Cuộc chiến giá dầu bên cuộc chiến dịch bệnh

Đinh Hoàng Tú 10/05/2020 07:00

Ngày 8/3/2020 được cho là thời điểm chính thức Arab Saudi bắt đầu cuộc chiến giá cả với Nga, gây ra sự sụt giảm lớn về giá dầu, với giá dầu của Mỹ giảm 34%, dầu thô giảm 26% và dầu brent giảm 24%. Người ta cho rằng, cuộc chiến giá dầu không chỉ riêng của Nga - Arab Saudi, hay của Mỹ, mà nó còn là cuộc chiến giá cả trên phạm vi toàn cầu.

Nhận xét của truyền thông quốc tế cho rằng, trong khi cuộc chiến chống dịch Covid-19 đang diễn ra căng thẳng thì cuộc chiến giá dầu chính là “điểm chết” trong quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu. Một điểm chung của cả hai cuộc chiến chính là nó đã đẩy thế giới đến bên bờ khủng hoảng.

Cuộc chiến giá dầu bên cuộc chiến dịch bệnh

Không phải đến bây giờ cuộc chiến giá dầu mới xảy ra

Đầu năm 2014, người Mỹ đột ngột gia tăng sản xuất dầu đá phiến khiến giá dầu mỏ truyền thống giảm từ mức trên 114 USD/thùngxuống còn khoảng 27 USD/thùng trong vòng 2 năm. Chính vì thế, tháng 9/2016, Arab Saudi và Nga đã đồng ý hợp tác quản lý giá dầu, tạo ra một liên minh không chính thức giữa các nhà sản xuất OPEC và không thuộc OPEC, còn gọi là “OPEC +”. Đến tháng 1/2020, OPEC + đã cắt giảm sản lượng dầu 2,1 triệu thùng mỗi ngày, trong đó Arab Saudi thực hiện việc giảm sản lượng lớn nhất.

Tới ngày 15/2 năm nay, Cơ quan Năng lượng quốc tế tuyên bố nhu cầu về xăng dầu sẽ giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2011, với mức tăng trưởng giảm 325.000 thùng mỗi ngày. Điều đó được cho là đã “kích hoạt” Hội nghị thượng đỉnh OPEC tại Vienna vào ngày 5/3/2020. Tại hội nghị này, OPEC đã đồng ý cắt giảm sản lượng dầu thêm 1,5 triệu thùng mỗi ngày trong quý 2 của năm (tổng sản lượng giảm 3,6 triệu thùng/ngày từ thỏa thuận năm 2016) và sẽ tiếp tục xem xét trong tháng 6 tới. Tại đây, OPEC kêu gọi Nga và các thành viên không thuộc OPEC khác của OPEC+ cũng phải giảm mạnh việc khai thác dầu mỏ để bảo đảm giá dầu không tụt sâu. Tuy nhiên, chỉ 1 ngày sau, ngày 6/3, Nga đã từ chối yêu cầu đó. Vì thế, giới quan sát cho rằng đây là thời điểm cho những căng thẳng tiếp theo.

Tuy nhiên, các quan chức Nga và Arab Saudi đều phủ nhận có một cuộc chiến giá cả. Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov nói rằng các hợp đồng theo kế hoạch mới có thể được thực hiện ngay lập tức nếu cần thiết. Nói như ông Pavel Sorokin (Bộ Năng lượng Nga) thì “chúng tôi không thể chống lại tình trạng nhu cầu giảm khi không có sự rõ ràng về vị trí của đáy”.

Đòn hiểm và 2 gọng kìm “siết thế giới”

Nhưng, nói gì thì nói, dù là có “cuộc chiến giá dầu” hay không thì đến ngày 20/4/2020, giá dầu WTI lần đầu tiên rơi xuống mức âm trong lịch sử, do nhu cầu giảm mạnh và không đủ kho chứa dầu mới được khai thác. Một số loại dầu Canada rơi xuống mức 0 USD, khiến một số quá trình sản xuất phải ngừng hoạt động. Giá dầu Brent rơi xuống mức 18 USD/thùng, điều “không thể tệ hại hơn”.

Cho tới nay, người ta thấy rõ ràng rằng có một cuộc chiến dầu mỏ bên cạnh cuộc chiến Covid- hai cuộc chiến ấy đã khiến thế giới chao đảo.

Sau khi không đạt được thoả thuận với Nga về giảm khối lượng khai thác dầu lửa đưa ra thị trường hàng ngày để ngăn cản đà trượt dốc của giá dầu lửa trên thị trường thế giới, Arab Saudi thay đổi chiến lược bằng cách làm cho giá dầu lửa này tiếp tục giảm. Giới quan sát cho rằng đây là “đòn hiểm” nhắm tới Nga (nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ hai thế giới).

Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy tính không bền vững của “liên quân” giữa 14 nước thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và 10 nước xuất khẩu dầu lửa khác trên thế giới thành một liên thủ không chính thức với tên gọi chính thức là OPEC+ (ra đời từ năm 2017).

Cuộc chiến giá dầu bên cuộc chiến dịch bệnh - 1

Một biếm họa cho thấy cuộc chiến giá dầu giữa các bên không khác gì sự tự sát.

Để “hạ nhiệt”, rốt lại thì Nga cũng đồng ý cắt giảm mức độ khai thác dầu mỏ, nhằm chung sức kéo lại giá dầu mỏ đang rớt thê thảm; tuy rằng người Nga không thích thú gì với việ người Mỹ tiếp tục khai thác dầu từ đá phiến bằng công nghệ fracking và rất có thể vươn lên thành nước có lượng xăng dầu “tự túc” lớn nhất thế giới.

Cho đến nay, dù các bên có dùng “đòn hiểm” nhắm tới nhau đi chăng nữa thì giá dầu vẫn trong tình trạng thê thảm, vì rằng đại dịch Covid-19 lan tràn khiến sự tiêu thụ suy giảm trầm trọng. Người ta cho rằng, “2 cuộc chiến” cũng chính là hai gọng kìm đã và đang tiếp tục “siết thế giới”.

Cuộc chiến giá cả hay là sự tự sát?

Theo cơ quan năng lượng thế giới, để khai thác được 1 thùng dầu lửa (159 lít) Arab Saudi chỉ cần bỏ ra 2,8 USD; trong khi đó Tập đoàn ExxonMobil của Mỹ tốn 16 USD và Tập đoàn Rosneft của Nga phải chi tới 20 USD. Với mức độ giá dầu 30 USD/thùng thì Nga thiệt hại nhiều hơn Arab Saudi, nhưng để giúp cân bằng ngân sách nhà nước thì Saudi Arabia cần mặt bằng giá dầu lửa lên tới từ 83,60 USD/thùng trong khi Nga cần 42,40 USD/thùng.

Như vậy, nếu “cuộc chiến giá dầu” kéo dài thì Arab Saudi gặp khó khăn tài chính càng lớn so với Nga. Và đương nhiên nước Mỹ cũng không phải là ngoại lệ. Và như vậy chính là việc “gậy ông đập lưng ông” không khác gì một kiểu tự sát.

Người ta nhớ lại, khi không đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng từ phía Nga, Thái tử Arab Saudi Mohammed Bin Salman đã tuyên bố sẽ “đấu tay đôi với gấu Nga”- theo tờ Al Araby. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại bóng gió nói rằng “không ai muốn mất đi ngành công nghiệp dầu mỏ. Đó là nơi tạo ra rất nhiều việc làm”- RIA đưa tin hôm 1/4 và dẫn một nguồn tin cho biết ước tính giá dầu giảm sâu đã khiến Arab Saudi mất 400 triệu USD/ngày, tương đương khoảng 150 tỉ USD/ năm. Arab Saudi là nước cung cấp 1/10 lượng dầu mỏ cho thế giới. “Chúng ta đã và đang cùng chịu tổn thương. Vậy có nên kéo dài sự đau khổ đó hay không?”- một bình luận của RIA.

Sự nguy hiểm đến từ “lý thuyết trò chơi”

Nói về cuộc chiến giá dầu, theo Financial Times, “lý thuyết trò chơi” sẽ là rất nguy hiểm. Nói nhẹ nhàng thì cuộc chiến đó là một “sai lầm ngoạn mục”. Còn nói nặng thì là một vụ “tự sát tập thể” của những quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn trên thế giới.

Cuộc chiến giá dầu thời gian qua đã thu hút sự chú ý không chỉ của những ông chủ dầu, mà còn kéo cả giới học giả kinh tế vào cuộc. Hai nhà toán học được giải Fields là Pierre-Louis Lions và Jean Michel Lasry mô tả quá trình biến động của thị trường dầu khí phải cân bằng giữa giá cả và tham vọng dẫn dắt thị trường.

Theo P.Lions và M.Lasry, thị trường dầu mỏ cần phải trải qua nhiều cú sốc nữa để biến đổi sự độc quyền thống trị, được coi là “chất xúc tác trong tiêu cực”. Đáng chú ý, không giống như lần sụp đổ của thị trường dầu năm 2014, giá dầu thấp hiện nay không thể thúc đẩy nhu cầu tăng lên bởi các hoạt động kinh tế bị hạn chế vì lý do sức khỏe cộng đồng (Covid-19), vì thế số dầu dư thừa này sẽ phải lưu kho (hiện đã lên tới 63% công suất trữ lượng, tính trên phạm vi toàn cầu”.

Trong khi các bộ trưởng dầu mỏ của Nga và Arab Saudi đang bước vào giai đoạn mang tính sống còn thì việc bán tháo dầu mỏ vẫn diễn ra. Tuy nhiên, với chi phí thấp và dự trữ tài chính lớn, cả Arab Sau di và Nga vẫn có thể chịu được tổn thất doanh thu từ khai thác dầu mỏ, nhưng sẽ khó khăn cho các nước khác, mà điển hình là Iran.

Nhưng người ta cũng cho rằng, “phần thưởng lớn nhất” thuộc về OPEC là việc chế ngự dầu đá phiến của Mỹ đột nhiên nằm trong tầm tay, khi mà chính phía Mỹ cũng “hoan nghênh” việc OPEC và Nga cắt giảm lượng dầu khai thác càng nhanh, càng nhiều càng tốt. Kể từ khi đưa dầu đá phiến vào thương mại, người Mỹ nhận ra rằng việc trở thành một “kẻ ăn không” có thể không còn là một lựa chọn hợp lý và đúng đắn nữa. Bằng cách đe dọa buông lỏng thị trường, Nga và khối Arab có thể buộc các nhà sản xuất khác tham gia cuộc chơi của họ, trong đó có người Mỹ. Cuộc cách mạng đá phiến cuối cùng cũng không trao quyền cho Washington sử dụng dầu mỏ như một công cụ trong chính sách đối ngoại.

Giới quan sát cho rằng, dù thực hiện “lý thuyết trò chơi” hay là dũng cảm trong “cuộc chiến tay đôi” thì vấn đề sẽ được quyết định trong tháng 5 này. Tuy nhiên, nó cũng chỉ thực sự ngã ngũ khi đại dịch Covid-19 đi qua.

Ngày 20/4 sẽ đi vào lịch sử của ngành dầu mỏ thế giới, sau khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 5 giảm còn -40,32 USD/thùng; giá dầu giao tháng 6 giảm 10% còn 22,54% USD mỗi thùng, giao tháng 7 giảm 5%, còn 28 USD mỗi thùng. Như vậy, người bán phải trả người mua 40,32 USD mỗi thùng dầu. May mắn thay, cuối tháng 4, trên thị trường New York, giá dầu giao tháng 5 đã tăng nhẹ, đạt 1,1 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 6 giảm còn 26,13 USD/thùng. Các kho dự trữ dầu Mỹ đang ùn ứ, trong khi chi phí từ việc ngừng khai thác là không hề nhỏ. Theo Reuters, Bộ Năng lượng Mỹ đang trong quá trình cho các công ty dầu khí Mỹ thuê kho chứa 77 triệu thùng trong Kho Dự trữ chiến lược quốc gia để giúp doanh nghiệp trữ dầu thương mại.

Đinh Hoàng Tú