Sống khỏe từ nuôi cá lồng
Trong dịch Covid-19, nhiều nông sản “được mùa rớt giá”, nhưng trái lại những người nuôi cá lồng với các loại cá đặc sản như chép giòn, trắm cỏ, lăng chấm, diêu hồng thì lại vẫn “ăn nên làm ra”.
Nuôi cá lồng đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Tại xã Thái Tân (huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương), nhiều người nuôi cá lồng vẫn có được thu nhập khá cho dù đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành. Ở đây, có những hộ nông dân có tới 30 lồng cá. Vì sao nuôi cá trên đồng lại “lỗ chỏng vó” còn nuôi cá lồng trên sông vẫn “sống khỏe”? Người nuôi cá ở Thái Tân cho biết, nuôi cá trên sông không mất tiền điện, không phải đầu tư mua máy bơm (hoặc thuê máy bơm) vét vệ sinh đáy ao hàng năm, thay mới nước định kỳ và chạy các thiết bị tăng hàm lượng ô xy trong nước. Giảm được ba khoản đầu tư này đã hạ được chừng 10% giá thành sản phẩm.
Cá được nuôi trên sông cũng mau lớn, ít bị nhiễm dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp, chất lượng thịt ngon, thơm hơn cá nuôi trên đồng ruộng. Giá bán cũng luôn cao hơn các loại thủy sản nước ngọt cùng loại khác. Những ưu thế vừa nêu giúp tăng thêm 5% lợi nhuận nữa. Kết dư từ hai nguồn nói trên đã “bỏ ống” được 15% doanh thu.
Ở đây, có gia đình thu tới 100 tấn cá 1 năm, có nghĩa là để ra được trên dưới 1 tỉ đồng tiền lãi.
Tuy nhiên để có được mức thu nhập cao như vậy thì số vốn ban đầu bỏ ra khá lớn, không phải hộ nào cũng có thể đầu tư. Phần nhiều bà con phải vay mượn người thân hoặc là vay vốn từ ngân hàng.
Được biết, hiện ở xã Thái Tân có hơn 200 lồng cá nuôi sông, sản lượng cho thu hoạch hàng năm ước đạt 300 tấn, hầu hết là các loại cá đặc sản, trong đó lượng cá chép giòn đạt từ 70-100 tấn/năm.
Còn tại huyện miền núi Na Hang (tỉnh Tuyên Quang), tới nay nghề thủy sản đã trở thành “cần câu cơm” của nhiều hộ dân. Để có được điều đó, huyện đã triển khai nhiều chính sách đồng hành cùng người dân. Trong đó, thực hiện Nghị quyết số 12/2014/NQ-HĐND tỉnh Tuyên Quang về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi huyện đã giải ngân 8,32 tỷ đồng cho 54 hộ tham gia vay vốn nuôi cá đặc sản bằng lồng trên hồ thủy điện Tuyên Quang. Đến hết năm 2019, toàn huyện có 900 lồng cá, tăng 73 lồng so với năm 2018.
Một gia đình ở tổ 2, khu Thác Mơ, thị trấn Na Hang nuôi cá lồng hơn 6 năm nay cho biết, hiện gia đình anh có 20 lồng cá, cung cấp ra thị trường 40 tấn cá/năm. Nuôi cá trên hồ thủy điện Tuyên Quang được chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi về các thủ tục hành chính khi triển khai làm hồ sơ nuôi trồng cũng như những thủ tục liên quan đến vốn vay.
Với giá cá lăng đạt 80.000 đồng/kg, cá bỗng 250.000 đồng/kg, cá chép 70.000 đồng/kg, mỗi năm gia đình có doanh thu đạt 2,5 tỷ đồng. Trừ các khoản chi phí đầu tư giống, thức ăn, công chăm sóc, còn lãi 700 triệu đồng/năm.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Na Hang, hơn 10 năm phát triển nghề nuôi thủy sản, người dân trên địa bàn huyện đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc. Hiện nay, các hộ gia đình nuôi cá trên hồ đang dần chuyển đổi loại hình nuôi cá bằng lồng kích thước 9-12m3 khung gỗ, tre... độ bền không cao sang lồng kích thước 108 m3 khung sắt kiên cố. Điều này cho thấy đã có sự chuyển biến rõ rệt về ý thức chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa của các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình. Đây cũng là cơ sở góp phần nâng cao năng suất, sản lượng thủy sản hàng năm trên địa bàn huyện.
Đến nay, toàn huyện Na Hang có 110 hộ, 3 hợp tác xã, 2 doanh nghiệp tham gia vào nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, năm 2019 huyện triển khai mô hình nuôi cá tầm hạ lưu hồ thủy điện Tuyên Quang từ nguồn vốn Khuyến ngư quốc gia do Trung tâm Thủy sản Tuyên Quang thực hiện.