Người dân ngăn cản chủ đầu tư lấp vịnh An Hòa
Những ngày qua hàng chục hộ dân ở thị trấn Núi Thành và xã Tam Hiệp thuộc Núi Thành, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức ngăn cản chủ đầu tư thi công lấp vịnh An Hòa, vì cho rằng, dự án làm mất ngư trường đánh bắt thủy sản và nơi neo đậu ghe thuyền.
Người dân ngăn cản chủ đầu tư lấp vịnh An Hòa.
Sáng ngày 17/5, phản ánh với chúng tôi, nhiều người dân cho rằng, khi dự án chưa triển khai, mỗi ngày ra sông đánh bắt các loại thủy sản có thu nhập từ 200 đến 500 nghìn đồng, có ngày họ thu tiền triệu. Nhưng từ khi dự án được triển khai nguồn lợi này không còn nhưng việc hỗ trợ chuyển đổi nghề chưa thỏa đáng.
Vì thế từ ngày 15/5, một số người dân tập trung trên tuyến đường 129 đoạn giáp ranh giữa xã Tam Hiệp và thị trấn Núi Thành mang theo băng-rôn ra để phản đối, yêu cầu chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan đảm bảo quyền lợi cho họ.
Đối với Dự án đường 129, ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng các CTGT tỉnh Quảng Nam cho biết, đây là dự án đơn vị tiếp quản từ BQL Khu kinh tế mở Chu Lai, dự án này tỉnh quyết định đầu tư xây dựng để kết nối tuyến đường ven biển trên địa bàn tỉnh từ Hội An vào đến sân bay Chu Lai để góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông của tỉnh cũng như khu vực miền Trung.
Còn Dự án Khu đô thị sinh thái cao cấp vịnh An Hòa được UBND phê duyệt Quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 1223/QĐ-UBND ngày 18/04/2013 và Giấy phép xây dựng số 173/GPXD do Sở Xây Dựng cấp ngày 06/12/2013 với diện tích lên đến 99,6ha.
Theo đó, từ năm 2018, đường 129 được thi công dọc theo tuyến sông Trường Giang, cùng với đó Dự án Khu đô thị sinh thái cao cấp vịnh An Hòa tiến hành san lấp khu vực vịnh. Đến nay, đã có hàng chục ha mặt sông và vùng vịnh đã được lấp.
Thế nhưng người dân cho rằng, những vướng mắc đền bù, hỗ trợ chuyển đổi nghề chưa thỏa đáng nên đã tập trung phản đối.
Ông Trần Quốc - người dân ở đây cho rằng: “Các dự án tiến hành san lấp khu vực vịnh hàng trăm ha làm cho ngư dân chúng tôi khó khăn trong việc đánh bắt hải sản. Chúng tôi làm đơn gửi lên chính quyền nhiều lần mới được mời họp, nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng”.
Còn ông Phạm Hoàng Viên trú xã Tam Hiệp cho biết, Chính quyền có lập danh sách và có phương án hỗ trợ mỗi hộ có phương tiện ghe mưu sinh 2 triệu đồng. Sau đó chính quyền huyện họp dân đưa mức hỗ trợ lên 7 triệu đồng nhưng bà con không đồng thuận và yêu cầu hỗ trợ loại ghe thuyền nhỏ 50 triệu đồng, còn loại lớn 70 triệu đồng để chuyển đổi nghề nghiệp. Nếu không thì phải xây một cây cầu trên đường 129 chạy qua khu vực vịnh để ghe thuyền có thể ra vào và hải sản sinh sống”.
Trước sự việc trên, ông Trương Văn Trung - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho hay, tổng số hộ bị ảnh hưởng trong dự án khu vực này là 57 hộ. Đến nay đã có 26 hộ nhận tiền hỗ trợ. “Sau khi tuyến đường 129 hình thành, huyện sẽ nghiên cứu khu vực thuận lợi để làm nơi neo đậu tàu thuyền cho người dân. Riêng về việc người dân yêu cầu hỗ trợ từ 50 đến 70 triệu đồng để chuyển đổi nghề nghiệp, việc này ngoài thẩm quyền của huyện. Do vậy địa phương đang nghiên cứu, kiến nghị tỉnh và các ngành chức năng để có hướng giải quyết tiếp theo”- ông Trung nói.