Áp lực thi
Thời điểm này, học sinh cuối bậc THCS và THPT ở các tỉnh, thành phố trên cả nước đang chạy hết công suất để ôn thi vào lớp 10 và tốt nghiệp THPT quốc gia. Nhiều em cho biết luôn ở trong tình trạng “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương” dành mọi thời gian để ôn thi mà vẫn lo lắng.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia giáo dục và tâm lý thì áp lực lớn nhất với nhiều thí sinh lại đến từ kỳ vọng, đòi hỏi của bố mẹ. Điều chúng ta cần quan tâm là sức khỏe và nhân cách của đứa trẻ mà thôi vì việc học vẫn còn kéo dài suốt cuộc đời một người. Nhiều bậc phụ huynh chưa hiểu ra rằng với ĐH hay THPT, việc học chỉ là cánh cửa, còn sự nghiệp và công việc mà mình phù hợp mới là đích đến. Đôi khi người ta chỉ nghĩ đến việc qua cửa, mà không biết cái đích mà mình đang hướng đến là ở đâu, nên mới sinh ra lạc đường.
Tôi từng nghe một học sinh nữ, lớp 12 chia sẻ: Nhiều khi em cảm thấy giống như là mình không thuộc về nơi này, có nhiều áp lực từ nhiều phía, áp lực phải thành công mọi việc, suôn sẻ ở mọi việc, mà mình không đạt được điều đó, mình cảm thấy mình không cố gắng đủ. Thậm chí vài năm trước, một học sinh tên L ở Hà Tĩnh đã tự tử và để lại lá thư tuyệt mệnh. Trong lá thư đó, em kể rằng em có ý định tự tử từ lâu. Bắt nguồn từ việc, em bị bố mắng và đánh khi có kết quả học tập thấp. Em lo sợ mỗi ngày khi bị điểm kém và phải đối mặt với bố. Đây là nỗi sợ luôn rình rập bên em.
Vì vậy, trong quá trình tư vấn cho phụ huynh, ThS tâm lý Đinh Thanh Phương cho biết đã gặp rất nhiều tình cảnh con trẻ ám ảnh việc học vì kỳ vọng của bố mẹ. Có em đến mùa thi là đổ bệnh, sốt, nôn ói, đau bụng… mà đi khám không hề gặp vấn đề gì về thể chất. Nhiều trẻ bị ép học quá nhiều sẽ dẫn đến sự biến đổi tư duy, thậm chí nhân cách của trẻ khi trưởng thành. Còn trước mắt, trẻ có thể dễ bị trầm cảm, nhưng đáng ngại là không phải phụ huynh nào cũng nhận ra.
Còn ThS.BS Phạm Minh Triết, nguyên Trưởng khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP Hồ Chí Minh cho biết, áp lực thi cử- một cụm từ luôn được nhắc tới trong ngành giáo dục hiện nay. Ở nhiều bệnh viện thường tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhi đến khám vì gặp khó khăn trong học tập, có em gặp sang chấn tâm lý vì áp lực học tập. Một trong những lý do thường gặp là do áp lực thành tích học tập từ phía gia đình.
Thành tích học tập đương nhiên là quan trọng, song các chuyên gia y tế và tâm lý đều khuyến cáo, các bậc phụ huynh nên hạn chế việc áp đặt con cái, học cách lắng nghe con nói về những khó khăn và cảm xúc của mình, cùng con thảo luận để đưa ra những mục tiêu phù hợp, đặc biệt đừng đặt gánh nặng thành tích học tập lên vai con. Thời đại đã thay đổi, vấn đề ở đây không phải là bỏ thi cử, thậm chí thi cử cần làm sao để phân loại hơn. Cái cần bỏ ở đây là áp lực lên học sinh từ gia đình và xã hội.