Tân Biên - vùng đất trù phú
Trải qua thời gian khó khăn và vất vả, diện mạo của huyện Tân Biên (Tây Ninh), nơi được xem là cái nôi của vùng kháng chiến Nam Bộ, đang đổi mới từng ngày. Vùng kháng chiến ác liệt năm nào nay đã trở thành vùng đất trù phú.
Nhiều tuyến đường ở thị trấn Tân Biên ngày nay được mở rộng, khang trang hơn.
Nguyên Bí thư Huyện ủy Tân Biên Nguyễn Văn Sáu (Sáu Dò), sinh năm 1932, hiện ngụ tại thị trấn Tân Biên, huyện Tân Biên (tỉnh Tây Ninh) nhớ như in những ngày đất nước vừa được hoàn toàn giải phóng. Khi đó cả huyện Tân Biên gần như nơi nào cũng có dấu vết cày xới của bom đạn. Cuộc sống người dân vô cùng khó khăn. Làng xóm chỉ có những mái nhà tranh nghèo xơ xác, thưa thớt bóng người. Trường học, trạm y tế sơ xài; các cơ quan Nhà nước, Huyện ủy chỉ là những nhà mái tranh, len lỏi trong rừng, với vài bộ bàn ghế đơn sơ để làm việc. Đất đai ở Tân Biên khi ấy rộng lớn, thích hợp trồng nhiều loại cây lương thực… nhưng phần lớn bỏ hoang hóa do chiến tranh ác liệt, người dân phiêu dạt khắp nơi tìm kế sinh nhai.
Sau năm 1975, sản xuất còn mang nặng tính tự cung, tự cấp, các rẫy trồng sắn, ngô, rau màu mới xuất hiện rải rác. Kể từ sau ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng, Đảng bộ và nhân dân Tân Biên nhanh chóng bắt tay vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, ổn định đời sống, xây dựng lại quê hương. Tân Biên chỉ thực sự bắt tay vào xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội từ năm 1980.
Với 12 dân tộc anh em, tập quán, trình độ khác nhau, phân bố rải rác, mật độ dân số thấp, việc xây dựng chương trình, mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, được toàn dân hưởng ứng và triển khai rất tích cực.
Ngày nay, những di chứng của chiến tranh dần dần đã biến mất trên mảnh đất Tân Biên. Tân Biên đang thay đổi từng ngày. Những con đường rộng thênh thang được trải nhựa phẳng tắp nối liền các xã, hai bên đường là những khu dân cư sầm uất. Nhà cửa, khu thương mại, trường học, bệnh viện… được xây dựng kiên cố và khang trang. Những cánh đồng mía, sắn, vườn cao su và cây ăn quả xanh tốt là thành quả đáng ghi nhận của chính quyền, nhân dân Tân Biên.
Đời sống nhân dân cũng từng bước được ổn định, không ngừng cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo trên toàn huyện chỉ còn 2,01% (năm 2019). Nhiều công trình phúc lợi công cộng như điện - đường - trường - trạm khang trang và từng bước hiện đại ở các vùng xa, vùng sâu biên giới trên địa bàn huyện. Sự nghiệp y tế - văn hóa - giáo dục đáp ứng được yêu cầu đời sống nhân dân và ngày càng hội nhập với sự phát triển chung của tỉnh.
Tốc độ phát triển kinh tế tăng trưởng bình quân hàng năm đạt trên 8%; tỷ trọng nông - lâm nghiệp chiếm 45,75%; công nghiệp - xây dựng, chiếm 38,8%; thương mại - dịch vụ, chiếm 15,45%. Sản xuất nông – lâm tăng bình quân hàng năm 2,4%.
Bí thư Huyện ủy Tân Biên Thành Từ Dũ cho biết, mục tiêu của huyện là xây dựng Tân Biên đạt chuẩn huyện nông thôn mới trong nhiệm kỳ 2020-2025. Trước mắt từ năm 2021, huyện phấn đấu sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở 3 xã còn lại Thạnh Bắc, Trà Vong và Thạnh Tây (huyện đã có 6/9 xã nông thôn mới) và xây dựng thị trấn Tân Biên trở thành đô thị văn minh. Huyện khuyến khích, thúc đẩy các hoạt động mậu dịch biên giới tại hai cửa khẩu quốc tế Xa Mát và Tân Nam, tăng cường lưu thông hàng hóa qua biên giới Việt Nam - Campuchia.