Chẩn đoán và điều trị từ xa: Hiệu quả cao và tiết kiệm chi phí
Khám chữa bệnh từ xa mang lại nhiều lợi ích, trong đó có việc nâng cao hiệu quả điều trị. Người bệnh, đặc biệt ở những nơi vùng sâu, vùng xa… sẽ sớm được tiếp cận với các dịch vụ y tế theo nhu cầu. Cơ sở y tế và đội ngũ y bác sĩ có thể nhanh chóng tiếp nhận thông tin và tư vấn trực tuyến về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân một cách kịp thời, chính xác, nâng cao cơ hội và hiệu quả điều trị.
Việc khám chữa bệnh từ xa mang lại nhiều lợi ích, trong đó có việc nâng cao hiệu quả điều trị.
Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vừa tổ chức chương trình truyền hình trực tuyến khám chữa bệnh từ xa-Telehealth. Tại chương trình này, các chuyên gia đã tập trung vào chuyên đề “Cập nhật các tiến bộ trong điều trị sỏi mật”; đồng thời tổ chức hội chẩn trực tuyến 6 ca lâm sàng. Trước đó, vào ngày 7/5 BV ĐH Y Hà Nội cũng đã triển khai chương trình tư vấn khám chữa bệnh từ xa Telehealth cùng 8 BV tham gia và bổ sung thêm 2 BV mới so với lần khám trực tuyến dịp cuối tháng 4. 8 ca bệnh khó đã được các bác sĩ hội chẩn để có hướng điều trị phù hợp.
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, nền tảng hỗ trợ tư vấn, khám chữa bệnh từ xa (Telehealth) sẽ xóa nhòa ranh giới trình độ của các đơn vị còn chưa được nâng cao về chuyên môn. Hiện chúng ta đang khám chữa bệnh theo phương pháp truyền thống và vẫn cần tiếp tục duy trì phát huy. Telehealth sẽ là một công cụ hỗ trợ. Nó không thể thay thế tuyệt đối, nhưng sẽ hỗ trợ cho hệ thống y tế. Hiệu quả rõ nhất là giảm tỉ lệ bệnh nhân đi từ nhà đến bệnh viện cơ sở. Giảm tỉ lệ chuyển tuyến từ bệnh viện cơ sở đến bệnh viện trung ương. Đặc biệt là giảm tỉ lệ tái khám của người bệnh.
Cũng theo PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu, tất cả các bệnh lý không lây nhiễm đều có thể khám được, nhưng để bệnh nhân có thể không cần đến gặp bác sĩ thì cần có những trường hợp cụ thể. Nếu như bệnh nhân đang điều trị ổn định, chẩn đoán rõ ràng và có những thông số theo dõi bằng Telehealth ổn định thì có thể được nghe tư vấn và tiếp tục điều trị từ xa. Còn những trường hợp chẩn đoán khó, thì hiện nay bệnh nhân vẫn cần phải đến bệnh viện để được chẩn đoán chính xác.
Còn tại các đầu cầu, các BV địa phương sẽ nhập các dấu hiệu lâm sàng và cận lâm sàng của bệnh nhân và upload hình ảnh kết quả chụp chiếu của bệnh nhân lên hệ thống để các chuyên gia trên xem trước. Tại trung tâm điều hành khám bệnh từ xa, các giáo sư, bác sĩ đầu ngành, các chuyên khoa trực sẵn để kết nối, giải đáp và hướng dẫn tuyến dưới thực hiện công tác khám, chẩn đoán, điều trị cho người bệnh. Các chuyên gia đầu ngành sẽ tiếp nhận dữ liệu, các hình ảnh, kết quả của bệnh nhân qua hệ thống màn hình. Có thể trực tiếp chiếu hình ảnh bệnh nhân trong trường hợp có các triệu chứng thực thể cần đánh giá rõ như: Phù chân/mặt, xuất huyết da/niêm mạc…
Dựa vào các dữ liệu và quan sát trực tiếp (nếu có), các chuyên gia sẽ hướng dẫn tuyến dưới cách khám, siêu âm, chụp chiếu, lên phác đồ… Nếu trực tuyến với người bệnh, bác sĩ sẽ trao đổi với người bệnh về các triệu chứng lâm sàng hiện tại, xem lại các kết quả cận lâm sàng từ đợt khám trước và tư vấn cho người bệnh dùng thuốc, cách điều trị, dặn dò người bệnh và hẹn lịch tái khám.
Theo đánh giá, việc khám chữa bệnh từ xa mang lại nhiều lợi ích, trong đó có việc nâng cao hiệu quả điều trị. Người bệnh, đặc biệt ở những nơi thuộc vùng sâu, vùng xa… sẽ sớm được tiếp cận với các dịch vụ y tế theo nhu cầu. Cơ sở y tế và đội ngũ y bác sĩ có thể nhanh chóng tiếp nhận thông tin và tư vấn trực tuyến về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân một cách kịp thời, chính xác, nâng cao cơ hội và hiệu quả điều trị.
Sắp tới, căn cứ hiệu quả của mô hình thí điểm này, Bộ Y tế cùng Bộ TT&TT sẽ phối hợp mở rộng quy mô mô hình khám chữa bệnh từ xa tại các tỉnh và thành phố khác, giúp người dân trong cả nước, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng nghèo khó… không bị gián đoạn trong chăm sóc sức khoẻ trong và sau dịch Covid- 19.