GS Ngô Huy Quỳnh: Người đặt nền móng cho kiến trúc Việt

Minh Quân 15/05/2020 07:40

Ngày 15/5, tại Hà Nội, Hội Kiến trúc sư (KTS) Việt Nam và Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam phối hợp cùng gia đình GS.KTS Ngô Huy Quỳnh tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông.

GS Ngô Huy Quỳnh: Người đặt nền móng cho kiến trúc Việt

GS. KTS Ngô Huy Quỳnh (ngồi) trong ngày nhận Huân chương Độc lập.

GS.KTS Ngô Huy Quỳnh sinh ngày 15/5/1920 trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước. Ông là sinh viên khoa cuối cùng của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương – một ngôi trường nổi tiếng ở Việt Nam và Đông Dương lúc bấy giờ, đã đào tạo ra những tên tuổi tiêu biểu của nền hội họa và mỹ thuật của Việt Nam.

Ngay từ khi còn là sinh viên, Ngô Huy Quỳnh đã thể hiện tinh thần cách mạng và lòng yêu nước cháy bỏng. Sống trong chế độ thực dân phong kiến, ông luôn tìm mọi cách để bày tỏ tiếng nói của một trí thức trẻ. Ông sớm liên hệ với các nhà cách mạng tên tuổi như Trường Chinh, Trần Huy Liệu, Trần Đình Long để tìm hiểu về các hoạt động cách mạng và chịu ảnh hưởng sâu sắc về con đường giải phóng dân tộc. Là một sinh viên nhưng ông còn viết báo, cổ động cho nền văn hóa dân tộc, kêu gọi sinh viên trí thức trở về với bản sắc truyền thống.

Sau khi tốt nghiệp (năm 1943), trở thành KTS, ông chính thức tham gia Việt Minh và được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn hóa cứu quốc. Cách mạng tháng Tám thành công, ông tham gia lập chính quyền cách mạng tại thành phố Nam Định. Ngày 1/9/1945, ông trực tiếp thiết kế và chỉ đạo lắp đặt Lễ đài Độc lập tại Quảng trường Ba Đình. Công trình này được hoàn chỉnh trong vòng một ngày. Tháng 10/1945, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong kháng chiến chống Pháp, ông lên Việt Bắc, tham gia công tác xây dựng cơ bản. Năm 1951, ông là một trong 21 cán bộ Việt Nam đầu tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng cử sang Liên Xô học tập để sau này trở về xây dựng, phát triển đất nước ở nhiều lĩnh vực.

Trong lĩnh vực kiến trúc, ngay từ thời sinh viên, Ngô Huy Quỳnh đã ghi dấu ấn khi thiết kế và hướng dẫn xây dựng nhiều công trình nhà ở, biệt thự tại các phố Nguyễn Du, Cao Ðạt (Hà Nội), ở Nam Ðịnh, Ðình Bảng (Bắc Ninh)… lập quy hoạch trung tâm Quảng trường Ba Đình, Nhà Quốc hội… Sau khi được đào tạo ở Liên Xô, trở về nước, GS Ngô Huy Quỳnh để lại dấu ấn đậm nét với những nghiên cứu lý luận, lịch sử kiến trúc Việt Nam; một người đi tiên phong trong nghiên cứu, thiết kế nhà ở của các đồng bào dân tộc, nhà cổ truyền, nhà trình tường… GS Ngô Huy Quỳnh cũng được nhắc nhớ với vai trò là một thầy giáo, người đã đào tạo ra nhiều lớp KTS ở Việt Nam, tiêu biểu nhất là ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Theo KTS Nguyễn Tấn Vạn- Chủ tịch Hội KTS Việt Nam: Nhớ đến GS Ngô Huy Quỳnh là nhớ đến một KTS gắn bó với sự nghiệp quy hoạch đô thị – nông thôn, với quy hoạch Thủ đô (1960), quy hoạch thành phố Khang Khay (Lào). Nhớ đến ông là nhớ đến một KTS tiên phong và gắn bó với xây dựng nông thôn, từ việc nghiên cứu, thiết kế nhà ở của đồng bào dân tộc, nhà cổ truyền, nhà tường trình mà ngày nay tài liệu để lại của ông vẫn còn hơi nóng của cuộc sống cho người hành nghề, giảng dạy. Nhớ đến ông là nhớ đến một nhà nghiên cứu lý luận, lịch sử kiến trúc. Những cuốn Thử tìm hiểu lịch sử Kiến trúc Việt Nam còn giá trị cho việc biên soạn Lịch sử Kiến trúc Việt Nam vừa xuất bản. Nhớ đến ông là nhớ đến một người làm báo sắc sảo, từ khi còn là sinh viên đã viết những bài bình luận phê phán quan điểm nghệ thuật tư sản đến khi là Tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc – Hội KTS Việt Nam với những định hướng phong phú cho hoạt động Kiến trúc... “Tôi rất vinh dự thay mặt Chính phủ đến tại giường bệnh trao cho ông Huân chương Độc lập, ghi nhận những cống hiến của ông cho đất nước, và rất hạnh phúc ký văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội đặt tên ông tại một đường phố của Hà Nội”- KTS Nguyễn Tấn Vạn bày tỏ.

Cũng tại buổi Lễ kỷ niệm, gia đình GS Ngô Huy Quỳnh ra mắt cuốn sách “Kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh” với 500 bản in, dày 164 trang gồm ba phần. Trong đó, phần thứ nhất giới thiệu những bài viết về GS Ngô Huy Quỳnh. Đó là các bài viết có tính chất tổng hợp về sự nghiệp cách mạng, hoạt động chuyên môn; cảm phục nhân cách một trí thức tài năng, đức độ. Hoặc ngược dòng thời gian, chúng ta sẽ tìm lại được hình ảnh ông qua những trang viết về chân dung người thiết kế lễ đài Độc lập ngày 2/9/1945. Phần thứ hai giới thiệu 100 bức họa của GS Ngô Huy Quỳnh thuộc nhiều chất liệu như sơn dầu, màu nước, than chì, sơn mài… nhưng nhiều nhất là bằng chất liệu sơn dầu. Phần thứ ba là những thông tin về biên niên tiểu sử cuộc đời, những công trình khoa học của GS Ngô Huy Quỳnh. Ngoài ra còn có thêm rất nhiều ảnh tư liệu được bố trí, sắp đặt cẩn thận, là tư liệu tham khảo quan trọng cho những ai muốn tìm hiểu về lịch sử cuộc đời ông cũng như lịch sử ngành kiến trúc Việt Nam.

Cũng nhân dịp này, tại Hội KTS Việt Nam diễn ra Lễ khai mạc Triển lãm trưng bày hơn 30 bức tranh của GS Ngô Huy Quỳnh. Như cách nói của Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam- Lương Xuân Đoàn: “Nét gọi nét tinh tế, sang nhã, hàn lâm mà vẫn thân gần cùng đĩa màu chân quê của căn cốt Việt...”. Triển lãm sẽ kéo dài đến hết 17/5/2020.

Minh Quân