Chủ động ứng phó với thời tiết dị thường

Hải Nhi (ghi) 16/05/2020 08:00

“Hiện nay Việt Nam đã có 20 hình thái thiên tai và ngày càng khốc liệt. Để phòng, chống thiên tai trong biến đổi khí hậu ấy, chủ trương chung là đề nghị các ngành chức năng phải rất chủ động”-Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.

Chủ động ứng phó với thời tiết dị thường

Hạn mặn và mưa đá là hai hình thái thời tiết cực đoan trong năm 2020.

Tuần Lễ Quốc gia Phòng chống thiên tai bắt đầu từ ngày 15 - 22/5 với chủ đề “Phòng chống thiên tai chủ động, hiệu quả từ lực lượng xung kích cơ sở”. Mục tiêu là nâng cao nhận thức cộng đồng, xây dựng một xã hội an toàn trước thiên tai. Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: Hiện nay chúng ta đưa ra quan điểm phòng, chống thiên tai là bốn tại chỗ. Hạn mặn ở ĐBSCL cũng là thiên tai và muốn chủ động thì tại chỗ cũng rất quan trọng. Còn nếu như có thiên tai mà các lực lượng của nơi khác đến thì cũng chỉ là ứng phó sau thiên tai. Năm nay chúng tôi lấy lực lượng xung kích làm cơ sở trọng tâm.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, năm 2019 thiên tai không diễn ra dồn dập và khốc liệt như 2018, nhưng chứng kiến rất nhiều hình thái cực đoan. Thống kê thiệt hại năm 2019 là 7.000 tỷ đồng, giảm 60% so với năm 2018 (20.000 tỷ). Thiệt hại về người và tài sản, về vật chất giảm nhưng chúng ta chứng kiến từ đầu năm 2020 đến nay hình thái thời tiết cực đoan rất lớn. Chưa bao giờ ngày mùng 1 Tết có mưa đá và đến nay đã có 104 trận dông lốc, mưa đá lớn ở 31 tỉnh, cũng chưa bao giờ Hà Nội đo được nhiệt độ là 16,5 trong tháng 5. Trong lịch sử chưa bao giờ có hình thái thời tiết này.

“Chúng tôi muốn nói đến yếu tố dị thường, cực đoan của thời tiết đã hiển hiện. Hiện nay Việt Nam đã có 20 hình thái thiên tai và ngày càng khốc liệt. Để phòng, chống thiên tai trong biến đổi khí hậu ấy, chủ trương chung là đề nghị các ngành chức năng phải rất chủ động mới thành công được” - ông Hiệp nhấn mạnh.

Theo ông Hiệp, năm 2020 cũng là lần đầu tiên chúng ta có Chỉ thị 42 về phòng, chống thiên tai và yêu cầu toàn bộ hệ thống Chính trị vào cuộc để có hiệu quả. Nếu chúng ta chỉ cần chủ quan lơ là, sẽ lại là câu chuyện là “nếu như, giá như”.

Về mô hình xung kích cấp xã trong phòng chống thiên tai. Nêu khó khăn thành lập lực lượng này, theo ông Hiệp, mô hình lực lượng cấp xã về phòng, chống thiên tai còn chưa đồng đều, rất nhiều địa phương hiện có tên nhưng không có lực lượng. Bởi ở nông thôn hiện nay lực lượng chính là thanh niên thường đi các khu công nghiệp, khu chế xuất làm ăn, lực lượng tại chỗ còn rất ít.

Vấn đề thứ hai là kể cả ở những chỗ đã có lực lượng cũng không có phương tiện, trang thiết bị và cũng chưa được trang bị những kiến thức phòng, chống thiên tai, những kinh nghiệm, những kỹ năng. Đây là vấn đề bất cập, nhưng luật thì đã có. Luật Phòng, chống tai đã đưa ra cụ thể hơn nữa để xây dựng thành một lực lượng chuyên trách chuyên nghiệp.

Theo ông Hiệp, Bộ NNPTNT đang chỉ đạo xây dựng lực lượng xung kích cơ sở gắn với xây dựng nông thôn mới, mô hình nông thôn mới kiểu mẫu về phòng, chống thiên tai. Tiêu chí lực lượng du kích này đảm bảo hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả và Bộ sẽ xây dựng trong thời gian sớm nhất để đạt được mục tiêu đó.

Hải Nhi (ghi)