Hiệp định thương mại tự do EVFTA: Chớp thời cơ để bứt phá
EVFTA được kỳ vọng sẽ mở ra những cơ hội lớn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng như nâng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam vào thị trường châu Âu. Tuy nhiên, song hành với những cơ hội đó là không ít khó khăn, rào cản, thách thức. Vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội đến từ EVFTA ra sao, đó là vấn đề được giới chuyên gia, nhà quản lý quan tâm trước một hiệp định thương mại tự do vô cùng quan trọng này.
Ông Lương Hoàng Thái.
Theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), thị trường EU có yêu cầu rất cao cả về chất lượng sản phẩm cũng như quy trình sản xuất ra sản phẩm hàng hóa. Chính vì thế, khi EVFTA được thực thi, Việt Nam cần hài hòa quá trình cải cách thể chế, thủ tục hành chính hướng đến cách làm mà được quốc tế thừa nhận cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh.
Điều thuận lợi lớn nhất là thị trường EU cùng một khối, nên các quy định về hàng rào kỹ thuật an toàn thực phẩm cơ bản là giống như nhau. Tuy nhiên, điều kiện về kĩ thuật cũng như chất lượng an toàn thực phẩm luôn là yêu cầu tối thiểu bắt buộc được phía EU đặt ra. Với các DN Việt, đây là một trong những rào cản khá lớn. Các DN Việt cần nỗ lực để cải thiện về chất lượng, mẫu mã sản phẩm cũng như rất nhiều yếu tố khác để có thể vượt được những tấm “barie” mà phía đối tác đặt ra, hơn thế nữa còn có thể chinh phục được người tiêu dùng châu Âu. Đã có những DN Việt Nam rất quen thuộc với thị trường EU. Những kinh nghiệm này cần được lan toả ra cho nhiều DN khác để có thể tìm hiểu, đồng thời làm thay đổi quy trình sản xuất để đáp ứng yêu cầu từ phía EU.
“Đó là với DN, còn với nhà quản lý, tôi mong muốn, chúng ta cần hài hòa quá trình cải cách thể chế, thủ tục hành chính hướng đến cách làm được quốc tế thừa nhận, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và tận dụng được cơ hội của Hiệp định quan trọng này”- ông Thái nói.
Ông Lê Đăng Doanh.
Với chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, EVFTA là động lực để đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế. Theo ông Doanh, để chủ động tham gia EVFTA, các ngành sản xuất trong nước cần tập trung vào việc hình thành chuỗi giá trị, góp phần nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa.
“Muốn vậy, tôi cho rằng, cần sớm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường liên kết giữa các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp; hình thành và phát huy hiệu quả các trung tâm hỗ trợ kỹ thuật cho DN cũng như hình thành các cụm liên kết vùng để các ngành hàng trong nước tận dụng thế mạnh và lợi thế trong bối cảnh hội nhập”- ông Doanh nói đồng thời nhấn mạnh rằng, các FTA thế hệ mới như EVFTA hay CPTPP sẽ mở ra những cơ hội mới hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, các DN Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng các cơ hội mở ra từ các FTA này. Điều quan trọng là chúng ta cần đẩy mạnh cải cách hơn nữa, nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế hơn nữa để có thể tận dụng tối đa các cơ hội đến từ những FTA thế hệ mới.
Ông Vũ Tiến Lộc.
Còn theo TS.Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Việt Nam tham gia EVFTA khi nền kinh tế của chúng ta còn đang ở mức trung bình của thế giới (theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới). Như vậy, rõ ràng, muốn vươn lên cạnh tranh với châu Âu, chúng ta sẽ phải cạnh tranh với những nền kinh tế có năng lực cạnh tranh hàng đầu thế giới. Đây là thách thức không nhỏ đối với Việt Nam. Chính bởi vậy, việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm, dịch vụ hàng hóa là yêu cầu đặc biệt quan trọng đối với mỗi DN Việt Nam.
“Tôi cho rằng, các DN Việt trước hết phải tìm hiểu, nắm bắt rõ về các cam kết, thách thức, cơ hội liên quan đến ngành và lĩnh vực của mình để có thể hành động chớp thời cơ ngay khi EVFTA được thực thi”- ông Lộc nói và cho rằng bản thân nỗ lực của mỗi DN là chưa đủ. Để DN có thể nâng sức cạnh tranh, cần phải quay trở về với vấn đề cơ bản nhất của môi trường kinh doanh. Đó là môi trường kinh doanh Việt Nam cần phải tiếp tục có những nỗ lực cải cách mạnh mẽ hơn nữa, cải cách về mọi mặt: thể chế, thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh... để thực sự tạo thuận lợi cho cộng đồng DN, giảm gánh nặng về các loại chi phí cũng như rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính…
Nhà quản lý cần tập trung vào nhiệm vụ xây dựng và tạo điều kiện về thể chế, các DN sẽ hăng hái sản xuất kinh doanh, có những cách thức huy động nguồn lực và sự nghiệp giáo dục đào tạo để thúc đẩy nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, sẽ có cách thức huy động nguồn vốn toàn dân đầu tư có hiệu quả vào cơ sở hạ tầng.
EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với khi chưa có Hiệp định. Xét về tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới, dự kiến kim ngạch của ta sẽ tăng trung bình 5,21-8,17% (cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện), 11,12-15,27% (cho giai đoạn 5 năm tiếp theo) và 17,98-21,95% (cho giai đoạn 5 năm sau đó).