Trận chiến trên nửa sông Bạch Đằng?
Một dự án làm đường vào bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng vừa được triển khai. Nhiều người vui mừng vì thêm một dấu tích mới về trận chiến năm 1288 chống quân xâm lược Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng.
Một con đường đang được thi công vào bãi cọc Cao Quỳ.
Trong khi đó, lại có ý kiến cho rằng, bãi cọc Cao Quỳ và bãi cọc khác ở Thủy Nguyên, Hải Phòng chưa chắc là bãi cọc được sử dụng trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông.
Lịch sử giữ nước của Việt Nam trước giặc ngoại xâm phương Bắc đều hiển hách. Các cuộc chống quân Nam Hán, quân Tống, quân Nguyên Mông, quân Minh, quân Thanh đều ghi những dấu ấn vang dội. Nếu có thể kể một cuộc chiến chống giặc phương Bắc khiến cả thế giới thán phục có lẽ không trận nào hơn trận thủy chiến năm 1288 chống quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ 3.
Tại sao lại là trận thủy chiến năm 1288? Bởi vì quân Mông Nguyên khi đó đã bành trướng một địa bàn rộng lớn từ Đông Âu đến biển Nhật Bản, diện tích lãnh thổ lên tới 24.000.000 km2 và thống trị 100 triệu dân. Lúc đó không có con số thống kê, nhưng dân số Đại Việt chắc chỉ hơn triệu người, với diện tích nhỏ hẹp, phía Nam chỉ đến tỉnh Hà Tĩnh ngày nay.
Với một đội quân Mông Nguyên tinh nhuệ, hùng mạnh như vậy, nếu không có đấu pháp đúng đắn và uyển chuyển, chắc chắn Đại Việt sẽ bị nghiền nát trong một ngày. May sao, lúc đó người tổng chỉ huy quân đội nước Đại Việt là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Bằng kế sách lấy yếu đánh mạnh, lấy sở trưởng thắng sở đoản của giặc, quân dân Đại Việt đã thắng lợi giòn giã. Trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng đã đánh tan đội quân xâm lược trong một thời gian rất chóng vánh.
Kế sách lợi dụng nước thủy triều và cắm cọc gỗ trên sông Bạch Đằng để đánh giặc không phải năm 1288 quân dân Đại Việt mới nghĩ ra. Lịch sử còn ghi trận chiến năm 938 của Vua Ngô Quyền đánh quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng cũng bằng mưu kế cắm cọc gỗ xuống lòng sông. Các sử gia đều chép đây là trận thủy chiến cắm cọc gỗ đầu tiên trên sông Bạch Đằng. Thế trận cắm cọc gỗ trên sông Bạch Đằng lần thứ hai là thời vua Lê Đại Hành đánh quân nhà Tống năm 981.
Tại sao đã hai lần giặc phương Bắc bị thế trận bãi cọc đánh cho tan tác mà chúng vẫn chủ quan, vẫn mắc mưu?
Chắc chắn là bởi vì thế trận chuẩn bị ngày một chu đáo hơn, cách thức khiêu khích, tính toán dòng thủy triều ngày một chi tiết hơn hẳn các trận trước.
Đội quân Mông Nguyên hùng mạnh hơn hẳn các đội quân trước đây, do đó, mật độ cọc cũng phải được cắm dày hơn. Ngoài lòng sông chính Bạch Đằng, có lẽ cọc cũng được cắm ở các nhánh sông khác, hoặc kể cả trên bờ, nơi địa hình thuận lợi để những thủy binh có thể bơi, lội vào sau khi thuyền chiến bị đánh đắm.
Bãi cọc gỗ ở thị xã Quảng Yên tỉnh Quảng Ninh được phát hiện từ năm 1953. Người dân ở đây gọi sông Bạch Đằng là sông Rừng. Từ “Rừng” cũng dùng để chỉ chợ và bến phà nơi đây (Phà Rừng, Chợ Rừng…). Và trong quần thể di tích đến nay vẫn còn sót lại hai cây lim cổ thụ gần ngàn năm tuổi. Có lẽ vì vậy nên nhiều nhà khoa học, người dân nghĩ rằng chỉ có bãi cọc gỗ bên Quảng Yên tỉnh Quảng Ninh mới là nơi diễn ra trận đánh ác liệt trên sông Bạch Đằng. Tính đến nay, ở Quảng Yên đã phát hiện 3 bãi cọc gồm: Bãi cọc đầm Nhử, Yên Giang (phát hiện từ năm 1953 đến năm 1958), Bãi cọc đồng Vạn Muối (phát hiện năm 2005) và Bãi cọc đồng Má Ngựa (phát hiện năm 2009). Ba bãi cọc này nằm trong quần thể di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt.
Với bãi cọc bên kia sông Bạch Đằng, mãi đến ngày 1/10/2019 mới phát hiện. Ông Nguyễn Văn Triệu là nông dân xã Liên Khê trong quá trình đào đất trồng cau ở khu vực Mả Dài, thuộc cánh đồng Cao Quỳ đã phát hiện hai cây gỗ nằm cách bề mặt chừng 0,5 - 0,7m. Đồng thời, trước đó trong quá trình đào huyệt ở khu vực nghĩa địa, nằm về phía Bắc - Tây Bắc khu vườn cau, người dân cho biết có gặp phải những cọc gỗ lớn. Đến cuối năm 2019, theo đề nghị của Bảo tàng Hải Phòng và Phòng VHTT huyện Thủy Nguyên, Đoàn khảo sát do TS Lê Thị Liên, Hội Khảo cổ học làm Trưởng đoàn khảo sát hiện trường phát hiện cọc. Tiếp đó, Đoàn khảo sát do TS Nguyễn Gia Đối, Q.Viện trưởng Viện Khảo cổ học làm Trưởng đoàn đã đến hiện trường khảo sát lần 2. Đợt khảo sát này phát hiện 9 đầu cọc. Kết quả giám định C14 cho niên đại từ các năm 1270-1430. Dựa trên kết quả 2 lần khảo sát, Sở VHTT TP Hải Phòng có văn bản đề nghị Bộ VHTTDL cho phép Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng khai quật di tích cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên. Trong thời gian gần một tháng, Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng tiến hành khai quật bãi cọc cánh đồng Cao Quỳ với diện tích gần 1.000m2 với 3 hố khai quật; phát hiện 27 cọc. Các cọc xuất lộ bị gãy phần đầu, gỗ màu đỏ sẫm, rắn chắc mà theo người dân địa phương đây có thể là loại gỗ sến nhựa và lim.
Các cọc phân bố so le, không thẳng hàng, cách nhau theo chiều đông tây khoảng 5-7m, chiều bắc nam 3,5-5m; kích thước các cọc không đều nhau, loại nhỏ 10-18cm, loại lớn 28- 32cm, cá biệt có cọc có đường kính 37- 40 cm... Căn cứ vào địa tầng của các hố khai quật có thể đoán định khu vực xuất lộ cọc là một bãi bồi ven sông, bị phủ lấp qua thời gian. Các cọc xuất lộ trong lớp bùn xám có thể được chôn, đóng xuống lớp bùn đen lẫn cát hoặc xuyên qua cả sinh thổ. Trên các cọc có “ngoạm” dùng để luồn dây kéo. Đối với cọc lớn hơn thì “ngoạm” này dùng để gắn thanh gỗ làm bè để dễ dàng di chuyển. Kết quả xác định niên đại C14 của cọc gỗ 3 (hiện lưu giữ tại đình Làng Mai) cho thấy cọc này có niên đại từ các năm 1270 – 1430.
Đến ngày 9/2/2020, người dân lại phát hiện ở khu Đầm Thượng, thôn 11, xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng một bãi cọc gỗ. Và Viện Khảo cổ lại tiếp tục vào cuộc.
Một số người có ý kiến rằng: Chưa rõ bãi cọc ở cánh đồng Cao Quỳ và Lại Xuân có phải là bãi cọc trong trận chiến Bạch Đằng năm 1288 không? Vì nó nằm sâu trong cánh đồng? Điều này nếu nhìn vào bãi cọc ở Yên Giang ở Quảng Yên, Quảng Ninh thì cũng ở cánh đồng, cách ngã ba sông Chanh và sông Bạch Đằng tới 400 m. Vì vậy, có ý kiến phân tích, phải chăng, bãi cọc ở Cao Quỳ có thể là một phần của trận địa năm 1288, nhằm mục đích chặn đường tiến của quân giặc vào khu vực sông Giá, buộc quân địch phải đi theo sông Đá Bạc để tiến vào Bạch Đằng?.
Có một điều chắc chắn rằng: Sông Bạch Đằng phải có hai bờ. Bờ tả và bờ hữu. Trong khi đánh nhau, không nhà quân sự nào nghĩ như một người quản lý chính quyền hay văn hóa ở một địa phương như bây giờ là chỉ cắm cọc ở một địa phương, một bờ mà để bờ kia trống. Vì vậy, bên Quảng Ninh có bãi cọc và đã được xếp hạng di tích rồi thì không nhất thiết bên Hải Phòng không được công nhận bãi cọc là di tích lịch sử?