Tăng phí BOT và câu chuyện hài hoà lợi ích

Cẩm Thuý 15/05/2020 08:00

Trong kiến nghị vừa gửi Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp BOT do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ Giao thông vận tải có đề cập đến việc tăng phí BOT, một việc đáng lẽ đã phải làm vì trong hợp đồng BOT theo Thông tư 159 của Bộ Tài chính, lộ trình tăng phí của các dự án BOT là 3 năm/lần, mức tăng từ 12-18% tùy theo phương án tài chính.

Có hàng loạt lý do được đưa ra để minh chứng cho sự khó khăn của các doanh nghiệp BOT và việc cần phải tăng phí để cứu các doanh nghiệp BOT vào thời điểm này. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế và đời sống nhân dân vừa mới bắt đầu thiết lập trở lại trạng thái bình thường, việc tăng phí BOT (vốn đã là những dự án gây nhiều bức xúc) mà chỉ tính đến quyền lợi doanh nghiệp là đẩy thêm khó khăn về phía người dân.

Tăng phí BOT và câu chuyện hài hoà lợi ích

Tăng phí BOT vào thời điểm này chẳng khác gì đẩy bức xúc về phía nhân dân.

Sở dĩ bấy lâu, theo thông tin của Bộ Giao thông vận tải, việc tăng phí BOT theo lộ trình chưa được thực hiện như đã ghi trong hợp đồng là bởi vì theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 35 ban hành năm 2016, các dự án BOT chưa tăng phí và giãn thời gian thực hiện thu mức phí tối đa để ổn định kinh tế vĩ mô. Đến nay Bộ Giao thông vận tải đang quản lý 61 dự án BOT, trong đó có 1 dự án đang xây dựng, 60 dự án đang khai thác. Tuy nhiên, đến hết năm 2019 có 45 dự án doanh thu thực tế thấp hơn so với dự báo trong phương án tài chính của hợp đồng BOT. Nguyên nhân chủ yếu khiến các dự án BOT giảm doanh thu được nêu ra gồm: Giảm giá vé cho các xe ở lân cận trạm thu phí, giảm giá vé theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 35, sự gia tăng các xe sử dụng vé tháng, vé quý, vé năm và lưu lượng xe qua trạm thu phí ở một số tuyến thấp hơn so với dự báo. Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải – cụ thể báo Tuổi trẻ dẫn lời Thứ trưởng Nguyễn Nhật - cho rằng, các doanh nghiệp BOT gặp rất nhiều khó khăn khi phải bổ sung kinh phí để trả nợ ngân hàng theo kế hoạch và các ngân hàng đã có ý kiến về nguy cơ phải cơ cấu lại thời hạn trả nợ, chuyển nhóm nợ đối với các khoản vay đầu tư BOT. Hơn nữa, trong khi các khó khăn có sẵn đó chưa được giải quyết, thì từ đầu năm 2020, dịch Covid-19 làm các doanh nghiệp BOT thêm khốn đốn do lượng xe giảm mạnh, doanh thu teo tóp. Điều này dẫn đến một con số thống kê khác, là đến hết ngày 22/4/2020, có tới 58 dự án BOT doanh thu thực tế thấp hơn so với doanh thu dự toán, trong đó 17 dự án doanh thu thực tế chưa đạt 50%...

Tôi, với tư cách một công dân, vốn nhìn lượng xe qua lại các trạm BOT trên khắp cả nước mỗi ngày và nhìn các dự án BOT nở rộ thời gian qua, nếu không đọc những thông tin này, không hình dung nổi việc doanh nghiệp BOT hoá ra lại khốn đốn (doanh thu thấp ngay cả khi chưa bị ảnh hưởng bởi Covid-19). Do đã có hợp đồng thoả thuận về việc tăng phí theo lộ trình theo Thông tư 159 của Bộ Tài chính, tôi cũng không bàn ở đây việc có được tăng phí BOT hay không (đã là điều khoản trong hợp đồng với doanh nghiệp thì chắc là phải thực hiện), tuy nhiên, có nên tăng phí BOT vào thời điểm này không lại là câu chuyện đáng bàn.

28 ngày sau khi không có ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, nếu bây giờ đặt ra câu hỏi, có ai hoặc có cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức nào không bị ảnh hưởng bởi đại dịch, có lẽ, không cần phải có một cuộc điều tra xã hội học, chúng ta đều có thể có ngay câu trả lời. Không ai, không cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức nào nằm ngoài vòng xoáy của đại dịch. Tất nhiên, có người bị ảnh hưởng nhiều, có người bị ảnh hưởng ít, có ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, có ngành đỡ hơn. Một cuộc sống mới đang bắt đầu được thiết lập lại. Một nền kinh tế đang hồi phục. Nếu như chúng ta đã đoàn kết, đồng lòng chống dịch, thì ở giai đoạn vừa chống dịch vừa hồi phục kinh tế và đời sống này, nếu mỗi người, mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp lại chỉ kêu khó về phần mình, ai cũng thấy cần được ưu tiên hỗ trợ thì nền kinh tế sẽ càng thêm khó khăn.

Có thể các doanh nghiệp BOT đúng là đang khó khăn, nhưng vào thời điểm này, khó khăn là khó khăn chung. Các doanh nghiệp vận tải cũng gặp khó khăn, mỗi gia đình có phương tiện tham gia giao thông cũng đang khó khăn. Tăng phí BOT vào thời điểm này chẳng khác gì đẩy bức xúc về phía nhân dân.

Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt vừa mới chia sẻ với báo chí rằng chính phẩm chất tằn tiện, dành dụm, thắt lưng buộc bụng của người Việt Nam sẽ giúp cho nền kinh tế của chúng ta hồi phục. Cũng như trong những lần khủng hoảng kinh tế trước đây, nông dân và nông nghiệp đã trở thành bệ đỡ cho cả nền kinh tế.

Sẽ chắc chắn không chỉ có doanh nghiệp BOT kêu khó, nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp đều đã và đang kêu khó. Tăng phí BOT vào thời điểm này là tạo ra tiền lệ để nhiều ngành, nhiều loại hình sản xuất, kinh doanh đòi tăng phí, tăng giá. Và hậu quả là dồn gánh nặng lên vai những người dân vốn đang tằn tiện, thắt lưng buộc bụng để tự vượt qua khó khăn.

Có lẽ, vào lúc này, không chỉ đối với dự án BOT mà trên tổng thể của cả nền kinh tế vào giai đoạn phục hồi, bài toán muôn thuở là hài hoà lợi ích Nhà nước – người dân – doanh nghiệp lại phải được tìm ra lời giải.

Cẩm Thuý