Giành giật sự sống cho bệnh nhân người Anh

Thế Tuấn 17/05/2020 08:00

Hãng Reuters của Anh ngày 14/5 đăng bài viết ca ngợi quyết tâm cứu sống phi công người Anh mắc Covid-19 (bệnh nhân số 91) của Việt Nam. Báo Strait Times của Singapore cũng dẫn lại bài viết này.

Giành giật sự sống cho bệnh nhân người Anh

Nỗ lực điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 nặng.

Bệnh nhân số 91, phi công người Anh, 43 tuổi, làm việc cho Hãng hàng không Vietnam Airline. Đây là bệnh nhân Covid-19 nặng nhất của Việt Nam cho tới lúc này. BN91 là người bị lây nhiễm bệnh tại một quán bar ở TP Hồ Chí Minh vào giữa tháng 3. Cho tới nay, đã 2 tháng ròng rã, các chuyên gia y tế Việt Nam đã vật lộn để tìm mọi cách cứu sống anh.

Vẫn theo Reuters, hơn 4.000 người có liên quan đến ổ dịch này đã được xét nghiệm và kết quả có 18 người mắc bệnh. Trong khi hầu hết mọi người đã hồi phục, phi công người Anh đang vật lộn với sự sống và tình trạng của người này đang xấu đi đáng kể.

BN91 là bệnh nhân Covid-19 nặng nhất hiện nay, quá trình điều trị từ ngày nhập viện rất phức tạp, thất thường. Sáng 9/5, bệnh nhân vẫn có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Trong khoảng thời gian trước đó, bệnh nhân nhiều lần có kết quả âm tính, sau đó dương tính trở lại.

Theo BS.TS Nguyễn Văn Vĩnh Châu- Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM (nơi điều trị BN91), ban đầu bệnh nhân bị đông đặc một bên phổi, tiếp đến cả hai phổi của bệnh nhân đông đặc lại. Chính vì thế mà việc sử dụng máy thở không còn hiệu quả. BN91 đã được sử dụng thiết bị thay thế tim và phổi, nhưng tình trạng phổi đông đặc kéo dài sẽ khiến cơ quan này trở thành “ổ dịch” để vi khuẩn sinh sôi mạnh trong ký chủ.

Sau rất nhiều ngày điều trị trong đó có 34 ngày được can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo), hiện bệnh nhân đang tiếp tục phải thở máy, lọc máu, phụ thuộc hoàn toàn vào ECMO. Chính vì thế Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế đã đề nghị cân nhắc phương án ghép phổi cho BN91, với nỗ lực tìm mọi cách cứu chữa. Ngày 10/5, BN91 được hội chẩn liên viện để đánh giá khả năng ghép phổi.

Trước đó, căn cứ ý kiến của Hội đồng chuyên môn, Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế đã đề nghị Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy, Sở Y tế TPHCM và Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người tiến hành chuẩn bị phương án ghép phổi cho BN91.

Với tất cả nỗ lực, cho tới ngày 12/5, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc hội chẩn với các chuyên gia từ các bệnh viện tuyến đầu và quyết định rằng cách duy nhất để cứu bệnh nhân này là ghép phổi. Theo Reuters, trường hợp bệnh nhân phi công người Anh thu hút sự quan tâm của cả nước Việt Nam , nơi Chính phủ đang giành được sự ủng hộ vì chiến dịch ứng phó với dịch bệnh. Hãng này cũng cho biết hiện đã có tới 10 người, bao gồm một cựu chiến binh 70 tuổi và một phụ nữ đã đăng ký tự nguyện hiến phổi cho bệnh nhân người Anh; nhưng các bác sĩ đã từ chối nghĩa cử của hai người này vì lý do hoàn toàn khoa học và pháp lý.

Cũng cần nói thêm rằng, trước khi đi đến quyết định ghép phổi thì Việt Nam đã nhập khẩu thuốc đặc biệt từ nước ngoài để điều trị chứng máu đông ở phổi cho bệnh nhân, nhưng không có kết quả. Theo Reuters, Việt Nam đã chi hơn 5 tỷ đồng để cố gắng cứu sống bệnh nhân này.

Thời gian qua, truyền thông quốc tế đánh giá cao những nỗ lực, biện pháp cũng như thành công của Việt Nam trong việc ngăn chặn, dập dịch Covid-19.

Chiều 12/5, làm việc với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona của Việt Nam, TS Kidong Park-Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam bày tỏ ấn tượng trước các biện pháp rất nhanh, hiệu quả mà Việt Nam đã triển khai thời gian qua. “Việt Nam nắm bắt thông tin rất nhanh, chia sẻ minh bạch, kịp thời, áp dụng công nghệ thông tin nhanh nhạy, hiệu quả. Tôi muốn dành thời gian phân tích, tổng hợp các bài học, kinh nghiệm phòng, chống dịch của Việt Nam để chia sẻ với cộng đồng quốc tế”- ông Kidong Park nói.

Thế Tuấn