Xử lý nghiêm doanh nghiệp thao túng giá thịt lợn
Thủ tướng Chính phủ vừa tiếp tục yêu cầu đưa thịt lợn hơi xuống 60.000 đồng/kg trong tháng 5, đồng thời lưu ý kiểm tra giá thành lợn hơi tại các doanh nghiệp, nếu có hiện tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh để thao túng giá thì thực hiện xử lí nghiêm, kịp thời.
Ảnh minh họa.
Theo ghi nhận, giá lợn hơi ngày 14/5 ở các tỉnh phía Bắc dao động trong khoảng 94.000 - 95.000 đồng/kg và nguồn cung đang khan hiếm. Cụ thể ở Bắc Giang đã đạt 95.000 đồng/kg. Tại Thái Nguyên, giá lợn hơi cũng đạt 95.000 đồng/kg. Các tỉnh Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nam đều ghi nhận mức giá 95.000 đồng/kg, cá biệt có một số nơi loại đẹp được thương lái trả 96.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá lợn hơi ở Tuyên Quang, Phú Thọ đạt bình quân 90.000 - 93.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tại Vĩnh Phúc đạt 95.000 đồng/kg.
Ở phía Nam, giá lợn hơi cũng vẫn theo chiều hướng tăng. Theo Sở NNPTNT Đồng Nai, tổng đàn trên địa bàn tỉnh hiện đạt hơn 2 triệu con, chăn nuôi trang trại hiện chiếm trên 90% tổng đàn, chăn nuôi hộ nhỏ lẻ chiếm dưới 10% với 6.150 hộ chăn nuôi. Việc tái đàn, tăng đàn của Đồng Nai chủ yếu ở các trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi lớn. Đa số các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn e ngại tái đàn do giá giống và các chi phí khác tăng cao.
Như vậy, ở cả 2 miền, giá lợn hơi tiếp tục đà tăng, nhiều địa phương đã tiến sát mốc 100.000 đồng/kg. Trong khi đó, thông báo kết luận của Thủ tướng vừa yêu cầu tiếp tục đưa giá lợn hơi về mức 60.000 đồng/kg.
Theo đó, để kiểm soát tốt giá thịt lợn trong thời gian tới, trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc thị trường và các qui định, Thủ tướng yêu cầu triển khai các giải pháp, tập trung đảm bảo nguồn cung và kiểm soát các khâu trung gian, lưu thông trên thị trường. Các bộ liên quan có giải pháp sớm đưa giá lợn hơi giảm về mức khoảng 60.000 đồng/kg phấn đấu ngay trong tháng 4, đầu tháng 5 gắn với việc bảo đảm lợi ích hợp lí, hài hòa giữa người sản xuất, khâu phân phối và người tiêu dùng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch tái đàn cụ thể, tổ chức chăn nuôi theo từng vùng, từng khu vực chăn nuôi (doanh nghiệp, hộ gia đình) với lộ trình cụ thể, thời gian theo từng tháng để sớm đảm bảo nguồn cung đáp ứng đủ nhu cầu trong nước ngay đầu quí III. Theo dõi, tổng hợp, phân tích và đưa ra số liệu cụ thể về dự kiến lượng thịt (đủ tiêu chuẩn xuất chuồng theo qui định để giết mổ, cung cấp ra thị trường) trong từng tháng để từ đó chủ động có phương án điều hòa cung - cầu thịt lợn.
Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn thực hiện đúng cam kết về giảm giá bán heo hơi và việc cung ứng số lượng lợn hơi. Kiểm tra giá thành lợn hơi tại các doanh nghiệp, nếu có hiện tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh để thao túng giá thì thực hiện xử lí nghiêm, kịp thời và yêu cầu giảm giá theo đúng tinh thần chỉ đạo.
Cùng với việc kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, tái đàn hợp lí, chăn nuôi an toàn, có biện pháp nhập khẩu đủ số lượng thịt còn thiếu để bổ sung cho đến quí III, không để thiếu nguồn cung trong mọi trường hợp. Kiểm soát giá đầu vào mặt hàng thức ăn chăn nuôi, có giải pháp bình ổn giá, nghiên cứu đưa mặt hàng thịt lợn vào danh mục bình ổn giá.
Tuy nhiên, ở góc nhìn chuyên gia, TS. Nguyễn Đức Thành, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách phân tích: Việc áp đặt giá bán của DN chăn nuôi hay hệ thống phân phối như vậy là gây thiệt hại cho DN, còn người tiêu dùng vẫn phải ăn thịt đắt như bình thường. Bởi thịt lợn cũng giống như các mặt hàng khác, nguồn cung khan hiếm chi phối giá cả. Hệ thống phân phối cũng góp phần làm cho giá thịt đến tay người tiêu dùng tăng cao.
Theo TS. Thành, nếu tác động quá mạnh vào khâu phân phối sẽ làm giảm động lực phân phối, càng khiến cho giá tăng cao. Do đó, hãy để thị trường tự vận hành. Nhà nước có thể giảm bớt sự căng thẳng về nguồn cung bằng các chính sách hỗ trợ nông dân tái đàn, khuyến khích DN nhập khẩu thịt lợn để tăng nguồn cung trong nước.
Từ đầu năm tới nay, nguyên nhân khiến giá thịt lợn cố thủ ở mức cao đã được các bộ, ngành, chuyên gia phân tích là do hậu quả của dịch tả châu Phi khiến nguồn cung thịt thiếu hụt, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Giải pháp gốc rễ để kiềm chế giá thịt lợn, như khẳng định của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, là bên cạnh nhập khẩu thịt lợn thì đẩy mạnh tái đàn, tăng đàn. Tuy nhiên, hiện tốc độ tái đàn vẫn chậm. Bởi vậy giá thịt lợn chưa thể giảm ngay như mong muốn.
Ông Lê Xuân Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty C.P cho biết, giá lợn hơi doanh nghiệp đang bán vẫn duy trì ở mức 70.000 đồng một kg (chưa tính VAT). Trong khi đó, tại các đầu mối nhỏ lẻ, giá lợn hơi đang bị đẩy lên khá cao. Nhiều thương lái tại các địa phương cho biết, nếu mua với mức giá 70.000 đồng một kg thì không có hàng. Do đó, giá lợn hơi ở nhiều địa phương lên 93.000-96.000 đồng một kg và chưa có dấu hiệu giảm.