Mỹ muốn khép lại 'bầu trời mở'
Những động thái liên tiếp của Mỹ trong việc có thể đơn phương rút khỏi Hiệp ước “Bầu trời mở” (Open Skies - OST) đang là một đe dọa với Nga và nhiều nước châu Âu. Giới quan sát đang theo dõi sát sao tình trạng đổ vỡ OST bất cứ lúc nào.
Máy bay ném bom chiến lược Nga tuần tra biển Barents, Na Uy và Bắc Hải.
Phản đối từ bên trong
Theo the Guardian, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Espe và Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo cho biết nhiều khả năng Mỹ sẽ rời khỏi Hiệp ước OST sau các đồn đoán. Trước đó, các nhà lãnh đạo châu Âu và các chuyên gia kiểm soát vũ khí từng cảnh báo rằng các nỗ lực giảm nguy cơ chiến tranh bằng các tính toán sai lầm thông qua Hiệp ước.
Thông tin cũng cho biết Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper đã đồng ý về chủ trương rút khỏi Hiệp ước và dự kiến Nhà Trắng sẽ sớm đưa ra thông cáo thể hiện ý định, trước khi thông báo chính thức trong vài tháng tới. Theo thỏa thuận, việc rút khỏi Hiệp ước sẽ có hiệu lực từ thời điểm 6 tháng sau khi một thành viên thông báo.
Trong khi đó, tờ The Hill cũng dẫn lời một quan chức ẩn danh thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận Chính phủ nước này đang trong quá trình xem xét lại chi phí và lợi ích liên quan đến việc tham gia Hiệp ước. Vào giữa tháng 12 năm ngoái, tờ Wall Street Journal sau đó đưa tin, Tổng thống Donald Trump đã ký một văn kiện cho thấy ý định của Mỹ muốn rời khỏi Hiệp ước OST. “Quyết định của Tổng thống Trump rút khỏi OST có thể vì các chi phí, lợi ích và an ninh” – tờ này nhận định.
Cuối tháng 4, sau khi nhiều thông tin về việc Mỹ xem xét rút khỏi Hiệp ước OST, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định rằng quyết định này vừa được đưa ra tại Washington và chính quyền Nga tin vào đánh giá này là chính xác.
Việc chính quyền Tổng thống Trump có ý định và hành động dẫn đến rút khỏi OST đang vấp phải sự phản đối của chính các cựu lãnh đạo cấp cao Lầu Năm Góc và lưỡng viện nước này. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Elliot Engel cho hay, ông quan ngại về những thông tin nói rằng, chính quyền của Tổng thống Donald Trump có thể rút khỏi Hiệp ước OST.
Trong bức thư gửi Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Robert O’Brien, ông Engel lo ngại: “Tôi quan ngại sâu sắc về những thông tin nói rằng, Chính quyền Trump đang cân nhắc rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở và hối thúc mạnh mẽ ông phản đối một hành động liều lĩnh như vậy”.
Nga, châu Âu lo lắng
Hiệp ước Bầu trời mở - OST được ký kết tại Phần Lan ngày 24/3/1992 và có hiệu lực từ năm 2002, cho phép các nước do thám phi vũ trang trên không phận của nhau để thể hiện sự minh bạch về quân sự. Dù hiện có 35 nước tham gia, nhưng Hiệp ước chủ yếu được Nga và phương Tây vận dụng để bay do thám trên không phận của nhau.
Theo các chuyên gia, nếu Mỹ rút khỏi Hiệp ước OST thì sẽ mất quyền thực hiện các chuyến bay giám sát trên lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, Nga sẽ vẫn có thể thực hiện các chuyến bay trên các căn cứ quân sự Mỹ ở châu Âu.
Mặc dù vậy, phát biểu với tờ Kommersant, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko từng tuyên bố, việc Mỹ có khả năng rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở sẽ giáng một đòn đối với an ninh châu Âu. Khi được hỏi Nga sẽ phản ứng thế nào nếu Mỹ rút khỏi Hiệp ước này, Thứ trưởng Grushko nêu rõ: “Chúng tôi sẽ đưa ra quyết định dựa trên lợi ích quốc gia. Dù ở bất cứ trường hợp nào, chúng tôi có thể nói rằng đây sẽ lại là đe dọa vào nền an ninh chung của châu Âu”.
Giới quan sát cho rằng, châu Âu không thể nối bước Mỹ ra khỏi Hiệp ước Vì Hiệp ước có giá trị tăng thêm và là công cụ đảm bảo sự tin tưởng và minh bạch. “Đây là điều quan trọng cho các nước châu Âu phải chuẩn bị. Đối với họ, hiệp ước có nhiều giá trị và sẽ có lợi nếu tiếp tục duy trì các chuyến bay giám sát trên lãnh thổ của Nga. “- ông Andreas Persbo, Giám đốc nghiên cứu của ELN cho biết.
Trước đây ít ngày, một tuyên bố chung của 16 cựu chỉ huy quân đội và Bộ trưởng Quốc phòng đã về hưu của nhiều quốc gia châu Âu cho rằng Hiệp ước OST là mấu chốt cần thiết duy trì ổn định giữa các siêu cường hạt nhân.
“Cùng với 34 thành viên, bao gồm Mỹ, Nga và phần lớn là các quốc gia châu Âu, Hiệp ước đa phương này bao gồm 1517 thông báo ngắn và các cam kết không vũ trang. Hiệp ước tăng cường tính minh bạch và dự đoán quân sự, xây dựng lòng tin và sự tự tin đồng thời tăng cường hiểu biết lẫn nhau”- tuyên bố nêu rõ.