Nhà xe vắng khách

Vân Hằng 11/05/2020 08:00

Sau lệnh giãn cách xã hội được gỡ bỏ, phần lớn vận tải ô tô vẫn trong cảnh xe không, bến vắng. Cùng đó lượng khách tham gia vận tải công cộng bằng xe bus vẫn khá khiêm tốn.

Nhà xe vắng khách

Các bến xe vẫn vắng khách. Ảnh: Minh Sơn.

Trong những ngày đầu gỡ bỏ toàn bộ quy định về giãn cách hành khách trên các phương tiện vận tải hành khách của Bộ GTVT, các bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình, Nước Ngầm… của Hà Nội đã hoạt động trở lại, nhưng đều chung cảnh đìu hiu vắng khách. Có thể thấy lượng khách đi ô tô chưa nhiều, đa phần số xe xuất bến với từ 3-6 hành khách nên không đủ chi phí cho bến bãi, nhiên liệu.

Đáng chú ý, các nhà xe vận tải hành khách liên tỉnh nêu thực tế, nếu theo quy định chỉ được chở 50% số khách trên mỗi xe để phòng chống dịch Covid-19 thì họ đã lỗ nặng chứ chưa nói đến lượng khách giảm mạnh trong giai đoạn này. Họ cho rằng, với việc lỗ như vậy thì DN chỉ có thể chịu đựng được trong khoảng thời gian 2 tháng là quá giỏi, bởi sẽ không còn tiền để đổ xăng dầu chứ chưa nói đến việc trả lương cho lái xe và nhân viên.

Bên cạnh đó, các tuyến xe bus trên địa bàn Hà Nội hoạt động khá nhộn nhịp và chạy tối đa công suất nhưng lượng khách tham gia vận tải công cộng bằng xe bus vẫn khá khiêm tốn và không xảy ra tình trạng quá tải. Kể cả khu vực trung chuyển xe bus nội đô thành phố cũng khá vắng. Điểm chờ xe buýt trên các tuyến phố tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng như: Xuân Thủy, Nguyễn Trãi… lượng sinh viên đi xe bus cũng không quá đông đúc như thời điểm trước dịch bệnh.

Đại diện Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cho biết, theo thống kê, sau khi được phép hoạt động trở lại với 100% công suất kể từ ngày 4 - 5, mỗi ngày, Transerco đã vận hành hơn 10.100 lượt xe trên 77 tuyến và nhánh tuyến. Lượng hành khách trên các tuyến xe buýt nhanh (BRT) của Thủ đô cũng không khá hơn. Mỗi chuyến BRT thời điểm đông nhất cũng chỉ được khoảng 15 - 20 hành khách. Hầu hết nhà chờ BRT đều thưa vắng sau giãn cách vận tải. Do người dân vẫn hạn chế đi lại, một số tuyến buýt liên tỉnh về Hà Nam, Hưng Yên nhận vận chuyển thêm hàng hóa để bù đắp chi phí.

Đánh giá về hoạt động của vận tải ô tô thời điểm này, ông Trần Quang Bình-Vụ trưởng Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) thừa nhận, nhìn chung lượng khách đi lại rất ít, nhiều tuyến chỉ đạt 10% so với ngày thường. Vì vậy, các DN kinh doanh vận tải hành khách đều lỗ nặng. Phía Tổng cục Đường bộ đang cố gắng tìm các giải pháp để hỗ trợ kịp thời cho DN.

Theo ông Bình, Tổng cục Đường bộ yêu cầu Sở GTVT các tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện kê khai, niêm yết giá cước vận chuyển hành khách với cơ quan tài chính địa phương theo hướng phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân, từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh. Hướng dẫn các đơn vị kinh doanh khai thác bến xe chủ động nghiên cứu, xem xét giảm các loại chi phí dịch vụ trong bến xe từ nay cho đến hết năm 2020 để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, giảm chi phí, tăng doanh thu và lợi nhuận để từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh.

“Đã có một số lần đề xuất hiện nay đang hoàn thiện và trình Chính phủ xem xét để hỗ trợ cho DN vận tải cực kỳ khó khăn. Tổng cục Đường bộ cũng yêu cầu Sở GTVT các địa phương chủ động liên hệ, phối hợp với cơ quan thuế, tài chính địa phương và các cơ quan liên quan để đánh giá, thống kê thiệt hại đối với các đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe để đề xuất, kiến nghị Bộ GTVT, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xem xét đưa ra các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn”- ông Bình thông tin.

Bộ GTVT vừa có thông báo kết luận của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tại cuộc họp xử lý kiến nghị của DN liên quan việc giảm phí sử dụng đường bộ, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Đối tượng giảm phí phải là các đơn vị kinh doanh vận tải có phương tiện được các sở GTVT cấp phù hiệu, biển hiệu theo quy định. Thời gian đề xuất hỗ trợ là các tháng 3, 4, 5/2020, có đánh giá tác động đến tháng 6. Trong đó, cần lưu ý mức độ ảnh hưởng của tháng 4 và đánh giá tác động đến hoạt động vận tải hành khách đảm bảo phù hợp thực tế.

Vân Hằng