Trường nghề khan nguồn tuyển: Năng động để gỡ khó
Sau khi Bộ GDĐT công bố quy chế tuyển sinh đại học (ĐH) 2020, các trường trên cả nước đã điều chỉnh lại đề án tuyển sinh và bắt đầu công bố đề án tuyển sinh mới. Các trường nghề cũng tìm cách gỡ khó để thu hút thí sinh.
Trong năm 2019, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên cả nước phấn đấu tuyển sinh gần 2,3 triệu người học. Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu này chưa đạt được như mong đợi, thậm chí là còn xa. Phân tích từ các chuyên gia tuyển sinh cho thấy, bắt đầu từ năm 2017, gần 2.000 trường nghề công lập được quyền tự quyết về hình thức tuyển sinh. Thế nhưng, các trường nghề đang đứng trước thách thức cạnh tranh không nhỏ, giữa các trường nghề với nhau, cạnh tranh giữa trường nghề và trường ĐH. Trong cuộc cạnh tranh với các trường ĐH, khối trường nghề luôn yếu thế, bởi tâm lý chuộng bằng cấp của nhiều phụ huynh và học sinh còn khá phổ biến.
Tại một Hội nghị về triển khai nhiệm vụ, giải pháp tuyển sinh, đào tạo nghề năm 2019 đại diện Tổng cục GDNN (Bộ LĐTB-XH) đã cho biết, tuyển sinh GDNN nhìn chung còn gặp khó khăn, đặc biệt ở những ngành, nghề nặng nhọc độc hại, ngành nghề năng khiếu. Một trong những nguyên nhân của thực trạng này là do ảnh hưởng của tuyển sinh ĐH. Cụ thể, phương thức tuyển sinh ĐH có nhiều sự thay đổi (nhiều trường chỉ xét học bạ, điểm chuẩn hạ thấp, thời gian tuyển sinh dài) đã tạo điều kiện thu hút học sinh vào học, gây áp lực cho các trường nghề trong công tác tuyển sinh. Hệ quả là nhiều trường nghề tuyển không đủ chỉ tiêu, thậm chí có trường tuyển sinh được rất ít.
Khi các trường ĐH đa dạng phương thức tuyển sinh, rõ ràng người học sẽ dễ dàng hơn trong việc có được tấm vé vào giảng đường ĐH. Theo như chuyên gia Trần Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đào tạo Kinh tế Quốc tế phân tích, ở đây có sự cạnh tranh giữa hai hệ thống đào tạo. Hệ thống GDĐH Việt Nam, cũng như hệ thống GDNN chưa “tương hỗ” cho nhau trong suốt thời gian qua, dẫn đến tình trạng bên này tuyển sinh ổn, thì bên kia thiếu hụt nguồn tuyển.
Dẫu vậy, theo TS Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục GDNN- Bộ LĐTB-XH), bản thân trường nghề cũng cần phải nhìn nhận một thực tế là các trường chưa thực sự năng động, tích cực trong việc đổi mới, tìm kiếm nguồn tuyển sinh cũng như chưa tạo được sức hút với người học. Nếu xã hội chờ mong trường nghề là “vườn ươm” lao động có tay nghề, kỹ năng cho doanh nghiệp (DN) và được DN quan tâm, đón nhận sau tốt nghiệp, thì xét về góc độ này, tính kết nối giữa trường nghề và DN chưa cao.
Thực tế, trong bối cảnh trường nghề đang phải cạnh tranh mạnh mẽ với các loại hình đào tạo khác để thu hút người học, yêu cầu đổi mới, nâng cao hiệu quả đào tạo nghề đang được đặt ra bức thiết. Việc đổi mới này không chỉ giải quyết khó khăn trong công tác tuyển sinh mà còn góp phần tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.