Virus Corona và những thợ săn dơi
Thế giới vẫn tiếp tục hoài nghi nguồn gốc virus gây ra dịch bệnh Covid-19 là xuất phát từ tự nhiên hay do nó bị “xổng” ra từ phòng thí nghiệm, thì người ta càng chú ý hơn tới loài dơi khi cho rằng cơ thể của mỗi con có thể chứa tới 15.000 loại virus.
Nhưng ở thời điểm hiện tại chỉ có vài trăm chủng được phát hiện. Câu chuyện về loài dơi và những “người dơi” đi săn dơi đang được thế giới chú ý. Xin được bắt đầu từ câu chuyện của Peter Daszak - người đứng đầu tổ chức phi chính phủ EcoHealth Alliance chuyên phụ trách tìm ra những loại virus mới và dự báo dịch bệnh.
Khám phá hang dơi ở Vân Nam (Trung Quốc).
Hoàng hôn buông xuống cũng là lúc hàng nghìn con dơi bay ra tìm kiếm thức ăn. Đó là lúc thích hợp nhất cho nhóm nghiên cứu do Peter Daszak đứng đầu tiến vào một trong những chiếc hang tịch mịch nằm trong hệ thống hang động rộng lớn tại tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).
Họ trùm kín mít trong bộ đồ bảo hộ, đeo khẩu trang và găng tay dày. “Nếu như tiếp xúc với dịch cơ thể hay nước tiểu của dơi, chúng tôi có thể gặp nguy hiểm trước bất kỳ loại virus lạ nào. Lúc nhập nhoạng tối lũ dơi rời hang ra bên ngoài kiếm thức ăn thì chúng tôi mới dám tiến vào “nhà” của chúng”- P.Daszak cho biết.
Khi bắt được một con dơi chưa kịp bay ra khỏi hang, nhóm nghiên cứu cẩn thận gỡ nó ra khỏi lưới rồi tiêm cho nó một liều nhẹ gây mê trước khi lấy mẫu máu từ cánh. “Chúng tôi cũng dùng tăm bông lấy mẫu xét nghiệm từ miệng và phân của chúng”- P.Daszak nói.
1. Peter Daszak được mệnh danh là thợ săn virus hàng đầu thế giới. Đó là những chủng virus có trong tự nhiên, nhất là ở những loài hoang dã. Đã hơn 10 năm, ông tới các hang động dơi trên 20 quốc gia. Người ta nói rằng ông có thú săn dơi, nhất là việc tìm ra chủng virus Corona.
Tới nay, P.Daszak cùng nhóm nghiên cứu của mình đã có thể mở hẳn một thư viện về các loại virus có trong động vật. Trong đó, riêng về những con dơi, họ hoàn toàn có thể “dành một góc xứng đáng” trong thư viện độc đáo ấy.
“Chúng tôi đã thu thập hơn 15.000 mẫu xét nghiệm từ dơi, và kết quả là tìm ra khoảng 500 loại virus corona mới”- nhà khoa học P.Daszak tiết lộ và cho biết thêm, một trong số đó là virus tìm được trong một hang động ở Trung Quốc vào năm 2013, và có thể là tổ tiên của virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch Covid-19 hoành hành hiện nay.
Tất nhiên không chỉ nhóm của P.Dasrak mới tập trung nghiên cứu của mình vào loài rơi trong những nỗ lực không mệt mỏi tìm ra virus Corona chủng mới, mà còn nhiều tổ chức, nhiều nhà khoa học khác nữa. Tuy nhiên, cũng cần biết rằng tại thời điểm năm 2003, trước đại dịch SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng), các nghiên cứu về virus Corona không mấy được quan tâm. “Nó không phải là một nhánh nghiên cứu trong y khoa thu hút nhiều người”-Wang Linfa, chuyên gia virus giảng dạy tại Đại học Y Duke-NUS (Singapore) từng phát triển công cụ để phân tích các mẫu xét nghiệm cho biết. Trước thời điểm đó, chỉ có duy nhất 2 chủng virus Corona lây sang cho con người được nhận dạng và cả hai đều được phát hiện vào những năm 1960.
Cho tới năm 2009, Dự án Predict hình thành từ sự tài trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) với sự tham gia của EcoHealth Alliance, Viện nghiên cứu Smithsonian, Tổ chức Xã hội bảo tồn thiên nhiên hoang dã (Đại học California Davis)… thì người ta mới thực sự chú ý tới loài dơi trong quá trình “săn” virus gây bệnh cho người.
Kể từ khi thành lập, Predict phát hiện thêm 5 loại virus Corona lây lan sang người, trong đó có virus SARS-CoV-2 gây ra dịch Covid-19. Nhưng như thế là chưa đủ. Vì rằng các nghiên cứu đều tập trung vào vùng Vân Nam (Trung Quốc) trong khi trên thực tế nó đã mở rộng phạm vi nghiên cứu tới chừng 30 quốc gia.
Giải thích điều này, P.Daszak giải thích, “chúng tôi nhắm tới khu vực Trung Quốc vì chúng tôi muốn truy tìm nguồn gốc của SARS. Nhưng khi đến đây, chúng tôi nhận ra còn hàng trăm loại virus Corona nguy hiểm khác, nên quyết định dành toàn bộ sự chú ý vào việc tìm ra chúng”. Vẫn theo P.Daszak, để có cái nhìn khách quan và rộng rãi hơn, ngoài Trung Quốc thì một đội thợ săn virus khác từ Viện Nghiên cứu Smithsonian cũng đã bắt đầu thu thập mẫu xét nghiệm từ Myanmar và Kenya.
Vậy, vì sao lại tập trung nghiên cứu virus vào loài dơi? Theo P.Daszak dơi là động vật có vú bay được nên cơ thể chúng lúc nào cũng phải căng ra và chịu sức ép, từ đó dẫn tới một phản ứng miễn dịch. Nói cách khác, dơi phải làm hệ miễn dịch yếu đi và do đó, chúng dễ bị nhiễm virus hơn đồng thời cũng có khả năng chịu được một lượng lớn virus có trong cơ thể. Sau khi thu thập xong mẫu máu và dịch cơ thể của dơi, người ta sẽ lưu trữ chúng trong dung dịch Nitrogren và gửi đến các phòng thí nghiệm đối tác trên thế giới để phân tích. Từ đó không chỉ tìm ra cơ chế chuỗi AND của loài dơi mà có thể tìm hiểu nguồn gốc của các dịch bệnh đang bùng phát, như Covid-19 hay Ebola, đồng thời cũng giúp dự đoán nơi mà đại dịch sắp tới sẽ xảy ra, kèm theo hy vọng ngăn chặn được nó.
“Nhóm các nhà virus học sử dụng các mẫu phẩm thu thập tại hiện trường để xác định loại virus nào có khả năng lây lan sang người nhất và phân loại chúng theo mức độ rủi ro”- Suzan Murray, người dẫn đầu Chương trình Y tế Toàn cầu thuộc Viện Smithsonian cho biết.
2. Trong số những “thợ săn virus” nổi tiếng, có một “nữ nhân” người Trung Quốc: bà Thạch Chính Lệ.
Người ta cho rằng, câu chuyện bắt đầu từ những mẫu bệnh phẩm bí ẩn được đưa tới Viện Virus học Vũ Hán lúc 19h ngày 30/12/2019 khi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Vũ Hán phát hiện chủng mới của virus Corona ở 2 bệnh nhân bị viêm phổi không điển hình và muốn phòng thí nghiệm nơi bà Thạch làm việc tìm hiểu về chúng.
Bà Thạch Chính Lệ đang thả dơi sau khi lấy mẫu máu bên ngoài một hang động ở tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), năm 2004.
Tối ngày 30/12/2019, khi đang dự một hội nghị ở Thượng Hải, bất ngờ chuông điện thoại của bà Thạch reo lên. Phía bên kia, giọng khô khan của sếp bà Thạch: “Dừng hết tất cả công việc hiện tại của cô và xử lý nó ngay”. Lập tức, bà Thạch trở về Vũ Hán.
Bà Thạch được giao việc này vì 16 năm qua bà đã thực hiện nhiều cuộc thám hiểm truy tìm virus ở dơi trong các hang động. Những nghiên cứu trước đây của bà cho thấy các tỉnh cận nhiệt đới ở phía nam Trung Quốc như Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam là nơi chủng virus Corona có nguy cơ truyền từ động vật, đặc biệt là dơi, sang người lớn nhất. Khi đó bà đã nghĩ nếu virus Corona đúng là nguyên nhân gây bệnh, “liệu có phải nó bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm của chúng tôi hay không?”.
Bà Thạch nhớ lại, một ngày mùa xuân đầy nắng năm 2004, bà gia nhập đội nghiên cứu quốc tế để thu thập mẫu sinh phẩm của đàn dơi trong các hang động gần Nam Ninh, thủ phủ tỉnh Quảng Tây. “Khi ấy tôi còn rấ trẻ, nay thì cũng đã bắt đầu già rồi”- bà Thạch nói.
Trong những tháng đầu tiên của cuộc “săn virus” năm 2004, đội của bà Thạch đã thu thập nhiều mẫu nước tiểu và phân dơi nhưng không tìm thấy bất kỳ dấu vết nào của virus Corona. “Điều dó khiến chúng tôi ít nhiều thất vọng”- bà Thạch nhớ lại. “8 tháng vất vả tìm kiếm dường như trở thành công cốc. Chúng tôi khi đó đã nghĩ dơi không liên quan gì tới SARS”.
Tuy nhiên, sau khi lặn lội ở rất nhiều hang động, nhóm nghiên cứu đã tập trung vào một điểm là hang Thạch Đầu ở vùng ngoại ô Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam, nơi họ lấy nhiều mẫu sinh phẩm của dơi trong 5 năm liên tiếp. Những nỗ lực đã được đền đáp. Các nhà khoa học đã phát hiện hàng trăm loại virus corona với hệ gene đa dạng đến khó tin. Phần lớn chúng đều vô hại nhưng cũng có hàng chục loại khác cùng họ với virus SARS. Chúng có thể tấn công tế bào phổi của người.
Khi thu thập mẫu máu của hơn 200 cư dân sống trong 4 ngôi làng gần hang Thạch Đầu, nhóm nghiên cứu của bà Thạch phát hiện 6 người, khoảng 3%, mang kháng thể chống virus giống SARS ở loài dơi. Tiếp đó, họ lại phát hiện 6 thợ mỏ mắc bệnh “giống viêm phổi” từ loại virus ở một giếng mỏ thuộc huyện miền núi Mặc Giang, Vân Nam. 2 người trong số họ đã chết.
“Giếng mỏ giống như địa ngục. Phân dơi phủ đầy nấm mốc la liệt khắp hang”- bà Thạch cho biết.
Kể từ đó, việc nghiên cứu về loài dơi được đẩy mạnh, bà Thạch Chính Lệ trở thành một “thợ săn” virus từ loài dơi lúc nào không biết. Nhóm nghiên cứu còn gọi bà là “người dơi”. Cách đây hơn một năm, nhóm của bà Thạch đã công bố hai đánh giá toàn diện về virus Corona trên chuyên trang nghiên cứu khoa học MDPI và Nature Reviews Microbiology. Dựa trên những bằng chứng từ nghiên cứu của mình, bà Thạch và các cộng sự từng cảnh báo về nguy cơ về một đợt bùng phát virus Corona ở loài dơi trong tương lai.
“Virus Corona từ dơi sẽ sinh ra nhiều dịch bệnh hơn” “nữ người dơi khẳng định và cho rằng “chúng ta phải tìm ra chúng trước khi chúng tìm ra và hạ gục chúng ta”.