100% các trường ĐH đạt kiểm định chất lượng: Đến bao giờ?
Một trong những điểm mới của Luật Giáo dục đại học (ĐH) sửa đổi 2019 là trường ĐH học không được tiếp tục tuyển sinh nếu chưa kiểm định chất lượng. Tuy nhiên, đến nay cả nước vẫn còn gần 100 trường ĐH chưa được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở đào tạo theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Nguyên nhân do đâu?
Kiểm định chất lượng là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục ĐH.
Tốt khoe, xấu che?
Theo Luật Giáo dục ĐH sửa đổi, trước khi khóa đầu tiên tốt nghiệp, các trường phải đánh giá chất lượng của chương trình đào tạo; ngay sau khi khóa đầu tiên tốt nghiệp, chương trình đào tạo phải được kiểm định.
Trường hợp không đánh giá, kiểm định (hoặc kết quả đánh giá, kiểm định không đạt yêu cầu), các trường phải cải tiến, nâng cao chất lượng để đảm bảo chuẩn đầu ra; không được tiếp tục tuyển sinh ngành đó cho đến khi đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng.
Tuy nhiên, trên thực tế thống kê của Cục Quản lý chất lượng Bộ GDĐT, tính đến ngày 30/4, chỉ có 143 trường ĐH, 8 trường cao đẳng đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở đào tạo theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Vậy gần 100 trường ĐH chưa được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục thì sao?
Trước hết, theo các chuyên gia, nhìn vào số lượng chương trình đào tạo, cơ sở giáo dục được kiểm định của Việt Nam có thể thấy tỷ lệ bị trượt rất thấp. Một trong những lý do là các trường có xu hướng ưu tiền kiểm định những chương trình có sẵn nền tảng tốt, đã được đánh giá đồng cấp và có đủ điều kiện đánh giá ngoài. Tức là các trường đã tự đánh giá nội bộ và cơ bản thấy đạt rồi mới triển khai các quy trình đánh giá ngoài.
Đối với những chương trình đào tạo còn yếu hay các cơ sở giáo dục chưa đạt yêu cầu chất lượng sẽ chưa muốn tham gia kiểm định chất lượng là tâm lý chung của các trường. Chỉ khi nào trường tự rà soát và thấy “ổn” rồi mới đưa chương trình đi đánh giá để tránh việc bị trượt “sẽ rất mang tiếng” với người học, với xã hội.
Nhưng nói như PGS Nguyễn Hoàng Hải- Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, kiểm định không đơn thuần dừng ở việc cấp một cái giấy chứng nhận đạt chuẩn về chất lượng. Kiểm định nhằm mục đích giúp các cơ sở giáo dục nhận diện được các điểm mạnh, điểm yếu của mình một cách chi tiết, cụ thể. Từ đó, đề xuất các giải pháp, hàm ý để cơ sở giáo dục cải tiến chất lượng.
Mạnh tay xử phạt
TS Vũ Thị Phương Anh- Giám đốc đảm bảo chất lượng giáo dục Tập đoàn Nguyễn Hoàng cho rằng hiện nay chính sách khen thưởng, xử phạt sau đánh giá của chúng ta vẫn chưa đủ mạnh. Bằng chứng là chưa có trường nào bị đóng cửa, khiến tác động của kiểm định chất lượng hạn chế.
Còn TS Lê Viết Khuyến cho rằng: “Chúng ta không chỉ quan tâm đến các trường đã đạt kiểm định hay chưa mà cần xem xét ở cả khía cạnh từng chương trình của trường ĐH được đánh giá, công nhận. Con số này vẫn còn khá khiêm tốn, 222 chương trình của 31 trường. Cần nâng cao số chương trình đạt chất lượng để người học có căn cứ chọn ngành học chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn đầu ra”- TS Lê Viết Khuyến lưu ý.
Đánh giá về việc kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục ĐH của Việt Nam, ông Mai Văn Trinh- Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) cho rằng những năm gần đây các trường ĐH đã có chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức đối với vấn đề kiểm định chất lượng. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần có những giải pháp để giải quyết một số khoảng trống trong hoạt động kiểm định. Như hệ thống quản lý chất lượng bên trong chưa hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là yếu tố con người làm công tác kiểm định. Hoạt động kiểm định chất lượng mới chỉ tập trung nhiều vào việc đánh giá các chương trình, hoạt động đào tạo truyền thống, chưa chú trọng đánh giá các chương trình đào tạo phi truyền thống (đào tạo từ xa, liên kết đào tạo…).
Hướng tới 100% các cơ sở giáo dục ĐH được kiểm định chất lượng vào năm 2020, coi kiểm định chất lượng là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, Bộ GDĐT đang tích cực xây dựng các công cụ với đầy đủ các tiêu chí, tiêu chuẩn để kiểm định chương trình đào tạo phi truyền thống… Đồng thời củng cố đầu tư nguồn lực cho hệ thống kiểm định tại các trường ĐH trong đó, nguồn lực con người là quan trọng nhất.
TS Phạm Thị Ly- ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh đề xuất cần tăng cường tính minh bạch và công khai thông tin ở các trường. Khi bắt buộc các trường phải công khai thông tin của họ với toàn xã hội thì việc giám sát nhà trường sẽ thuận lợi hơn.