Mọi hoạt động của các bên ở Biển Đông không được Việt Nam cho phép đều vô giá trị

M.Loan 14/05/2020 17:36

Nói về việc 2 máy bay quân sự của Trung Quốc hoạt động tại đá Chữ Thập ngày 11/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định, mọi hoạt động tại đây không được sự cho phép của Việt Nam đều vô giá trị.

Mọi hoạt động của các bên ở Biển Đông không được Việt Nam cho phép đều vô giá trị

Hình ảnh đá Chữ Thập nhìn qua vệ tinh.

Chiều 14/5, tại họp báo Bộ Ngoại giao, được đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam về việc máy bay do thám của Trung Quốc xuất hiện ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định thêm một lần nữa: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động của các bên tại hai quần đảo này mà không có sự cho phép của Việt Nam đều vô giá trị. Trong bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay, Việt Nam đề nghị các bên không có hành động làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông”.

Cũng liên quan đến vấn đề này, trả lời câu hỏi về việc hàng trăm tàu tân binh và tàu cá của Trung Quốc đang tập trung tại một số đá như Đá Ba Đầu, Ánh Đất và Bộ Ngoại giao có nhận định gì về diễn biến này, bà Hằng cho biết: Chúng tôi luôn theo sát các hoạt động trên Biển Đông và cho rằng, hoạt động của các nước cần tuân thủ các quy định liên quan của luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền và quyền lợi hợp pháp của các quốc gia ven biển, đóng góp vào hòa bình an ninh và ổn định tại Biển Đông.

Mọi hoạt động của các bên ở Biển Đông không được Việt Nam cho phép đều vô giá trị - 1

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trả lời về phản ứng của Việt Nam trước hoạt động vi phạm chủ quyền của Trung Quốc tại đá Chữ Thập.

Liên quan đến tình hình dịch bệnh Covid-19 và đề nghị sớm nối lại đường bay giữa hai nước của đại diện doanh nghiệp Hàn Quốc tại cuộc đối thoại với Thủ tướng hôm 9/5, bà Lê Thị Thu Hằng cho hay: Nhằm ngăn ngừa lây lan dịch bệnh Covid-19, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đã có một số điều chỉnh quy định xuất nhập cảnh. Việt Nam đánh giá cao sự thông hiểu và mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp chặt chẽ của cộng đồng quốc tế trong việc triển khai các biện pháp này. Việt Nam sẽ theo dõi sát tình hình dịch bệnh ở Việt Nam cũng như trên thế giới để có những điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.

Tại họp báo, trả lời hãng tin Pháp AFP về số hàng khẩu trang mà Việt Nam viện trợ cho Pháp trong dịch Covid-19, bà Hằng thông tin: Để thể hiện tinh thần đoàn kết, hữu nghị, gắn bó giữa hai nước Việt Nam và Pháp, Chính phủ Việt Nam đã viện trợ cho Pháp 110 nghìn khẩu trang đại chúng để hỗ trợ nhân dân Pháp trong phòng, chống dịch Covid-19. Bên cạnh đó, các hiệp hội, tổ chức, doanh nghiệp và địa phương trong nước đã ủng hộ khoảng 265 nghìn khẩu trang các loại cùng một số bộ quần áo bảo hộ, kính bảo hộ và găng tay. Trong số này, theo tôi được biết có khoảng có 190 nghìn khẩu trang y tế và 75 nghìn khẩu trang đại chúng. Tất cả số khẩu trang này đều là khẩu trang được viện trợ và tặng.

Về tình hình của bệnh nhân số 91 (phi công người Anh), bà nói: “Với tinh thần nhân đạo, trong thời gian vừa qua Việt Nam đã tập trung và nỗ lực điều trị cho nhiều bệnh nhân nước ngoài và đa số trong số này đã được điều trị khỏi bệnh và trở về nước. Riêng với bệnh nhân là phi công người Anh, do có bệnh lý nền nên có chuyển biến xấu. Tuy nhiên, tôi tin tưởng rằng với nỗ lực cao nhất, các cơ quan y tế Việt Nam với các chuyên gia bác sĩ giỏi nhất Việt Nam sẽ tập trung điều trị và cứu chữa cho bệnh nhân người Anh”.

Đối với việc bảo hộ công dân Việt tại nước ngoài, như tại Nga, hay như các thủy thủ đang làm việc cho các hãng tàu nước ngoài ở ngoài khơi, bà Hằng khẳng định lại một lần nữa: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài đã dành ưu tiên cao nhất cho công tác bảo hộ công dân, thường xuyên giữ liên hệ và nắm thông tin từ cộng đồng người Việt cũng như các cơ quan sở tại, cập nhật tình hình sức khỏe, giải đáp những thắc mắc của người Việt về những điều chỉnh trong chính sách xuất nhập cảnh của nước sở tại cũng như của VN cũng như các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Đối với các công dân VN được xác định nhiễm bệnh, các cơ quan đại diện VN chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng sở tại, yêu cầu tạo điều kiện chăm sóc y tế tích cực, đồng thời phối hợp với cộng đồng có các hình thức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ phù hợp.

Bên cạnh đó, do sự khác biệt về quy định và thực tiễn xét nghiệm, điều trị giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ cũng như có một số quy định của điều lệ y tế quốc tế, trong nhiều trường hợp, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài không được cơ quan y tế sở tại thông báo về các ca nhiễm bệnh. Mà các cơ quan y tế sở tại trao đổi thông tin qua kênh chuyên môn với các cơ quan y tế của Việt Nam như quy định của điều lệ y tế quốc tế.

* Nói về phản ứng của Việt Nam trước việc Lào định xây đập thủy điện thứ 6 trên dòng chính của sông Mê Kông trong năm nay? Bà Hằng cho biết: Là quốc gia ở hạ du, Việt Nam rất quan tâm đến tác động xuyên biên giới và lũy tích của các công trình thủy điện trên dòng chính của sông Mê Kông. Chúng tôi đã nhiều lần nêu rõ các quốc gia có lợi ích chính đang trong sử dụng tài nguyên nước sông Mê Kông để phát triển, đồng thời cũng phải có trách nhiệm chung trong việc bảo vệ bền vững nguồn nước sông Mê Kông. Việc phát triển các công trình thủy điện trên dòng chính của sông Mê Kông cần đảm bảo không gây các tác động tiêu cực, bao gồm các tác động xuyên biên giới đến môi trường, đời sống kinh tế - xã hội của các nước ven sông, nhất là các nước ở hạ nguồn, theo đúng thông lệ quốc tế và các quy định của Ủy hội sông Mê Kông quốc tế. Việt Nam luôn mong muốn và sẵn sàng chung tay và hợp tác với các nước ven sông Mê Kông trong việc sử dụng bền vững và hiệu quả nguồn nước sông Mê Kông để bảo đảm hài hòa lợi ích của các nước ven sông, vừa không có tác động tiêu cực đến đời sống của người dân trong khu vực.

Thời gian gần đây Việt Nam phản ánh tại một số địa phương ở Việt Nam, người nước ngoài, đặc biệt người Trung Quốc lập xóm, phố… khiến người dân Việt Nam lo ngại. Vấn đề này cũng được quan tâm trên một số diễn đàn của Trung Quốc, Trung Quốc lo lắng đây có phải là một cuộc bài xích người Trung Quốc ở Việt Nam hay không, trong đó doanh nghiệp Trung Quốc bày tỏ bất an. Chính phủ Việt Nam nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao trả lời: Lập trường nhất quán của Chính phủ Việt Nam là Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam đảm bảo các điều kiện về lao động làm việc an ninh, an toàn cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động nước ngoài cũng như các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Về vụ việc tàu ngư dân của Việt Nam bị đâm chìm trong khu vực vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia, 4 ngư dân của Việt Nam bị mất tích, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết, sau khi nhận được thông tin, Bộ Ngoại giao đã giao thiệp và trao công hàm cho Đại sứ quán Indonesia tại Hà Nội đề nghị các cơ quan chức năng Indonesia tích cực tìm kiếm, cứu nạn các nạn nhân bị mất tích; đối xử nhân đạo đối với các nạn nhân, các ngư dân trên tàu bị bắt giữ; điều tra làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân gây ra vụ chìm tàu dẫn đến thiệt hại về người và của của ngư dân Việt Nam. Đề nghị phía Indonesia cẩn trọng, kiềm chế, xử lý các vụ việc tàu cá, ngư dân trên tinh thần nhân đạo. Các lực lượng chức năng của hai nước tăng cường hợp tác trong việc chia sẻ thông tin, xử lý các vụ việc phát sinh; phối hợp giải quyết những vấn đề liên quan đến ngư dân, tàu cá của Việt Nam trên tinh thần nhân đạo, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế, quan hệ đối tác chiến lược và cùng là thành viên trong cộng đồng ASEAN. Theo chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia cũng đã giao thiệp với các cơ quan chức năng sở tại để xác minh thông tin; đồng thời tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết. Ngày 5/5, Đại sứ quán tiến hành thăm lãnh sự, các ngư dân bị tạm giữ và cho biết, tình hình các ngư dân này trong tình trạng sức khoẻ và tinh thần ổn định.

M.Loan