Tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống thiên tai
Nhân kỷ niệm 74 năm Ngày Truyền thống phòng, chống thiên tai (22/5/1946 - 22/5/2020), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có thư gửi đồng bào, chiến sĩ cả nước.
Thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước có đoạn: “Năm 2019 và những tháng đầu năm 2020, thiên tai diễn biến phức tạp, cực đoan, bất thường trên nhiều vùng miền cả nước, đặc biệt là hạn hán, xâm nhập mặn khốc liệt, kéo dài tại Đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung, Tây Nguyên; bão, lũ, dông lốc, mưa đá tại nhiều tỉnh miền núi phía Bắc. Song, nhờ có sự đoàn kết, thống nhất của cả hệ thống chính trị; sự chỉ đạo, điều hành của Nhà nước, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai; sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ, tham gia tích cực của các cơ quan chức năng, lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước, chúng ta đã chủ động, dự báo, cảnh báo sớm, tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống thiên tai, ứng phó kịp thời với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người, tài sản để phát triển kinh tế - xã hội”.
Hạn hán, xâm nhập mặn đã và đang tác động xấu tới Đồng bằng sông Cửu Long.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan chức năng về phòng, chống thiên tai các cấp, các bộ, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy kết quả đã đạt được, chung sức, đồng lòng, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020, góp phần bảo vệ cuộc sống bình an của nhân dân, hướng đến một xã hội an toàn trước thiên tai và sự phát triển bền vững của đất nước.
Trước đó, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (chiều 15/5), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh “thứ gì liên quan đến quyền lợi, tính mạng, tài sản của người dân thì chúng ta coi là quan trọng nhất và chúng ta phải bảo vệ”.
Đối với Việt Nam, một trong 5 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đối khí hậu, Thủ tướng nêu rõ, lịch sử đấu tranh, dựng nước và giữ nước của Việt Nam luôn gắn liền với phòng chống thiên tai. Cho nên, người Việt Nam mong ước có sức mạnh chiến thắng thiên tai, đây là khát vọng, là ý chí của bao thế hệ người Việt Nam. Thiên tai diễn biến ngày càng cực đoan, dị thường và trái quy luật. Bão mạnh, siêu bão, mưa đặc biệt lớn, ngập lụt diện rộng, lũ quét, lở đất, rét đậm, rét hại, hạn hán, xâm nhập mặn, dông lốc, sét đánh xảy ra khắp vùng miền cả nước, suốt cả năm và ngày càng trầm trọng. Trung bình mỗi năm, thiên tai gây thiệt hại về kinh tế khoảng 1-1,5% GDP, lấy đi nhiều thành quả, làm chậm sự phát triển ở nhiều khu vực, tác động sâu sắc tới mọi hoạt động kinh tế - xã hội.
Thủ tướng nêu rõ, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm công tác này, dành nhiều nguồn lực đầu tư cho các công trình phòng, chống thiên tai; đưa ra nhiều biện pháp phòng, chống hiệu quả; đẩy mạnh hợp tác quốc tế… Đặc biệt là nhờ sự vào cuộc của chính những người dân, công tác phòng, chống thiên tai thời gian qua đạt kết quả tích cực hơn. Năm qua, tổng mức đầu tư từ ngân sách nhà nước cho công tác phòng, chống thiên tai là gần 11.000 tỷ, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống thiên tai.
Tuy vậy, Thủ tướng cũng nêu nhiều bất cập, thiếu sự đồng bộ trong các công trình hạ tầng để cùng góp phần phòng, chống thiên tai. “Sạt lở bờ sông nặng nề ở phía bắc, đặc biệt phía nam có nhiều nguyên nhân, nhưng có nguyên nhân quan trọng là khai thác cát bừa bãi. Nhưng chúng ta chưa xử lý nghiêm việc này. Địa phương phải lo quản lý, lực lượng công an và các lực lượng chức năng và người dân phải có biện pháp. Phải khai thác theo quy hoạch chứ không phải đào sâu xuống dẫn đến tình trạng sạt lở. Cũng như xây dựng, phải nghiên cứu vật liệu thay thế cát xây dựng chứ không thể đào cát mãi”-Thủ tướng nhấn mạnh.