể. Chúng tôi đang tính tới việc chuyển sang phê duyệt hồ sơ cơ cấu nợ tự động để người ra quyết định cơ cấu nợ có thể phê duyệt cùng lúc cho hàng trăm trường hợp”- ông Tùng cho biết.
Trước đó, ông Phạm Quốc Thanh, Tổng Giám đốc HDBank cũng cho biết, lượng khách hàng gửi đơn xin cơ cấu nợ tại ngân hàng tăng chóng mặt khiến các bộ phận liên quan phải chạy hết tốc lực. Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu nói, chỉ cần chậm trễ ban hành thông tư sẽ có thể gây ra hậu quả rất lớn, vì hiện nay 70% vốn trong nền kinh tế là từ tín dụng của hệ thống ngân hàng. Không cơ cấu lại nhanh, không khơi thông vốn được... nhiều DN sẽ bị khai tử sau đại dịch. Thông tư là hành lang pháp lý cho các ngân hàng triển khai cơ cấu nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ. Nếu không, ngân hàng sợ nợ xấu mà không dám hành động quyết liệt.
Theo TS Cấn Văn Lực, việc đẩy nhanh tiếp cận chương trình tín dụng 300.000 tỷ đồng mà các ngân hàng thương mại đang triển khai đòi hỏi thiện chí của cả người dân và DN. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay không phải lãi suất mà là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế rất yếu. Thực tế, ngân hàng đã giảm sâu lãi suất mà tín dụng cũng không tăng được. Còn ông Nghiêm Xuân Thành- Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Vietcombank cho biết, có một số DN mà phương án kinh doanh chưa đảm bảo, không có vốn tự có... nên chưa tiếp cận được vốn vay; trong khi môi trường này sẽ có nhiều rủi ro.