'Bộ lọc' từ nhân dân

Vũ Lân 18/05/2020 07:50

Hội nghị lần thứ 12 BCH Trung ương Đảng (Khóa XII) tập trung xem xét, quyết định phương hướng công tác nhân sự BCH Trung ương Khoá XIII; phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Vì đây là vấn đề “gốc” của mọi công việc,  liên quan đến những người lãnh đạo, “công bộc” của dân cho nên không chỉ cán bộ, đảng viên mà người dân cũng rất quan tâm.

'Bộ lọc' từ nhân dân

Quang cảnh phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 12 Khóa XII. Nguồn: TTXVN.

Trong phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng một lần nữa nhấn mạnh đến công tác cán bộ cấp cao của Đảng. Đặc biệt yêu cầu kiên quyết không để lọt vào BCH Trung ương những người có một trong các khuyết điểm đã được cụ thể hóa, rất rõ ràng.

Đây là yêu cầu của Đảng ta đồng thời cũng là mong muốn của Dân ta. Để không bị “lọt” những “con sâu làm rầu nồi canh” có rất nhiều việc phải làm, qua nhiều sự sàng lọc qua nhiều khâu, nhiều tầng, nhiều nấc và cần một cách kỹ càng, cẩn thận, thật thà. Một trong những “khâu đột phá” mà Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy BCH Trung ương (Khóa XII) “về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” là “Phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ”. Nguyên tắc “Dựa vào dân để xây dựng Đảng” phần nào được thể chế hóa bằng việc phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ. Đó là: 1). Thể chế hoá, cụ thể hoá và tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ; 2). Thường trực cấp uỷ các cấp ở địa phương định kỳ tiếp dân; bí thư, phó bí thư, uỷ viên ban thường vụ và cấp uỷ viên dự sinh hoạt với chi bộ khu dân cư; đảng viên công tác tại xã, phường, thị trấn sinh hoạt đảng tại chi bộ khu dân cư. Thực hiện việc phân công cán bộ, đảng viên phụ trách hộ gia đình nơi cư trú với các hình thức phù hợp để gắn bó mật thiết với nhân dân; truyền đạt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; nắm chắc tình hình cơ sở; đồng thời, qua đó để nhân dân thực hiện việc giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là về đạo đức, lối sống; 3). Cụ thể hoá và thực hiện có hiệu quả cơ chế dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát trong công tác cán bộ, xây dựng và quản lý đội ngũ cán bô; 4). Nghiên cứu mở rộng các hình thức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với từng đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị một cách phù hợp; 5). Hoàn thiện cơ chế tiếp nhận và xử lý những ý kiến phản ảnh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của nhân dân, nhất là của người có uy tín trong cộng đồng dân cư gửi đến cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị và qua các phương tiện thông tin đại chúng với các hình thức phù hợp, hiệu quả.

Thực hiện thường xuyên, nghiêm túc các công việc nói trên thì dứt khoát Đảng ta sẽ không để lọt những cán bộ thoái hóa, biến chất vào BCH Trung ương như các nhiệm kỳ Đại hội Đảng vừa qua.

Trong tình hình hiện nay, nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý thường rất kín đáo, tinh vi cho nên có những vấn đề như suy thoái về tư tưởng chính trị, bản lĩnh chính trị không vững vàng, mất đoàn kết nội bộ, lợi ích nhóm, tham nhũng... không phải dễ dàng mà biết được. Hơn nữa trong cơ chế hiện nay, ở nơi công tác, nội bộ nơi làm việc, những cán bộ cấp chiến lược thường là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu lại do “cấp trên” quản lý, phê bình, nhận xét, với cấp dưới, họ có “quyền sinh, quyền sát”, cấp dưới, quần chúng, trong nội bộ cơ quan, đơn vị rất sợ và ngại tố cáo cấp trên. Cho nên để nội bộ phát hiện, tố giác những vi phạm khuyết điểm, tham nhũng, lợi ích nhóm...trong thực tế những năm qua là khó khả thi. Suy cho cùng, những sai phạm, khuyết điểm đều nhằm mục đích làm giàu. Do đó, đối với những cán bộ có biểu hiện giàu lên nhanh chóng một cách bất chính, có nhiều nhà, nhiều đất mà không giải trình được, bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính...thì “vải thưa không thể che mắt” được nhân dân, nhất là ở nơi cư trú. Chính vì vậy đây là “gót chân A sin” của cán bộ sai phạm khuyết điểm và là thế mạnh của Nhân dân ta. Trước thềm Đại hội XIII của Đảng, việc triển khai thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 “Về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền” chính là “bộ lọc” rất quan trọng không để những cán bộ vi phạm lọt vào BCH Trung ương khóa XIII.

Một băn khoăn rất lớn nữa là vì sao có những cán bộ thuộc diện BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị phát hiện và xử lý kỷ luật, trong đó có những cán bộ giàu lên một cách nhanh chóng, nhiều nhà, nhiều đất không lý giải được hoặc vợ, chồng, con thiếu gương mẫu, vi phạm quy định của Trung ương? Vậy thì việc kê khai tài sản đến đâu? Ai giám sát? Xử lý thế nào? Vấn đề đặt ra là tính hiệu quả, độ chuẩn xác, việc xử lý việc kê khai tài sản trước khi tiến hành Đại hội XIII của Đảng cần được tiến hành, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, “giơ cao đánh khẽ” như đã từng xảy ra.

Để cho “bộ lọc” từ nhân dân được hoạt động và hoạt động có hiệu quả, vấn quan trọng mấu chốt là “lọc những ai”, “lọc như thế nào”. Điều này đòi hỏi cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là những cán bộ thuộc diện tham gia BCH Trung ương Khóa XIII, cần gắn bó với nhân dân, tự phê bình trước quần chúng, nhân dân, nhất là ở nơi cư trú đồng thời công khai tài sản, thu nhập để người dân giám sát; trong đó có các ban công tác Mặt trận ở cơ sở. Đó là việc rất cần thiết.

Vũ Lân