Lựa chọn cán bộ cho tiền đồ đất nước
Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định “Chúng ta phải xây dựng được một Ban Chấp hành Trung ương- cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng giữa hai kỳ Đại hội Đảng- thật sự là bộ tham mưu chiến đấu, là hạt nhân lãnh đạo chính trị và là trung tâm đoàn kết, thống nhất cao của toàn Đảng, toàn dân tộc. Đây là công việc cực kỳ hệ trọng có quan hệ đến vận mệnh của Đảng, của dân tộc và tiền đồ phát triển của đất nước”.
Quang cảnh phiên khai mạc Hội nghị 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Phần lớn thời gian làm việc của Trung ương tại Hội nghị lần này đều xoay quanh vấn đề nhân sự. Bao gồm: nhân sự của Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII; bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Có hai vấn đề quan trọng liên quan đến công tác nhân sự được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề cập nhiều lần là “tiền đồ” và “vận mệnh” của đất nước. Bởi cán bộ được coi là “then chốt của then chốt”, là “gốc của mọi công việc”. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đặt vấn đề: Phải chăng về tiêu chuẩn Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong thời điểm hiện nay cần nhấn mạnh phải có bản lĩnh chính trị thật vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước và lợi ích của quốc gia - dân tộc; có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, thật sự gương mẫu, không tham nhũng, cơ hội, tham vọng quyền lực, có ý thức giữ gìn và bảo vệ sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, được quần chúng tin cậy, tín nhiệm?
Cùng đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý, trong công tác chuẩn bị nhân sự, phải nhấn mạnh tinh thần trách nhiệm rất cao, thật sự khách quan, thật sự công tâm, trong sáng, gương mẫu chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức, quy chế, quy định của Đảng, đặt sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của dân tộc lên trên hết, trước hết. Kiên quyết chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, bè phái, “lợi ích nhóm”, chạy chức, chạy quyền.
Trong xây dựng Đảng, công tác cán bộ là công tác quan trọng hàng đầu, có vai trò quyết định tới toàn bộ công tác xây dựng lực lượng cách mạng. Vì vậy lựa chọn được cán bộ tài, đức có ý nghĩa quyết định cho sự tồn tại và phát triển của đất nước. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới công tác cán bộ; ở việc “chọn người” và “sử dụng người”. Trong Di chúc, vấn đề đầu tiên được Bác đề cập chính là Đảng. Người căn dặn rằng: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Còn trong tác phẩm nổi tiếng “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Cán bộ là gốc của mọi công việc bởi công tác cán bộ là công việc gốc của Đảng, phải biết cách lựa chọn, sử dụng và không ngừng bồi dưỡng cán bộ để cái vốn quý đó ngày càng to lớn lên theo yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng. Và Người cũng căn dặn: “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng”.
Trải qua gần 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước thu được những thành tựu to lớn. Nhưng không phải vì thế mà không có những hạn chế, khuyết điểm. Kể từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, gần 100 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý đã bị xử lý kỷ luật. Đó thực sự là sự đau xót, là bài học đắt giá trong công tác cán bộ. Ngay thời điểm này, khi cả nước đang chung tay lo chống dịch Covid-19, thì lại xuất hiện một nỗi đau khác về “cán bộ”. Một số cán bộ thoái hóa đã trục lợi từ chính những “đồng tiền xương máu” của người dân thông qua “tâng giá” mua máy xét nghiệm. Vì thế, hơn lúc nào hết, muốn đất nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa thì càng phải tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Muốn vậy “chìa khóa” nằm ở việc lựa chọn cán bộ cho nhiệm kỳ tới.
Trong điều kiện hiện nay, cán bộ, đảng viên giữ nhiều trọng trách thì càng đối mặt với những cám dỗ của tiền bạc, của cải vật chất, quyền lực, lợi ích cá nhân. Vì thế, nếu mỗi cán bộ, đảng viên không tích cực và kiên trì rèn luyện và học tập, e rằng sẽ rất dễ bị thoái hoá, biến chất. Nó cũng đòi hỏi vai trò, trách nhiệm của các tổ chức Đảng trong chọn lọc cán bộ xứng đáng tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, tránh tình trạng cán bộ chín ép.