Tranh chấp thương mại gia tăng
Theo Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam và Trung tâm Hòa giải Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid - 19. Đặc biệt, có nhiều doanh nghiệp tính đến chuyện khởi kiện doanh nghiệp khác vì thực hiện không đúng với hợp đồng ban đầu.
Đại diện Công ty Vận tải Hưng Phúc cho hay, vì ảnh hưởng của dịch bệnh vừa qua nên hợp đồng vận chuyển bị gián đoạn, hoặc tạm ngưng vận chuyển theo quy định giãn cách xã hội của Chính phủ một thời gian ngắn. Kết quả, hàng đến chậm vài ngày so với hợp đồng liền bị doanh nghiệp thuê vận chuyển trừ tiền, như vậy có đúng không? Tương tự, một doanh nghiệp vận tải khác cũng thắc mắc, trong điều kiện bất khả kháng như dịch bệnh vừa rồi mà hợp đồng vận chuyển chưa thực hiện thì đơn vị có được miễn trách nhiệm giao chậm hay không?
Liên quan đến việc phải bồi thường hợp đồng thương mại, không ít doanh nghiệp dệt may chia sẻ, thời gian qua doanh nghiệp thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu do các nước thông báo họ đang trong tình trạng bị phong tỏa. Chính vì khó khăn nguồn cung nguyên liệu trong việc triển khai đúng thời gian thực hiện hợp đồng đã ký, các doanh nghiệp dệt may băn khoăn, mất nguồn cung ứng nguyên liệu sản xuất dệt may, không thể sản xuất có thể xem là bất khả kháng hay không?
Luật sư Nguyễn Trung Nam – Chủ tịch Viện Trọng tài Anh – chi nhánh Việt Nam thông tin, có ba trường hợp để xem xét tranh chấp thương mại trong tình hình dịch bệnh. Thứ nhất, đánh giá tác động của dịch Covid - 19 đối với hợp đồng để xem có ảnh hưởng không. Thứ hai, nếu bị ảnh hưởng phải thông báo ngay, đồng thời phải chứng minh được sẽ tiếp tục thực hiện hợp đồng. Trường hợp thứ ba, bị ảnh hưởng nhưng đã thực hiện các biện pháp liên quan đến việc đòi bất khả kháng không? Luật sư Nam cho biết, vừa qua có tiếp nhận tranh chấp hợp đồng về du lịch. Theo đó, công ty nước ngoài chuyển một số tiền nhất định cho công ty Việt Nam thực hiện một số chương trình cho khách nước ngoài đi tour du lịch. Khi dịch Covid – 19 xảy ra nên khách du lịch không qua được. Vậy câu hỏi đặt ra, công ty du lịch Việt Nam có thể cầm tiền và không thực hiện theo hợp đồng trước đó được không? Còn phía công ty du lịch nước ngoài ấm ức, khóc than vì mất tiền mà không được gì.
TS. Đỗ Văn Đại – Trường Đại học Luật TP HCM cho rằng, trong dịch bệnh thì giao dịch có thể không thực hiện được vì những điều kiện bất khả kháng. Để có thể tránh tranh chấp thương mại, các bên đều có thể thỏa thuận hoặc vận dụng cơ chế trong hợp đồng xem có thuộc điều kiện bất khả kháng không.
“Tôi được biết, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân có đưa ra kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ về điều kiện bất khả kháng từ dịch bệnh để doanh nghiệp có thể được hưởng. Nếu như dịch Covid – 19 được xem là bất khả kháng thì không biết bao nhiêu hợp đồng tranh chấp thương mại được đưa ra. Lúc đó tòa án và trọng tài sẽ có nhiều việc hơn nữa” -TS. Đỗ Văn Đạt nói.
Đồng cảm với những khó khăn mà doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh song TS Trần Du Lịch – chuyên gia kinh tế khẳng định: “Không có nước nào tuyên bố Covid – 19 là bất khả kháng để giảm trừ trách nhiệm. Tôi nghĩ, nên xét từng việc riêng bằng cách rà soát lại hợp đồng chứ không thể áp chung được. Chưa kể kinh doanh đòi hỏi sự chuẩn bị những phương án thực thi và khắc phục hậu quả. Đơn cử, có nhiều doanh nghiệp dệt may khẳng định, họ dự trữ nguyên liệu hết tháng 5 hoặc tháng 6”.
Theo Trung tâm Hòa giải Việt Nam, Trung tâm thật sự chia sẻ với doanh nghiệp và đã quyết định giảm phí trọng tài 20% từ ngày 1/4 đến hết ngày 31/6, phí hòa giải cũng giảm 20% đến hết năm.