Khai mạc triển lãm ‘Hình tượng Bác Hồ trên báo chí cách mạng ở miền Nam: 1945-1975’
Đúng vào dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, nhà báo cách mạng Việt Nam vĩ đại – người đã khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam, ngày 19/5, Hội Nhà báo Thừa Thiên - Huế đã tổ chức khai mạc triển lãm “Hình tượng Bác Hồ trên báo chí cách mạng ở miền Nam: 1945-1975”.
Báo Cứu Quốc - cơ quan của Mặt trận Liên - Việt Liên khu V in chân dung Hồ Chủ tịch.
Theo Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Thừa Thiên - Huế Dương Phước Thu, đây là kết quả bước đầu của công tác sưu tầm, nghiên cứu tư liệu hiện vật, những sáng tác về Bác Hồ ở miền Nam trên báo chí, nhằm đẩy mạnh việc tuyên truyền, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí theo Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Với 70 hình ảnh tư liệu gồm những bức vẽ, ký họa, tranh khắc gỗ, ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện trang trọng trên từng tờ báo cách mạng ở miền Nam trong 2 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, tự nó đã nói lên tình cảm, ý chí của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân miền Nam đối với Bác Hồ.
Thừa Thiên - Huế, vùng đất vinh dự có hơn mười năm Người đã sống, học tập và tham gia các hoạt động yêu nước; ngay từ ngày 1/10/1945, báo Quyết Thắng, cơ quan của Tỉnh ủy Thừa Thiên và Xứ ủy Trung Bộ ra số đầu tiên đã in bức vẽ chân dung Bác bên cạnh bài thơ Hồ Chí Minh của nhà thơ Tố Hữu. Có thể nói, đây là tờ báo cách mạng đầu tiên ở miền Nam in ký họa chân dung về Người.
Hay ở tận cùng đất mũi Cà Mau, tháng 11/1946, tờ Tiến Thẳng của Ủy ban kháng chiến Nam Bộ vẽ hình ảnh Bác Hồ vui Tết Trung thu với các cháu thiếu nhi…
Triển lãm cũng cho thấy, nếu Trung ương có báo Nhân dân, báo Cứu Quốc thì ở miền Nam có báo Nhân dân miền Nam, Nhân dân Khu V, báo Cứu Quốc Khu IV, Cứu quốc Khu V, Cứu quốc của Tỉnh ủy Mỹ Tho…
Dù hoàn cảnh ra đời và điều kiện sáng tác, in ấn, phát hành gặp vô cùng khó khăn và hiểm nguy nhưng những người làm báo ở chiến khu, bưng biền trong hai cuộc kháng chiến đã tìm mọi cách để đưa hình ảnh Bác Hồ đến với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ miền Nam- nơi luôn hướng về Thủ đô Hà Nội, về “Hồ Chủ tịch - Người cha già dân tộc Việt Nam” như chú thích của báo Tay Thợ - in ở Huế vào dịp Tết Độc lập đầu tiên 1946 với niềm tin sâu sắt vào thắng lợi cuối cùng.