Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020): Sử dụng người vì công việc chứ không vì tư lợi

H.Vũ 16/05/2020 08:00

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh: Đạo đức là “cái gốc” của người chiến sĩ cách mạng. Đức là gốc, luôn làm cho tài năng phát triển, người thực sự có đức bao giờ cũng khiêm tốn, chịu khó học tập, phấn đấu nâng cao tài năng của mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng giao cho.

Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020): Sử dụng người vì công việc chứ không vì tư lợi

Chủ tịch Hồ Chí Minh phê duyệt kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953 - 1954, đồng thời quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ (ngày 6/12/1953). Ảnh tư liệu.

Về cách sử dụng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thiếu tướng Lê Văn Cương- nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Công an) cho rằng: Với tư cách là người lựa chọn cán bộ, yêu cầu quan trọng nhất của Bác là cán bộ phải có nhân cách, trí tuệ và phẩm chất trong sáng. Cuộc đời của Bác trong sáng như gương, không một chút tư lợi nên Bác đã lựa chọn và sử dụng cán bộ rất giỏi. “Tất cả hiền tài trong nước cũng như đang sinh sống ở nước ngoài đều được Bác quy tụ và sử dụng. Trong lúc việc lựa chọn cán bộ rất khó khăn; làm sao chọn được đúng cán bộ phát huy được sở trường, rồi lựa chọn được những người không phải là đảng viên vào các vị trí lãnh đạo của đất nước. Đó chính là “nghệ thuật” dùng người của Bác”- ông Cương nói.

Thiếu tướng Cương kể: Bác có tầm nhìn thấu về cán bộ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một giáo viên dạy sử, nhưng Bác phát hiện ra trong con người Đại tướng có khả năng thao lược quân sự nên sử dụng Đại tướng vào vị trí đó. Đó chính là tài trí của của Bác. Hay như sử dụng ông Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Lê Duẩn... cũng thể hiện tài trí và tầm nhìn của Bác khi nhìn thấy khả năng thực tế và sự phát triển trong tương lai của cán bộ. Không chỉ nhìn thấu con người, Cụ Hồ còn có lòng tin với con người, từ đó đặt người đúng chỗ vì công việc chứ không vì tư lợi gì.

Theo GS Mạch Quang Thắng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói rằng: Dụng nhân như dụng mộc, người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong đều tùy chỗ mà dùng được. Người ta không phải là thần tài, phải biết “dùng chỗ tài mà hạn chế chỗ dở”; “chớ bảo người thợ mộc đi rèn dao, người thợ rèn đi đóng tủ”, phải “đặt đúng người đúng chỗ, xem chuyên môn sở trường người ta thế nào trình độ quản lý ra sao, có người chuyên môn rất giỏi nhưng không biết quản lý thì chỉ làm chuyên môn.

Điều GS Thắng tâm đắc là việc Cụ Hồ còn dùng người không phải đảng viên, nhưng đã thu hút được lòng yêu nước của họ, hướng họ công việc rất hiệu quả. Ai có tài, thực tâm xây dựng đất nước thì Cụ Hồ đều mời gọi. Một lần không được thì Cụ mời lại lần nữa. Cứ thế, cuối cùng họ nhận lời. Đó chính là cách vời gọi người tài của Bác.

Theo ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương trong sử dụng cán bộ. Dù có thể người đó không phải đảng viên nhưng được Bác sử dụng và giao cho những trọng trách. Bởi, Người xác định có lòng yêu nước, thương dân mới là điều quan trọng, chứ không cứ phải là thành phần giai cấp công nhân, hay nông dân mới sử dụng. Ông Hùng cho rằng chính nhờ đó mới đoàn kết được toàn dân tộc.

Cũng theo ông Hùng, cách dùng người phù hợp, lựa chọn người vừa “hồng” vừa “chuyên”, có “tâm”, có “đức” của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất cần được nghiên cứu một cách sâu sắc để vận dụng vào sự nghiệp cách mạng nước nhà. “Ông Vũ Kỳ, thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh từng kể với tôi, Bác rất tinh trong dùng người, chứ không phải chỉ nghe báo cáo của tổ chức rằng “cho ai vào” mà Bác có nhiều cách chọn người. Cụ rất khắt khe, quan sát hành vi, xem xét chọn cán bộ rất kỹ. Nếu nội bộ mất đoàn kết, phần tử cơ hội, nhóm lợi ích thì làm sao hai cuộc kháng chiến thành công”- ông Hùng nói.

Với PGS.TS Bùi Đình Phong (Viện Hồ Chí Minh và lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), Bác Hồ để lại chúng ta một tư tưởng về cán bộ và công tác cán bộ. Hai vấn đề quan trọng nhất đối với công tác cán bộ là chính sách cơ chế và cá nhân tự tu dưỡng. Công tác cán bộ phải có cơ chế chính sách, cơ chế, chính sách tốt nhưng cơ chế chính sách là do con người đặt ra. Bản thân con người mà xấu, cố tình phá hoại cố tình xuyên tạc thì không có cơ chế chính sách nào có thể trụ được. Cho nên cá nhân cán bộ phải tu dưỡng.

H.Vũ