Những tấm lòng cao cả: Tấm gương soi chiếu nhiều chiều
Lời từ chối của nhiều người không nhận hỗ trợ để nhường cho người khác khó khăn hơn mình như một câu chuyện ý nghĩa để chúng ta khám phá thêm vẻ đẹp nội tâm của mỗi con người. Trò chuyện với Đại Đoàn Kết, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng, đó là những con người bình dị, dù vẫn đang phải chật vật với cuộc mưu sinh nhưng họ dám sống và sống có trách nhiệm với cộng đồng. Họ chính là tấm gương soi chiếu nhiều chiều để đội ngũ cán bộ thấy được trách nhiệm của mình với nhân dân, đất nước.
Đã gần hai tháng trôi qua, kể từ khi Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam kêu gọi Toàn dân tham gia ủng hộ phòng chống dịch Covid-19, từng đoàn người vẫn tìm về Mặt trận để trao gửi tấm lòng. Bà Trương Thị Ngọc Ánh cũng như các thành viên trong Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam chưa có một ngày ngơi nghỉ. Trong cái oi nồng của nắng đầu mùa, buổi trò chuyện của chúng tôi được thực hiện xen kẽ giữa hai cuộc tiếp nhận ủng hộ nhưng nữ Phó Chủ tịch của UBTƯ MTTQ Việt Nam đã mang đến một niềm vui mát lành, đó là tấm lòng và niềm tin của những người vẫn tìm về Mặt trận để ủng hộ. Bà Trương Thị Ngọc Ánh bảo rằng, những người luôn sẵn lòng san sẻ, giúp đỡ người khác chính là người hạnh phúc nhất.
PV: Các nhà nghiên cứu đã từng thực hiện một số thử nghiệm thú vị cho thấy rằng, người hạnh phúc luôn thể hiện một thái độ cởi mở, sẵn sàng tiếp xúc và giúp đỡ người khác. Vậy theo bà, những người sẵn lòng “nhường cơm sẻ áo”với người khác có phải là những người hạnh phúc, kể cả đó là người nghèo khó, thuộc đối tượng hưởng hỗ trợ của Chính phủ?
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh: Mục đích của cuộc đời mỗi con người là kiếm tìm hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc không phải chỉ là đích đến mà là một hành trình. Hành trình đó đã cho chúng ta thấy từ một số câu chuyện cụ thể, đó là những người thuộc diện được hỗ trợ nhưng lại nhường hỗ trợ cho người khác. Họ làm việc này không hẳn vì họ đã khá hơn người khác, chưa có gì đảm bảo rồi đây cuộc sống của họ sẽ khá hơn hiện tại, nhưng có một điều chắc chắn rằng, trong sâu thẳm suy nghĩ của họ là ý chí muốn tự mình vượt qua khó khăn, muốn chia sẻ khó khăn chung của đất nước và đặc biệt muốn nhường suất hỗ trợ cho người khó hơn mình. Hẳn nhiên họ đã rất hạnh phúc khi được làm điều đó. Niềm vui được giúp đỡ người khác khiến họ hạnh phúc. Quyết định nhường lại suất hỗ trợ cho người khó khăn hơn mình chính là một cách để làm cho đời sống của họ hạnh phúc hơn. Chúng ta trân trọng những con người như vậy.
Trong thời gian qua, bên cạnh sự ủng hộ quý báu cho cuộc chiến với Covid-19 từ các tập đoàn, tổng công ty, các doanh nghiệp, các tổ chức trong và ngoài nước, tôi cảm thấy rất xúc động khi chứng kiến những cụ già gom góp từng đồng lương hưu, tiền trợ cấp xã hội, tiền mừng tuổi của con cháu để đem đến Mặt trận ủng hộ. Rồi có những cụ già, nhà nghèo lắm, chẳng có gì ngoài mớ rau, chục quả trứng gà và mấy cân gạo… cũng tất tả tìm đến những khu cách ly tập trung để ủng hộ. Rồi những cháu nhỏ đập lợn tiết kiệm mang đến những đồng tiền lẻ đóng góp để chia sẻ cùng các bác, các cô chú chống dịch…
Mỗi người một cuộc đời, một số phận, một tính cách nhưng nghĩa cử san sẻ khó khăn với người khác thì chỉ có một vì tất cả đều xuất phát từ tấm lòng, từ trái tim, từ trách nhiệm công dân và từ niềm tin vào các biện pháp phòng chống dịch của Chính phủ và ngành y tế. Nhờ đó chúng ta mới có sự hưởng ứng rất đáng trân trọng. Nhờ đó mà chúng ta đã có được nguồn lực hết sức to lớn để đóng góp cho công tác phòng chống Covid-19.
Cho đến thời điểm này, số tiền và hiện vật ủng hộ và đăng ký ủng hộ thông qua Mặt trận cả nước đã lên tới con số gần 2.000 tỷ đồng. Đây là số tiền nhân dân ủng hộ thông qua Mặt trận lớn nhất từ trước đến nay. Có được kết quả này, tôi cho rằng, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc đã truyền lửa, đã khơi dậy trong từng người dân Việt Nam, làm cho mỗi người dân Việt Nam nhận thấy rằng: công cuộc phòng chống đại dịch Covid-19 là việc chung của cả dân tộc, trong đó mỗi người, mỗi nhà, mỗi tổ chức đều phải chung tay, đoàn kết.
Đoàn kết là một truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Vậy theo bà điều gì làm nên sức mạnh đoàn kết trong cuộc chiến với Covid-19?
-Có thể nói, Việt Nam dù không phải là một quốc gia có tiềm lực mạnh trên thế giới nhưng trong cuộc chiến với Covid-19 lại là một đất nước giành trọn được niềm tin của người dân. Bằng những quyết sách quyết liệt “chống dịch như chống giặc”, bằng sự nhân nghĩa “không ai bị bỏ lại phía sau” và bằng cả sự hy sinh thầm lặng của biết bao chiến sĩ bộ đội, công an, đội ngũ y, bác sĩ và những tình nguyện viên ở tuyến đầu…Tất cả đã tạo nên sự đoàn kết đồng lòng, làm nên sức mạnh Việt Nam một quốc gia đoàn kết đã vượt qua giai đoạn khó khăn và có được những thắng lợi bước đầu trong công tác phòng chống dịch Covid-19.
Chúng ta tự hào là công dân của một đất nước có truyền thống, có lịch sử, có ngàn năm văn hiến làm điểm tựa, truyền thống đó đã xây dựng nên cốt cách phẩm giá của người Việt bằng sự đoàn kết, kiên cường vượt qua nghịch cảnh. Mỗi khi gặp khó khăn thì truyền thống yêu nước, nhân nghĩa lại được lan tỏa, sức mạnh đoàn kết của dân tộc lại thêm một lần được bồi đắp.
Và dù có nhiều khó khăn gian khổ nhưng khi cần cho đại nghĩa người Việt luôn sẵn sàng đứng lên…
-Đúng vậy, người Việt Nam có một tinh thần vì đại nghĩa rất sâu sắc. Bình thường, chúng ta không cảm nhận được bởi trong cuộc sống thường nhật ai cũng phải lo chuyện cơm áo gạo tiền; nhưng đứng trước khó khăn, sự nhân nghĩa, tinh thần yêu nước lại trỗi dậy mãnh liệt trong mỗi người dân Việt Nam.
Đó là bác nông dân tên là Hà Khoa ở Quảng Trị, nhà bác nghèo quá, chẳng có gì đáng giá. Bác rất muốn ủng hộ cho Quỹ phòng chống Covid-19 của địa phương nhưng không biết lấy gì để đóng góp. Cuối cùng bác đã hiến một miếng đất trị giá hơn 300 triệu đồng. Tất cả số tiền bán đất, bác Khoa đã ủng hộ cho công tác phòng chống dịch.
Trong thời kỳ chiến tranh giành độc lập dân tộc, nhân dân ta sẵn sàng hy sinh lợi ích gia đình cho nhiệm vụ giải phóng đất nước. Câu nói “xe chưa qua là nhà không tiếc” chính là tinh thần vì đại nghĩa của các thế hệ năm xưa đã sẵn sàng hy sinh những thứ giá trị của đời mình cho dân tộc.
Cho nên việc hiến một miếng đất có giá trị 300 triệu đồng từ một người nông dân nghèo như bác Hà Khoa trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19 hôm nay cũng là một minh chứng tiêu biểu cho tinh thần đại nghĩa của người dân Việt Nam- khi đất nước cần, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân cho dân tộc, cho mục tiêu chung.
Vậy theo bà, làm thế nào để đáp lại những tấm chân tình ấy, nhất là trong công tác chi trả gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng cho những người bị ảnh hưởng từ dịch bệnh?
-Tấm chân tình của những người đã dành cho đất nước trong cuộc chiến với Covid-19 chính là tấm gương soi chiếu nhiều chiều để đội ngũ cán bộ thấy được trách nhiệm của mình với nhân dân, với đất nước. Cho nên, những gì hỗ trợ cho dân phải thực sự đến với người dân và đến kịp thời. Đó chính là cách để thể hiện sự trân quý tấm lòng của nhân dân cả nước đã cùng Đảng, Nhà nước đồng lòng chống dịch.
Đứng từ góc độ của một cơ quan có trách nhiệm giám sát việc chi trả hỗ trợ, theo bà MTTQ các cấp cần xác định rõ trách nhiệm của mình đến đâu để đảm bảo việc chi trả đúng đối tượng, không bỏ sót và đặc biệt không để chính sách bị trục lợi?
-Để chính sách hỗ trợ đến được đúng đối tượng, Mặt trận có trách nhiệm là người giám sát. UBTƯ MTTQ Việt Nam đã kịp thời hướng dẫn nội dung và định hướng để MTTQ Việt Nam các tỉnh phối hợp cùng với các tổ chức chính trị- xã hội giám sát việc thực hiện Nghị quyết 42 của Chính phủ. Với yêu cầu công tác giám sát của Mặt trận phải sát sao, khách quan, giám sát từ khâu rà soát, lập danh sách cho đến công tác chi hỗ trợ cho các đối tượng, đảm bảo kịp thời, không bỏ sót đối tượng và không để xảy ra tình trạng trục lợi chính sách.
Trong đợt này, vai trò của người dân ở khu dân cư là hết sức quan trọng, do đó cùng với các hoạt động giám sát của Mặt trận và các tổ chức chính trị- xã hội, thì MTTQ các cấp cần phát huy tối đa vai trò giám sát trực tiếp của người dân. Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội sẽ tăng cường công tác tuyên truyền để nhân dân nắm rõ chính sách, nắm rõ đối tượng được hỗ trợ để thực hiện giám sát ngay từ khâu rà soát, lập danh sách đối tượng được hỗ trợ.
Cũng qua đợt giám sát này, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị- xã hội sẽ thường xuyên lắng nghe ý kiến, kiến nghị của nhân dân nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tình cảm, cũng như nắm bắt kịp thời tác động của chính sách đối với cuộc sống nhân dân, để kịp thời báo cáo với cấp ủy, chính quyền.
Ở Trung ương, MTTQ Việt Nam sẽ phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội để thống nhất phân công theo dõi địa bàn, tổ chức các đoàn kiểm tra của Trung ương để đánh giá trách nhiệm giám sát của Mặt trận và các tổ chức chính trị- xã hội các địa phương, góp phần để chính sách của Nhà nước được triển khai thực hiện đúng tinh thần không để sót bất kỳ ai, cũng như không để thất thoát một đồng nào của gói 62 nghìn tỷ đồng.
Trân trọng cảm ơn bà!