Nghề đồng nát
Xưa, quá buổi sáng nhất là độ ngày ba tháng tám eo óc tiếng gà, hay con gà mái nhà ai đẻ trứng cũng khiến vài nhà điếc tai, đám trẻ con học buổi chiều đã nhấp nhổm ăn cơm sớm, không hẳn là chúng lo đi học mà phần lớn là đói bụng. Nông nhàn, nhiều nhà trong làng người lớn chỉ ăn hai bữa. Bụng dạ réo sôi thế mà nghe tiếng rao: ‘’Ai lông gà, lông vịt dép dựa (nhựa) hỏng bán đê’’. Hoặc: Đồng nát, nhôm nát dép dựa hỏng bán đê… chảy dài thì thật thê lương.
Có thể, chính các bà, các chị cũng không có bữa sáng nên đến giờ cũng đói, khiến tiếng rao thật buồn. Nhiều khi chỉ 1 cái ngõ nhỏ mà liên lục 4-5 người quần thảo, nghe thôi cũng thấy mệt. Lấy đâu ra lắm đồng nát, nhôm nát mà bán cho các bà. Cái soong nhôm thủng cũng còn phải đi hàn lại để dùng chứ có mấy người bán đi đâu.
Ấy là mỗi người từng nghĩ thế, chứ việc của cánh đồng nát thì vẫn phải đi rong kiếm hàng.
Xưa, nhiều làng có nghề đồng nát, dép cũ đổi dép mới, lông gà, lông vịt, tóc rối đổi kẹo… cứ gọi nôm na thế chứ thực chất là nghề thu mua phế liệu. Những làng có nghề này thường là ít ruộng, dân làng chạy chợ thêm kiếm ăn qua độ giáp hạt, hay chi tiêu thêm chứ gia cảnh vẫn trông vào canh nông là chính. Nghề này vất vả, nhiều lúc thấy cũng như đi câu, có khi mua được gánh hàng nặng bán lại thì có lãi chút ít, nếu không phải ngày đen có khi đi cả ngày chẳng mua được món gì thì tính đâu đến lãi lờ. Nghề này phần lớn do các bà, các chị theo, với đôi quang gánh trên vai họ đi đến mòn đường, mòn ngõ dăm xã trong huyện, có khi sang sông đến huyện khác mà thu gom phế liệu, mua lông vịt.
Kim loại bao giờ cũng quý, xưa lại càng quý, đồng, nhôm, sắt, thép đều quý cả. Những đồ đồng chỉ có mặt trong các tư gia khá giả, chính vì thế nó luôn sạch sẽ láng bóng, soi gương được. Những nhà bình dân không mấy khi có đồ đồng trong nhà, nếu có cũng méo duệch, méo doạc. Cánh đồng nát đi bòn đủ loại, từ thủy tinh vỡ cho đến vụn đồng, dây thép, dây nhôm, đôi dép nhựa, hay tấm nilong cũ, giấy, bìa các – tông thôi thì thập cẩm, mua hết, chất cả trong cái thúng cái, cái bao tải dứa, nặng thì gánh về sớm, nếu nhẹ còn đi làng khác, xã khác rao vơ vất cho đến hết buổi mới trở về. Tiếng rao "Ai lông gà, lông vịt, đồng nát, nhôm nát bán đê’’ là cho thuận mồm thôi chứ kì thực đám này chỉ mua lông vịt thôi chứ chẳng bao giờ mua lông gà. Vì nghe nói chỉ lông vịt mới chế được ra sợi len, còn lông gà thì không. Điều này khiến bọn trẻ thường tiếc rẻ, vì mỗi khi nhà có cỗ lông gà nhiều mà chẳng bán được.
Xưa, vịt chỉ có theo mùa, đó là vào dịp hè, nhà nào cũng ăn đôi ba bữa, khi thì vịt luộc, đánh tiết canh, lúc lại xáo măng. Trẻ con vui ra mặt vì vừa được ăn tươi, lại được tiền bán lông. Chỉ chờ người lớn cắt tiết, vặt lông xong là chúng cầm vội cái rá rách ướt rợt để lông vịt chạy ra ngõ đón bà ‘’lông gà, lông vịt’’. Mùa này cánh lông gà lông vịt đi cũng đông, liên tục từ sáng đến tận 3 giờ chiều mà vẫn mua được hàng. Cánh này chờ qua trưa để mua lông vịt của những nhà ăn vào bữa tối, chứ bình thường không phải mùa vịt là chỉ tầm 12 giờ, 1 giờ chiều là họ đã về. Họ về vì như thế để đỡ phải cơm đùm, cơm nắm mang theo, mà cũng đỡ mất tiền quà. Chứ đi lông gà lông vịt thế này mà còn ăn quà nữa có mà hết vốn.
Bọn trẻ con xưa rất hay nhặt nhạnh bán đồng nát, nhiều đứa còn ăn cắp cả nắp vung hay nồi hỏng mẹ nó để cho gà ăn bán lấy tiền. Về bị đánh cho trận đau nó mới thú nhận. Mẹ nó hôm sau chờ cho được bà lông gà lông vịt đến để mắng cho một trận, bắt mai kia phải đem trả, nếu không trả lại ‘’phẫn nồi’’ ấy thì đừng có bén mảng vào ngõ này. Biết phận mình, nhiều bà đồng nát phải đem trả lại vì mua bán với trẻ con đúng là dại. To tiếng qua lại, hàng xóm còn kéo nhau ra xem, mỗi người mỗi câu, còn bảo cấm tiệt đám ‘’lông gà, lông vịt’’ vào ngõ này, vì đi làm suốt, không dụ trẻ con thì cũng lẻn vào nhà người ta nhặt nhạnh, ai biết được. Người rắn mặt không sao, có những chị trẻ tuổi mới đi thu mua khóc tức tưởi. Lại phải có người can mấy cái bà mạnh mồm rằng, người ta đi làm đi ăn chứ có phải ăn cắp đâu, người nọ người kia không nên đánh đồng.
Người làng, mà chủ yếu là bọn trẻ con kiếm được món gì là ngóng, là lớn giọng gọi:
- Lông gà lông vịt ơi! Đồng nát ơi!
Các bà các bị biết ngay là gọi mình, dù gần kín tuần rong ruổi ngõ này bao năm nhưng mấy người biết tên các bà, các chị mà cứ quen gọi như thế. Bọn trẻ con cũng khôn lắm, chúng kháo nhau bà nào mua chặt, không bao giờ bán cho bà ấy, mà luôn chờ bà nào mua lỏng mới bán. Và các bà đồng nát này cũng có nhiều chiêu thu hút trẻ con. Có thể là cái hộp kẹo kéo để trong thúng kia. Cho dù người lớn quát tháo là bẩn, ai lại kẹo để trong thúng đồng nát, lông vịt mà cũng ăn, rồi tay bà ấy gom đồ bẩn lấy kẹo… nhưng bọn trẻ vẫn vây lấy bà ấy mỗi khi có đồ đổi. Bà ấy cầm cái lon sữa bò lên, mở cái túi nilong cũ ra, lấy bó tăm to, rút 1 chiếc, rồi cho vào chỗ kẹo màu cánh gián kia, ngoáy, kéo thành sợi, rồi cuộn lại. Một mùi thơm thoang thoảng lan tỏa, có mùi đường mật, mùi nha, thơm lắm ý, đứa nào cũng nhìn hau háu. Cầm lên tay, đưa lên miệng mút một cái mà mấy đứa chưa đến lượt nhìn theo, có đứa hào phóng cho mỗi đứa chưa đến lượt mút cùng, rất nhanh chỉ đủ thấy vị ngọt dính vào môi, chỉ kịp thấy mùi thơm rồi đã phải truyền sang đứa khác. Có món hời, đổi được mỗi đứa 1 cái kẹo kéo là sướng nhất. Cả bọn ngồi đu đưa mút mút, hít hít rồi lại cầm ra tay xem cái kẹo nhỏ dần, nên sẽ ăn dè. Có lẽ đây là món quà hấp dẫn với đám trẻ con thời khốn khó ấy, khiến ai đã từng ăn sẽ không bao giờ quên hương vị và cái cảm xúc khi viên kẹo dẻo thơm ấy tan trong miệng.
Ngoài kẹo kéo các bà lại có bi, bi ve, bi đất. Những viên bi ve trong suốt, có hình khế 4 múi nhiều màu bên trong luôn có sức hút kì diệu với đám con trai. Chúng thèm viên bi ấy đến mức nhiều khi ’’ thó’’ đồ của nhà hay hàng xóm đi đổi, rồi về cãi bay là bị chó tha. Nhất là vào dịp hè, có viên bi ấy trong tay là mấy thằng đi miết từ trưa đến sẩm tối, khi mẹ gọi về ăn cơm mới thấy đói meo, còn lúc chơi có nghĩ gì đâu. Nhiều bà mẹ tức điên, giằng hòn bi ve ném xuống ao. Nó đau thót tim, biết khó có khả năng đổi được viên bi khác nên lẳng lặng nhặt hòn đá, kiếm 2 cái lọ pe-li-xi-lin xoáy thành hòn bi cái. Chơi bi đá không sướng bằng bi ve, nhưng đành, biết làm sao.
Với bọn con gái, thì những viên bi đất nung sơn các màu luôn hấp dẫn chúng. Cho dẫu những viên bi nặn không đều, nung lên bị méo, sơn màu còn dính vào nhau… nhưng chúng vẫn cố gom từng cái bao tải dứa, dăm cái bao nilong để đổi lấy chục bi, cất trong túi, trong cặp để chơi mỗi ngày.
Các chị các bà đồng nát dép cũ đổi dép mới này cũng khiến các mẹ các chị trong làng mong chứ không phải không. Vì trong 2 cái xảo kia cũng thường có lưng lửng những đôi dép nhựa các màu, trẻ con người lớn, nam nữ đủ cả. Trong khi cửa hàng bách hóa tổng hợp của huyện bán hàng cung cấp cho cánh thoát ly còn chẳng đủ thì lấy đâu cho nông dân mua, nên những đôi dẹp nhựa cánh’’ dép cũ đổi dép mới’’ này cũng thật đắt hàng. Có loại dép nhựa đẹp, nhựa tốt, màu tươi tắn, có loại nhựa tái sinh, mềm oặt, đi vỡ đế, lại chóng đứt. Kiểu dáng dép xưa không nhiều nhưng cũng là đi được, đổi dép mới để ngày lễ ngày tết vợ chồng, mẹ con có dép đi, nhất là cho bọn trẻ có dép đi học. Những đôi dép màu hồng luôn được chọn, nhiều đôi mỏng, đi oặt cả đế nhưng vì chỗ dép cũ không đổi được đôi dầy dặn mà nhiều người cũng đành chọn tạm để đỡ phải các tiền. Các bà, các mẹ thường tính thiệt hơn như thế, vì nhà bao việc phải lo, ma chay hiếu hỉ quanh năm, lại các con ăn học, tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy. Phải công nhận mấy bà đồng nát, lông gà lông vịt hay dép cũ đổi dép mới cũng nhanh nhẹn, chiều lòng khách, có cách để duy trì được nghề dẫu nhiều chặng gian khó.
Quê ngoại tôi bên sông Đáy, người bên sông ít đất ruộng, đất bãi cũng không nhiều, làng bên người ta đi ngược buôn nông lâm sản là chính, còn làng tôi có nghề này. Người làng có giọng nói đặc biệt, tiếng rao cũng khác:
- Lông gà lông vệt (vịt) dép dựa hỏng bán đê!
Nghe thế tôi biết ngay 1 người làng đang tòng teng đôi quang gánh ngoài ngõ. Họ đã đi bộ theo con đê sông Đáy, băng qua những con đường liên huyện, liên xã, qua quốc lộ đẻ xuống đến đây. Chắc phải đi từ tờ mờ sáng nên mới lửng buổi đã đi được quãng đường hơn 10 cây số, lại mua bán suốt các làng đã đi qua. Người trong làng có nghề này từ bao giờ tôi không biết, chỉ thấy, xưa có lần về quê dự cưới, tôi len vào xem chỗ trao quà, món quà mẹ chồng tặng con dâu chính là đôi quang gánh mới, 2 cái thúng cái và hai cái xảo đậy, có dăm đôi dép mới nam nữ, trẻ con các loại, các màu. Mẹ chồng đã ra vốn để dâu về theo nghề đồng nát, dép cũ đổi dép mới…
Tôi nhớ mãi cho đến giờ, khi mà giờ đây làng tôi đã lên phố, dân làng đi tứ xứ và buôn bán nhiều mặt hàng hơn và còn rất ít người theo nghề đồng nát. Tôi cũng nghiệm ra rằng những nếp nhà, bếp lửa, những tổ ấm đã được vun đắp từ những điều nhỏ bé, giản dị, hay một phương tiện mưu sinh. Nhưng hàm chứa trong đó những điều thiêng liêng để người ta gắn bó, đón nhận hạnh phúc và trách nhiệm với những người trong gia đình, dòng họ. Câu chuyện xung quanh gánh đồng nát, lông gà lông vịt, tóc rối đổi kẹo hay dép cũ đổi dép mới cũng thật dài, suốt mấy chục năm, đủ để cho những thế hệ trưởng thành và những làng xã thay đổi. Đủ để bọn trẻ như tôi ngày ấy nhớ và mang theo đến giờ.
Giờ phế liệu nhiều hơn xưa, nghề này cũng còn nhưn đã khác, có xe đạp xe máy thay đôi chân đi bộ và gánh gồng. Khi mua, khi xin được gia chủ, hoặc đổi công lau dọn nhà lấy đồ cũ… thế nhưng mồ hôi vẫn ướt áo, nhọc nhằn cũng chưa vợi. Đúng là lao động nghèo, thời nay cũng không hơn là mấy, có người từ tỉnh xa phải lên thuê trọ, bươn bải cả vài tháng xa nhà không nhìn thấy mặt con cái…
Còn câu chuyện tôi kể là chặng xưa, khoảng thời bao cấp, ở miền Bắc, tôi đã từng chứng kiến.