'Hồi sức' văn hóa nghệ thuật

Minh Quân 11/05/2020 08:00

Sau khi nới lỏng giãn cách xã hội, các hoạt động văn hóa nghệ thuật (VHNT) đang dần trở lại với trạng thái bình thường. Tuy nhiên, hầu hết các đơn vị VHNT sau kỳ “nghỉ Tết” siêu dài này đang phải đối mặt với những bài toán hóc búa về về lao động, việc làm và cả khán giả...

'Hồi sức' văn hóa nghệ thuật

Các lĩnh vực VHNT đang đứng trước những thách thức thời kỳ hậu Covid-19. Ảnh Quang Vinh.

Muôn nẻo gian nan

Theo báo cáo của ngành văn hóa, thời gian qua nhiều hoạt động VHNT phải “đóng băng” do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đang phải chịu những ảnh hưởng và thiệt hại rất lớn. Trong đó tất cả các nhà hát, rạp chiếu phim, bảo tàng, các hoạt động, sự kiện VHNT… phải tạm thời đóng cửa. Chính tác động này đã khiến nhiều nghệ sĩ phải đối mặt với khó khăn khi các show diễn bị hủy bỏ, hoạt động nghệ thuật trì hoãn. Hiện gần 47.000 tổ chức văn hóa nghệ thuật ở Việt Nam, phần lớn là có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, không có nguồn lực tài chính lớn, chủ yếu thuê nhà đất/văn phòng/nhà xưởng từ tư nhân… rất cần có sự trợ giúp từ phía Nhà nước cũng như các tổ chức, cá nhân khác. Cũng với đó các địa phương cũng mất hẳn một “nguồn thu” do phải dừng hẳn khai mạc lễ hội và giảm hẳn các hoạt động lễ hội, đặc biệt là các lễ hội có số lượng lớn người dân và du khách tham gia như Hội Lim (Bắc Ninh), Lễ Khai ấn Đền Trần (Nam Định), Lễ hội Chùa Hương (Hà Nội), Lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh)... Chưa kể, việc dừng tổ chức các hoạt động lễ hội, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ đã ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai thực hiện các mục tiêu, kết quả hoạt động của ngành và nhu cầu tham gia lễ hội, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí của nhân dân.

Có thể thấy, đây là một khoảng thời gian đầy thách thức cho những người làm VHNT. Bởi thực tế mặc dù tình hình dịch bệnh hiện nay đã dần được kiểm soát, những việc phục hồi và trở lại hoạt động ở nhiều lĩnh vực VHNT vẫn trong tình trạng “ngồi chờ”. Đơn cử như lĩnh vực điện ảnh, được khởi động gần như đầu tiên (từ ngày 9/5) nhưng hầu hết các đơn vị vẫn đang hoạt động khá cầm chừng, dè dặt. Hầu hết các cụm rạp đều chiếu các bộ phim vốn được chiếu dở từ hồi cuối tháng 2, đầu tháng 3 trước khi phải đóng cửa để phòng chống dịch Covid-19. Các dự án phim điện ảnh mới dự kiến ra rạp trước đó vẫn đang trong tình trạng “đóng băng” hoặc đã thông báo lùi sang năm 2021. Theo nhà sản xuất Ngô Thị Bích Hiền, những người làm nghề và khán giả ai cũng hào hứng khi rạp chiếu phim mở cửa trở lại. Tuy nhiên, hiện tình hình vẫn còn khá khó khăn và có phần hơi khó đoán khi chưa có phim mới ra rạp nhiều. Nói chung, thị trường phim phải chờ đợi, nghe ngóng thêm tình hình thực tế. Nhưng từ giờ tới cuối năm hy vọng là cơ hội cho các phim Việt Nam ra rạp.

Mới đây, theo khảo sát của Moveek- trang thông tin điện ảnh và phân phối sản phẩm dịch vụ điện ảnh hàng đầu Việt Nam - 75% chủ rạp chiếu phim trong nước được hỏi cho rằng, trở lại hoạt động trong tháng 5 sẽ dần khắc phục được khó khăn thời gian qua. Có 87% chủ rạp dự đoán lượng khán giả sẽ chỉ đạt 30% so với thời điểm trước dịch Covid-19, song vẫn háo hức được mở cửa. Ngoài ra, Moveek cũng đã khảo sát đối với khán giả và kết quả 54,2% số người phản hồi đã sẵn sàng đi xem phim tại rạp; 88,3% số người phản hồi mong đợi có phim hay để thưởng thức hơn là những gói khuyến mại, giảm giá.

Hỗ trợ để hồi sinh

Nhìn nhận về tình hình trên, PGS.TS Bùi Hoài Sơn-Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam chia sẻ: Để vượt qua khó khăn, thách thức trong giai đoạn tới đây, các đơn vị nghệ thuật và các nghệ sĩ sẽ phải nghĩ nhiều hơn đến cách chuyển đổi mô hình hoạt động sang nền tảng trực tuyến, tinh giản nhân lực và tối đa hóa nguồn lực, xây dựng những sản phẩm văn hóa, nghệ thuật mới phù hợp với bối cảnh dịch bệnh cũng như nuôi dưỡng khán giả để chuẩn bị cho giai đoạn hoạt động bình thường hoàn toàn.

Được biết, mới đây Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam có đề xuất giải pháp nhằm “hồi sức” cho lĩnh vực VHNT thời kỳ hậu Covid-19. Trong đó với nhóm các hành động ngắn hạn, ngay lập tức sẽ tiến hành gồm miễn thuế VAT năm 2020 đối với tất cả các tổ chức VHNT. Giảm thuế VAT năm 2021 để các tổ chức VHNT có khả năng bù lại những tổn thất trong năm 2020 do đại dịch Covid-19 gây ra; hoãn nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho tất cả các tổ chức văn hóa, nghệ thuật trong thời gian 6 tháng; miễn thuế thu nhập cá nhân trong hai năm 2020 - 2021 cho các nghệ sĩ, người thực hành văn hóa, nghệ thuật ở Việt Nam; các tổ chức VHNT được hưởng lãi suất ưu đãi đặc biệt cho các khoản vay ngân hàng;...

Còn với các hành động trung và dài hạn trong thời gian tới sẽ tiến hành thành lập Quỹ hỗ trợ VHNT ứng phó với khủng hoảng (nguồn từ ngân sách nhà nước và từ xã hội hóa); xây dựng và thực hiện các chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân thực hành văn hóa - nghệ thuật ở Việt Nam (về quản lý và quản trị VHNT, về khai thác công nghệ thông tin và truyền thông vào hoạt động VHNT...); xây dựng những chương trình có sự hợp tác công - tư dài hơi để tạo điều kiện cho các tổ chức ở khu vực doanh nghiệp và các không gian, nghệ sĩ ngoài công lập có môi trường thuận lợi để sáng tạo và góp phần lớn hơn vào sự nghiệp phát triển bền vững của kinh tế - xã hội và văn hóa đất nước; thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp, tập đoàn lớn, đặc biệt là các tập đoàn về công nghệ thông tin và truyền thông trong hoạt động hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân thực hành VHNT.

Minh Quân