Doanh nghiệp xếp hàng chờ được hỗ trợ

Thúy Hằng 13/05/2020 07:55

Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cho biết, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp (DN) tiếp cận gói tín dụng hỗ trợ 300.000 tỷ đồng, song họ cũng đang bị quá tải bởi số lượng hồ sơ xin cơ cấu nợ, giãn nợ rất nhiều.

Doanh nghiệp xếp hàng chờ được hỗ trợ

Ngân hàng đang nỗ lực hỗ trợ để doanh nghiệp có vốn phục hồi sản xuất.

Phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định, giới ngân hàng không thiếu tiền, gói 300.000 tỷ đồng hỗ trợ DN đã sẵn sàng. Song, DN muốn vay vốn thì phải chứng minh được vay để làm gì, dự án có thật không, có hiệu quả không, có nguyên liệu đầu vào, có thị trường đầu ra hay không.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Các thành phần kinh tế (NHNN) khẳng định: “Ngân hàng phải hỗ trợ DN. Thực tế, các ngân hàng đang chấp nhận giảm lợi nhuận, giảm lãi vay 0,5-3%/năm để hỗ trợ DN. Thế nhưng, vay vốn ngân hàng, dù lãi suất đã được giảm, DN vẫn phải trả gốc, trả lãi, có nghĩa là phải chứng minh khả năng trả nợ. Hiện nay, một số DN kêu khó tiếp cận vốn, nhưng không có tài sản thế chấp đã đành, lại còn không chấp nhận cho ngân hàng quản lý dòng tiền, không chứng minh được đầu vào, đầu ra, vậy làm sao ngân hàng dám cho vay?”

Ông Hùng chia sẻ, ngành ngân hàng đang hỗ trợ DN, đồng hành chia sẻ với DN, chấp nhận giảm lợi nhuận để hỗ trợ DN, nhưng không phải là hỗ trợ vô điều kiện, cho vay “vô tội vạ”. Nếu cho vay dễ dãi, DN dùng vốn vay để đảo nợ, sử dụng không hiệu quả thì nợ xấu sẽ tăng vọt.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, các ngân hàng đang tích cực thực hiện Thông tư 01/2020/TT-NHNN về cơ cấu nợ, giãn nợ, giảm lãi vay cho DN. Tuy nhiên, số hồ sơ của khách hàng quá lớn trong khi lượng cán bộ ngân hàng không tăng lên, nên chưa thể giải quyết tất cả trong thời gian ngắn.

Ông Thắng nói, số lượng khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cần được hỗ trợ cơ cấu nợ theo Thông tư 01 rất lớn, kèm theo việc phải xử lý, thu thập hồ sơ để đánh giá, thẩm định khi thực hiện cơ cấu nợ, bảo đảm tuân thủ quy định tạo nên những áp lực, gánh nặng rất lớn đối với các tổ chức tín dụng. Đặc biệt là đối với các ngân hàng tập trung vào phân khúc bán lẻ, các khoản vay nhỏ của khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh, khách hàng là DN siêu nhỏ...

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng OCB cho biết, với các ngân hàng bán lẻ, lượng khách hàng rất lớn, đồng nghĩa với hồ sơ xin cơ cấu lại nợ rất nhiều. Để hoàn tất thủ tục cơ cấu 1.000 tỷ đồng dư nợ tín dụng, có khi ngân hàng phải xử lý 2.000 - 3.000 hồ sơ của khách hàng, vì có khách hàng vay 1-2 tỷ đồng, song cũng có khách hàng chỉ vay 200-300 triệu đồng. Số lượng hồ sơ lớn, trong khi theo quy định, chỉ có Ủy ban Cơ cấu nợ của ngân hàng mới được phép phê duyệt hồ sơ được cơ cấu nợ, dẫn tới tình trạng quá tải, hồ sơ ùn ứ.

“Chúng tôi rất thiện chí, hầu hết hồ sơ vay vốn bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đều được cơ cấu lại nợ, gia hạn nợ, giảm lãi tối đa cho khách hàng. Trung bình mỗi ngày, Ủy ban Cơ cấu nợ giải quyết đến 400-500 hồ sơ mà vẫn không xuể. Chúng tôi đang tính tới việc chuyển sang phê duyệt hồ sơ cơ cấu nợ tự động để người ra quyết định cơ cấu nợ có thể phê duyệt cùng lúc cho hàng trăm trường hợp”- ông Tùng cho biết.

Trước đó, ông Phạm Quốc Thanh, Tổng Giám đốc HDBank cũng cho biết, lượng khách hàng gửi đơn xin cơ cấu nợ tại ngân hàng tăng chóng mặt khiến các bộ phận liên quan phải chạy hết tốc lực.

Theo thống kê trong giai đoạn một (tính đến ngày 4/5/2020) của Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng (VPBank) về việc giảm, giãn và gia hạn nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Theo đó, đối với các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch, tổng dư nợ của các khoản cơ cấu lại thời hạn trả nợ là gần 12.000 tỉ đồng, tương ứng với hơn 14.000 trường hợp, và tổng số dư nợ được hỗ trợ giảm lãi suất là gần 33.000 tỉ đồng, tương ứng với hơn 22.000 hồ sơ đã xử lý, với mức lãi suất đã giảm 0,5%-3% mỗi trường hợp. Tính đến ngày 4/5/2020, Ngân hàng đã có tổng cộng hơn 13.000 hồ sơ giải ngân mới tương đương 18.000 tỉ đồng, với lãi suất cho vay trung bình giảm đến 3% so với trước thời gian dịch bệnh để hỗ trợ các khách hàng hiện hữu gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Với phân khúc khách hàng cá nhân và hộ kinh doanh tiểu thương, thời gian vừa qua VPBank cũng song song giải quyết các nhu cầu được giảm, giãn nợ với tổng dư nợ lên tới gần 4.000 tỉ đồng, chiếm hơn 91% tổng số hồ sơ đề nghị hỗ trợ do dịch bệnh.

“Doanh nghiệp không được cơ cấu nợ cứ liên hệ Ngân hàng Nhà nước”

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Các thành phần kinh tế NHNN. Ông Hùng nói, tất cả dư nợ hiện hữu bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đều được cơ cấu nợ, “DN nào không được ngân hàng cơ cấu nợ cứ liên hệ với NHNN, chúng tôi sẽ lập tức xử lý và thông báo trên toàn quốc để làm gương”. Tuy nhiên, DN cũng không nên quá nóng vội. Thông tư 01 mới được ban hành 1 tháng, rất nhiều thủ tục pháp lý phải triển khai.

Thúy Hằng