‘Đi kiểm tra phá rừng quên mang bút kiểm đếm, đánh dấu!’

Thái Bình 17/05/2020 15:55

Sau khi Báo Đại Đoàn Kết đăng bài: “Rừng Khu bảo tồn thiên nhiên bị phá như chốn không người”, ông Lê Đắc Ý, Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Ea Sô cho biết: “Anh em có đi kiểm tra đếm lóng (lóng gỗ - PV) và có bắt được cả người lẫn gỗ nhưng khi vào hiện trường do ‘quên không mang bút’ nên anh em không đánh dấu”.

‘Đi kiểm tra phá rừng quên mang bút kiểm đếm, đánh dấu!’

Lâm tặc đang trục vớt gỗ tại khu vực lòng hồ Ea Buk.

Không có bút hay chưa kiểm đếm báo cáo

Ngày 14/5, nhận được thông tin, PV Báo Đại Đoàn Kết men qua khu vực lòng hồ Ea Buk, thuộc địa phận Buôn Zô, xã Ealy, huyện Sông Hinh (Phú Yên) thâm nhập hiện trường vụ phá rừng tại tiểu khu 618 do Ban Quản lý Khu BTTN Ea Sô quản lý.

Hơn 1 giờ đồng hồ theo chân người chỉ đường tên C. men theo con đường mòn dẫn vào khoảnh 2, tiểu khu 618 để mục sở thị cảnh tàn sát rừng.

Rừng ở đây bị phá suốt thời gian dài, mới có, cũ có nằm ngổn ngang như một bãi chiến trường. Hai chủng loại cây bị phá nhiều nhất đó là bằng lăng và căm xe. Dọc lối mòn dẫn lên đỉnh núi cây cối nằm ngã rạp, mô cưa rải rác khắp rừng, nhiều cây gỗ bị cắt khúc vẫn nằm chỏng trơ chưa được tẩu tán khỏi hiện trường.

Theo các đường xương cá xuống các khe suối nhiều cây bằng lăng có đường kính gần 1 mét, dài hàng chục mét bị đốn hạ nằm xen kẽ, chồng lấn lên nhau. Hiện trường vụ phá rừng thể hiện, rừng ở đây bị tàn sát đều bằng cưa xăng và dùng máy móc, cáp tời để vận chuyển gỗ, chứ không thể bằng dụng cụ thô sơ. Một số gốc cây gỗ quý như cẩm lai, cà te còn bị lâm tặc đào tận gốc, moi tận rễ, để lại hiện trường những hố sâu.

‘Đi kiểm tra phá rừng quên mang bút kiểm đếm, đánh dấu!’ - 1

Xe máy cày độ chế dùng để cẩu gỗ dưới lòng hồ.

Nếu đứng từ đỉnh núi (khu vực rừng bị bị lâm tặc đục khoét, tàn phá) có thể quan sát thấy khu vực lòng hồ Ea Buk và Trạm 5 thuộc Ban Quản lý Khu BTTN Ea Sô. Những vật dụng tại hiện trường như cáp tời, các vật dụng sinh hoạt của lâm tặc chứng minh rừng ở đây bị phá rất công khai.

Tất cả những cây gỗ đã bị đốn hạ, còn lại gốc và nhiều thân gỗ chưa hề có một vết tích đánh dấu của lực lượng bảo vệ rừng hay kiểm lâm địa bàn.

Điều đáng ngạc nhiên là khi trao đổi với PV, ông Lê Đắc Ý, Giám đốc Ban Quản lý Khu BTTN Ea Sô cho biết: Hồi trước lần một có bắt hơn 2,964 m3, lần thứ hai là mấy chục khúc và 2 đối tượng. Ông Ý nói cái đó chỉ còn lại hiện trường nhưng khi được hỏi sao không thấy dấu búa của kiểm lâm hay lực lượng kiểm đếm, đánh dấu, ông Ý cho rằng: “Lúc đi kiểm tra có đếm số lóng (lòng gỗ - PV) nhưng anh em không mang bút, và chỉ đánh dấu bằng bút mực”.

‘Đi kiểm tra phá rừng quên mang bút kiểm đếm, đánh dấu!’ - 2

Một cây căm xe được đốn hạ đã cũ nhưng không có vết tích kiểm đếm.

Gỗ lậu đi về đâu?

Theo ghi nhận, gỗ được lấy từ các tiểu khu 618, 617 được tập kết tại khu vực lòng hồ Ea Buk thuộc địa phận Buôn Zô, xã Ealy, huyện Sông Hinh (Phú Yên), sau đó lâm tặc dùng các xe cày độ chế vớt lên đưa về bến Sơn Toác (cách địa phận khu bảo tồn chừng 2 km) và xuôi về Phú Yên.

Ngày 14/5, trong quá trình thâm nhập hiện trường vụ phá rừng, chúng tôi tiếp tục phát hiện một nhóm lâm tặc do một người tên Bốn đang dùng xe máy cày độ chế trục vớt gỗ dưới lòng hồ Ea Buk.

Ông Lê Đắc Ý cho biết bến Sơn Toác hồi trước nhiều xe cẩu vào lắm. Khi được hỏi có nắm được thông tin phá rừng tại tiểu khu 616, ông Ý tiếp tục nói: Trước đây họ khai thác lẻ tẻ, từ khi có Công ty TNHH MTV MDF - Vinafor Gia Lai làm đường khai thác gỗ rừng trồng thì lâm tặc lợi dụng phá rừng.

‘Đi kiểm tra phá rừng quên mang bút kiểm đếm, đánh dấu!’ - 3

Lán của Tổ truy quét đường biên trực 24/24 giờ của Ban Quản lý Khu BTTN Ea Sô (mái màu xanh) nằm ngay trên tuyến đường độc đạo.

Thực tế, nếu gỗ khai thác từ tiểu khu 616 đưa về huyện Krông Pa (Gia Lai) thì phải vượt qua Tổ truy quét đường biên trực 24/24 giờ của Ban Quản lý Khu BTTN Ea Sô nằm ngay sát bìa rừng. Phải chăng Tổ truy quét không biết hay làm ngơ để lâm tặc vượt mặt?

Ông Lê Đắc Ý thông tin thêm, thứ Ba tuần tới theo kế hoạch Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk sẽ thành lập đoàn và đi kiểm tra thực tế, vì thứ Hai cơ quan tiến hành đại hội.

Trước tình hình lâm tặc ồ ạt phá rừng Khu BTTN Ea Sô, huyện Ea Kar (Đắk Lắk), ngày 9/5, ông Đỗ Xuân Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk, cho biết: Đơn vị sẽ cùng Chi cục Kiểm lâm vùng IV và đại diện Cục Kiểm lâm có buổi họp với Hạt kiểm lâm, Ban Quản lý Khu BTTN Ea Sô để bàn về phương án xử lý dứt điểm nạn lâm tặc hoành hành ở khu vực giáp ranh với huyện Krông Pa (Gia Lai).

"Chúng tôi cũng đi khảo thực địa, yêu cầu Ban Quản lý Khu BTTN Ea Sô báo cáo chi tiết thực trạng hiện nay của vùng; từ đó, các bên liên quan sẽ lập các phương án phối hợp, hỗ trợ cho lực lượng kiểm lâm, chủ rừng truy quét lâm tặc, trả lại bình yên cho khu bảo tồn", ông Dũng thông tin.

Thái Bình