Nhiều bộ, ngành chưa thực hiện nghiêm tiết kiệm, chống lãng phí

H.Vũ 20/05/2020 07:30

Chiều 18/5, Văn phòng Quốc hội tổ chức buổi họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Tại buổi họp báo, liên quan đến vụ án Hồ Duy Hải, ông Nguyễn Hạnh Phúc-Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, hiện Ủy ban thường vụ Quốc hội đang giao cho các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý theo đúng các quy định của pháp luật.

Thông tin về nội dung chương trình kỳ họp, ông Nguyễn Mạnh Hùng- Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết: Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 19 ngày; đợt 1 họp trực tuyến từ ngày 20 đến ngày 29/5; đợt 2 họp tập trung từ ngày 8 đến ngày 18/6. Bên cạnh việc tập trung cho công tác xây dựng pháp luật, Quốc hội cũng dành nhiều thời gian cho công tác giám sát tối cao, xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Theo đó, Quốc hội sẽ dành xem xét, thông qua 10 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến đối với 6 dự án luật khác. Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia; xem xét, quyết định công tác nhân sự.

Về hoạt động giám sát tối cao, theo ông Hùng, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” và biểu quyết thông qua Nghị quyết về nội dung này; biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2021. Đồng thời Quốc hội sẽ xem xét, thông qua các Nghị quyết về: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018; Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng; Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.

Trả lời báo chí về việc hiện có nhiều bộ, ngành không nghiêm túc trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết: Do có một vài bộ, ngành chưa nghiêm túc trong quá trình thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí nên vấn đề này sẽ được báo cáo trước Quốc hội để phê bình các bộ, ngành chưa thực hiện nghiêm. Và vấn đề này sẽ được đưa vào trong nghị quyết chung của kỳ họp.

Liên quan đến việc sau khi vụ án Hồ Duy Hải đã có ĐBQH đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát đề nghị Tòa án xem xét, vậy hiện Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến như thế nào về việc này? Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: “Ngày 8/5, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã công bố quyết định giám đốc thẩm xét xử vụ án Hồ Duy Hải. Theo đó giữ nguyên bản án phúc thẩm của Toà phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại TP Hồ Chí Minh xử phạt tử hình đối với bị cáo Hồ Duy Hải về tội “giết người”, 5 năm tù về tội “cướp tài sản”. Sau đó, một số ĐBQH có ý kiến, gửi văn bản cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng đây là một trong những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài trong nhiều năm. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII, Quốc hội đã thành lập Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu làm trưởng đoàn giám sát tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật. Đoàn giám sát cũng đã báo cáo Quốc hội chi tiết về vụ án trên. Thời điểm đó, gia đình bị cáo liên tục kêu oan, dư luận trong nước và nhiều tổ chức quốc tế cũng lên tiếng. Để có thời gian xem xét thật toàn diện và khách quan các vấn đề liên quan đến vụ án này, hiện Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang giao cho các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý theo đúng các quy định của pháp luật”, ông Phúc cho hay.

H.Vũ